Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ… chữ trinh

Thứ năm, 10/10/2013, 15:27
Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?". Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn : "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền (theo Vietnamnet).

Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề : "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ".

Đây là một đề thi chọn học sinh giỏi văn được cho là của TP.Hải Phòng - đang được mạng xã hội và một số báo điện tử chia sẻ với tốc độ… cởi áo của 2 nàng.

Sốc hay choáng là những tính từ cảm xúc được gắn kèm trên các bản tin. Còn tại sao một nhân vật xã hội, gắn với một vấn đề xã hội không nhỏ khi được đưa vào đề thi lại gây sốc, gây choáng thì chịu. Không có báo nào chịu giải thích.

Nói đến (đề thi) Ngọc Trinh, không thể nhắc tới đề thi “chữ trinh” của ĐH FPT năm ngoái.

Dẫn đại thi hào Nguyễn Du "Xưa nay trong đạo đàn bà/Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/Có khi biến, có khi thường/Có quyền, nào phải một đường chấp kinh" và "Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu", đề thi ĐH FPT viết “Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đổ vỡ, người vợ bị đem trả lại.

Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân. Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không?”.

Khỏi phải nhắc lại chuyện thầy trò FPT đã phải ''mang rổ, đội mũ bảo hiểm để hứng đá'' thế nào khi xuất hiện vô số các nhà đạo đức học, các anh hùng bàn phím ''ném đá chí chết'' với quan điểm đã là đề thi mà nói đến một chữ tế nhị, nhạy cảm như chữ trinh là… phản cảm.

Bấy giờ, nhà nghiên cứu văn hóa - giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Nguyễn Hùng Vĩ, người có khuôn mặt lành như đất - cũng phải lắc đầu. Thầy Vĩ nói ông chịu, không sao hiểu nổi tại sao 37 năm trước, đề thi chữ trinh là bình thường, còn bây giờ thì lại là “lạ”, là “phản cảm”.

2 chữ “trinh”, nhiều chữ sốc, choáng, và vô số gạch đá… đang phản chiếu chung một điều: Định kiến xã hội đang nặng nề hơn so với 37 năm trước.

Nặng không phải chỉ ở một chữ trinh, dù Ngọc Trinh hay trinh tiết, mà ở chỗ người ta không có thói quen đưa những điều thiếu mô phạm vào giáo dục, dù đó là thực tế xã hội.

Thói quen đền thờ hóa giáo dục đang sinh đẻ theo kế hoạch ra những đề thi, đại loại luận về lối sống “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”- như câu hỏi nghị luận trong đề thi quốc gia vừa rồi.

Nếu có ý định so sánh, thì dường như không thể phủ nhận rằng đề thi chữ trinh hay Ngọc Trinh hay hơn, thời sự hơn, hấp dẫn hơn, gần gũi hơn, thực tiễn hơn hoặc ít nhất cũng… gợi cảm hơn rất nhiều so với đề thi về sự khôn khéo.

Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo vừa nói về một trận đánh lớn trong giáo dục. Hình như trận đánh đó rất nên bắt đầu bằng những đề nghị luận trước những vấn đề xã hội gần gũi, thực tế. Bà Tưng, Ngọc Trinh với phát ngôn “cạp đất”… bất tử chẳng hạn. Và trận đánh đó muốn chiến thắng, phải là việc tôn trọng cả những thái quá trong tình cảm của học trò. Ví dụ như sẵn sàng chấp nhận cả những bài thi để giấy trắng - công khai bày tỏ thái độ phản đối đề thi đang xúc phạm những "ồ pa" của mình.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn