Vụ việc này xuất phát từ quy định của Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre. Theo đó, mọi khoản chi tiêu của nhà trường đều phải có hóa đơn bán hàng, kể cả tiền ăn của trẻ học bán trú do phụ huynh đóng. Vì vậy, khi mua gạo, rau, cá, thịt... thì phải lấy hóa đơn, do đó giá cao hơn thực tế. Những nơi không có hóa đơn để xuất thì nhà trường buộc phải “xén” trực tiếp 10% tiền ăn để mua hóa đơn.
Trẻ thiệt thòi
Chị Nguyễn Ngọc Não, phụ huynh học sinh Trường mầm non Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri), cho biết trong những lần trường công bố tài chính đều có một khoản chi rất lạ là tiền thuế 10%. “Chúng tôi hỏi là tiền gì thì nhận được câu trả lời là tiền mua hóa đơn đỏ. Vậy là mỗi ngày tiền ăn của con em chúng tôi bị cắt một phần rồi” - chị Não bức xúc.
Bà Đặng Thị Nương, có hai cháu học ở Trường mầm non Tân Ngãi Trung (huyện Ba Tri), cũng băn khoăn: “Đầu năm học là mỗi đứa đóng hơn 1 triệu đồng. Hằng tháng mỗi đứa đóng tiền ăn hơn 400.000 đồng nữa. Mẹ chúng thì đi mua gánh bán bưng, cha thì đi làm hồ. Nếu bị tính thuế kiểu đó coi như mỗi tháng mất tiền một ngày công làm hồ, một ngày tiền lời bán ngoài chợ của cha mẹ chúng rồi”.
Tiền ăn của trẻ mầm non bán trú trên địa bàn tỉnh Bến Tre dao động từ 12.000-16.000 đồng/ngày. Như vậy mỗi trẻ trung bình phải đóng thuế cho bữa ăn đó từ 600-1.600 đồng/ngày. Quy định này còn áp dụng đối với những xã nằm trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn. Điều nghịch lý là trẻ học mầm non ở các địa phương này được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/em/tháng, nhưng vẫn phải trích ngược 10% để đóng thuế.
Nhà trường cũng khổ
Cô Phạm Thị Thành - hiệu trưởng Trường mầm non Bảo Thuận (huyện Ba Tri) - nói: “Người bán nói thẳng là nếu mua được thì mua, còn không thì thôi chứ đòi hóa đơn thì họ không rảnh để đi mua. Thà bán cho dân thường cho nhanh, khỏi hóa đơn phiền phức.
Còn khi có chỗ đồng ý xuất hóa đơn thì phải chấp nhận để họ kê giá thực phẩm cao hơn giá thị trường để trừ vào 10% thuế đó. Số tiền chênh lệch này phụ huynh chịu. Cũng tội cho phụ huynh, nhưng quy định vậy thì không thể làm khác được”.
Còn cô Trần Thị Bé Năm - hiệu phó Trường mầm non Tân Thủy (huyện Ba Tri) - than thở: “Mặc dù đầu năm học nhà trường đã giải thích rất rõ việc tiền ăn của trẻ sẽ chịu thuế do chi xuất bằng hóa đơn đỏ, nhưng nhà trường thấy ngại lắm.
Chính nhà trường cũng khó khăn vô cùng khi áp dụng hình thức thanh toán này. Không tiểu thương nào có hóa đơn để giao cho nhà trường cả, nên bắt buộc chúng tôi phải tự đứng ra mua hóa đơn rồi đến chi cục thuế huyện nhờ họ viết giùm”.
Sai ở chỗ người bán
Về vấn đề này, ông Lý Chí Hùng, trưởng phòng kế hoạch - tài chính thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, cho biết năm 2010 sở có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh khi sử dụng ngân sách nhà nước để mua trang thiết bị phải có hóa đơn chứng từ hợp pháp, hợp lệ.
Một bữa ăn của trẻ tại Trường mầm non Tân Thủy, huyện Ba Tri. Bữa ăn của các cháu đều bị tính thuế - Ảnh: Ngọc Tài |
Đến năm 2011, sau khi bị Kiểm toán Nhà nước phê bình việc không kiểm soát thu chi tại các trường mầm non bán trú (kể cả tiền ăn do phụ huynh đóng) thì sở mới chấn chỉnh. Ông Hùng khẳng định quy định của sở là không sai.
Sai là ở chỗ người bán vì trong giá bán đã có thuế và họ phải xuất hóa đơn. Do không có hóa đơn, trường phải đi mua sau đó lại trừ tiền thuế khi mua hóa đơn vào phần ăn của trẻ lại càng sai. “Sở rút kinh nghiệm chuyện này và sẽ trao đổi, chỉ đạo lại các trường.
Cái nào sai phải chấn chỉnh liền. Bản thân nhà trường phải thông hiểu chuyện này rồi thông báo lại để phụ huynh nắm. Không thể để phụ huynh phải chịu thêm bất cứ khoản tiền nào liên quan đến hóa đơn chứng từ, tài chính khác với quy định pháp luật” - ông Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, chi cục trưởng Chi cục Thuế tỉnh Bến Tre, cho biết người kinh doanh kê giá mới chịu xuất hóa đơn cho nhà trường là hoàn toàn sai. Tuy nhiên thực tế này rất phổ biến, không chỉ ở Bến Tre và rất khó kiểm soát.
Riêng việc nhà trường đến chi cục thuế huyện để mua hóa đơn cũng không đúng. “Nhà trường đâu có chức năng kinh doanh mà mua hóa đơn. Có thể do nhà trường năn nỉ dữ quá bên thuế mới bán. Vì nếu không mua được hóa đơn nhà trường sẽ không đủ chứng từ để thanh toán là bị xuất toán ngay. Chi cục thuế sẽ nhắc nhở các huyện chấm dứt việc bán hóa đơn cho nhà trường, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn người kinh doanh hiểu đúng và làm đúng nghĩa vụ thuế” - ông Điệp nói.
Không có tiền đóng tiền ăn 10g30, trong lúc các em học bán trú tại Trường mầm non Tân Thủy (xã Tân Thủy, huyện Ba Tri) chuẩn bị ăn trưa thì khoảng 40 trẻ học cùng trường lại cắp cặp ra về. Đây là các em học sinh học hai buổi/ngày nhưng do cha mẹ không đủ tiền đóng tiền ăn đành chấp nhận đón con lúc 10g30 về nhà ăn cơm, sau đó lại đưa đến trường học tiếp lúc 14g. “Ngày đi bốn bận như vậy, bản thân tui còn đuối nói chi mấy đứa nhỏ. Nhưng nhà đâu có tiền đóng tiền ăn dữ vậy. Mỗi tháng mấy trăm ngàn tiền ăn mà nghe đâu còn bị tính thuế nữa. Vô lý quá” - phụ huynh tên Trần Thị Lành chia sẻ. |
Theo Tuổi Trẻ