Em bé này theo bố đi viếng người mà em chỉ biết qua ảnh và gọi là cụ Giáp. |
Những chàng trai áo đỏ của đội tuyển U.19 quốc gia, băng tang đính ngay dưới lá cờ tổ quốc bên ngực trái, đứng lặng yên 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước một trận đấu vòng loại U.19 Châu Á ở Kuala Lampur, Malaysia.
Người lính già Phàng Sao Vàng quân phục bạc thếch bụi thời gian, ngực đỏ huân-huy chương, ống thấp ống cao, giơ tay ngang vành mũ chào người “Anh Cả”.
Một phụ nữ vượt hàng ngàn cây số từ Bình Dương ra Hà Nội, chỉ để đặt bên tường những đóa hoa huệ trắng.
Cô gái trẻ đứng bần thần mắt đẫm lệ.
Giai điệu trầm hùng, bi ai của bản “hồn tử sĩ” được người nghệ sĩ đường phố tấu lên, trong cảnh đoàn người miên man, trầm mặc bước trong ánh nắng vàng cuối thu.
Một cậu bé tựa lưng vào vai người cha, mệt mỏi vì chờ đợi nhưng tay vẫn nắm chặt tấm ảnh của vị Đại tướng nhân dân.
Nhân dân đã tổ chức “Quốc tang” cho ông ngay từ tối ngày 4.10 và trắng đêm, với tràn ngập những hình ảnh, những dòng vĩnh biệt trên mạng xã hội. Đến nỗi không ai nỡ viết một điều gì khác.
Nếu còn cần có thêm một con số thì đó là 11.000 người đã đến bái biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 11.000 người trong chỉ một buổi chiều.
Chúng ta đang chứng kiến điều gì vậy?
48 giờ qua, biết bao nhiêu từ ngữ nói về ông, viết về ông đã xuất hiện. Một huyền thoại, một biểu tượng… Với vô vàn những tính từ: Kiệt xuất, lẫy lừng… Nhưng nói về Tướng Giáp, không có gì ngắn gọn, súc tích và đầy đủ hơn đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu đã tặng ông “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm”.
Nói về Tướng Giáp, không gì giản dị và cao quý hơn hai chữ “Anh Cả” mà những người lính dùng để gọi vị tư lệnh của mình. Và nói về Tướng Giáp, đồng bào các dân tộc Điện Biên gọi ông là “Ải pú tạp xấc” (Ông nội đánh giặc). Còn nhân dân, nói về ông bằng một chữ NGƯỜI.
Những giọt nước mắt của cả dân tộc đang cho thấy đó không chỉ là niềm tiếc thương, ngưỡng mộ, tự hào về một vị tướng tài danh đã đi vào sử sách, một vị tướng mà ngay kẻ thất trận cũng cúi đầu bái phục.
Chúng ta đang được chứng kiến những gì đẹp đẽ nhất của lòng dân khi cả dân tộc đang xích lại gần nhau trong một nỗi đau chung. Tướng Giáp có lẽ sẽ ngậm cười nơi chín suối, khi chính ông một lần nữa chứng minh tinh thần dân tộc nằm trong chính mỗi người Việt Nam, một tinh thần dân tộc chỉ có thể nghiêng mình trước một nhân cách lớn chứ không bao giờ quỳ gối trước bất cứ kẻ thù nào.
Sau gần nửa thế kỷ, đất mẹ mới thêm một lần chứng kiến những giọt nước mắt dân tộc khi “Bao nhiêu nước mắt khóc Bác Hồ, giờ khóc bác Giáp” - lời GS Vũ Khiêu. Cả dân tộc đang lặng lẽ khóc chung những giọt nước mắt tiếc thương, tự hào. Hình như dân đã thờ ai thì không bao giờ nhầm cả.
Theo Lao Động