Xung quanh vấn đề trên, PV có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Một quan niệm cũ không còn phù hợp!
Thưa ông, theo quan niệm xưa cũ nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường, hương khói tổ tiên. Nhưng con cái là trời cho, nhiều gia đình sinh con một bề đã "tập huấn" con gái biết thờ cúng gia tiên. Ông bình luận như thế nào về hiện tượng mới độc đáo này?
Tôi nghĩ chuyện giao nhiệm vụ thờ cúng gia tiên cho con trai đã thành một nếp nghĩ, một thói quen thậm chí như một chuẩn mực văn hóa nhưng đã lâu đời trong xã hội Việt Nam khi từ mẫu quyền chuyển sang phụ quyền. Chính vì lẽ đó đã dẫn tới tư tưởng trọng nam khinh nữ không chỉ riêng ở Việt Nam mà có ở một số nước ở châu Á.
Sau khi có chính sách kế hoạch hóa gia đình thì chuyện coi trọng đẻ con trai được nhiều người chú trọng. Thậm chí có những hành động vi phạm pháp luật như chọn giới tính hay hủy cả thai khi nó không phải là con trai. Đây là một tập tính cũ, vi phạm pháp luật không phù hợp với xã hội hiện đại.
Việc chọn lựa giới tính sẽ để lại nhiều hậu quả lâu dài cho xã hội?
Vấn đề này dẫn đến sự bất thường về giới tính. Các cụ thường hay nói con cái do trời sinh mà, trời sinh thì phải có nam, có nữ. Thế nhưng vì chỉ nghĩ đến trọng nam và khi nam nhiều hơn nữ gây ra sự bất ổn trong xã hội. Nó đã và đang dẫn tới những phức tạp không chỉ trong chuyện giới tính nữa mà cả trong cả kinh tế, chính trị và xã hội.
Điều này đã gây ra nhiều phiền toái đó là không bị đảo lộn sinh hoạt bình thường của gia đình; tình cảm đối với thế hệ sau và thế hệ trước không phân biệt nội hay ngoại. Sự biến đổi này là rất tích cực. Tôi nghĩ truyền thông nên ủng hộ hướng thay đổi này để hạn chế lệch lạc giới tính, bởi vì dân số quốc gia nó lệch lạc ảnh hướng vài chục năm sau.
Dù nữ giới hay nam giới đều có quyền và trách nhiệm thờ cúng tổ tiên trong gia đình.
Vậy theo ông, đâu là nguyên do dẫn đến sự bất bình thường đó?
Điều này xuất phát từ quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình dẫn đến quan niệm chỉ có con trai mới làm việc thờ cúng tổ tiên và được phép làm việc đó. Trong khi có nhiều phụ nữ, từ cổ xưa đến bây giờ họ rất có hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Tất nhiên so sánh thì khập khiễng nhưng không có nghĩa là cái hiếu của phụ nữ ít hơn nam giới. Thậm chí luật Bình đẳng giới đã nêu rất rõ vấn đề này.
Do vậy, cần phải coi như thế nào là chuẩn mực văn hóa, cái chuẩn mực nào là đúng và cần lưu giữ, còn cái chuẩn mực nào cần phải thay đổi.
Tôi thấy mừng là bây giờ quan niệm trọng nam khinh nữ chưa mất đi hẳn, nhưng gần đây phải nói là các tổ chức, các cơ quan, các tổ chức đoàn thể đặc biệt là Hội Phụ nữ cũng có những trung tâm bảo vệ bình đẳng giới và nó cũng đang có sự chuyển biến nhất định. Tôi cũng gặp nhiều gia đình mà họ cũng có những thay đổi ở việc nữ giới cũng thờ cúng tổ tiên.
Nghĩa là ông cũng là người cấp tiến, vậy trong gia đình ông chuyện thờ cúng gia tiên như thế nào?
Bà ngoại tôi sinh 6 người con gái không có con trai. Vì thế, mẹ tôi đã đảm nhận việc thờ cúng tổ tiên. Hiện nay, nhà tôi có hai nhà từ đường, một bên nội và một bên ngoại để anh em, con cháu xa gần của hai bên ngoại đóng góp vào và cùng thờ cúng tổ tiên. Đây là trường hợp cá nhân của gia đình tôi và tôi nghĩ nhiều gia đình cũng đã làm được như vậy. Bởi nếu không có con trai thì làm thế nào, chính vì thế nhiều gia đình nữ đã đứng ra thờ cúng tổ tiên.
Nam hay nữ đều có quyền báo hiếu, thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi
Ông Nguyễn Viết Chức cho biết thêm: "Hệ tư tưởng bây giờ còn nặng nề và dần dần họ sẽ lựa chọn để phù hợp với cuộc sống. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để buộc nó mất đi mà cần có thời gian. Thực tế cuộc sống sẽ làm cho những quan niệm cũ không còn phù hợp nữa. Nó chính là văn hóa tổ chức cuộc sống cộng đồng và xã hội mới. Vai trò của người phụ nữ ngày càng được nâng cao và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Việc thờ cúng tổ tiên chính là quyền lợi và cũng như nghĩa vụ của họ. Tôi rất ủng hộ chủ trương này". |
Nhưng thực tế, nhiều dòng họ cũng chỉ ghi danh "xuất đinh" vào gia phả, như thế gia đình nào không có con trai thì chi họ trong gia phả sẽ bị "cụt" gọi là mất giống. Ông bình luận gì về quan niệm này?
Đây là tư tưởng phong kiến của chế độ phụ quyền không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Trước đây người ta hiểu không đúng khoa học, người con sinh ra mang gene của cả cha và mẹ.
Nhưng việc chỉ coi trọng con trai là quan niệm lâu đời, thậm chí có thời kỳ ghi thành luật trong chế độ phong kiến, tội lớn nhất trong dân gian là không đẻ được con trai để nối dõi tông đường.
Tư tưởng đó ăn sâu đến cả nghìn năm không dễ xóa bỏ, thay đổi. Chúng ta đang đổi mới nên bây giờ nhận thức đã khá lên nhiều và tôi đang rất lạc quan về vấn đề này. Chúng ta không được chùn bước và phải tiếp tục thay đổi để một ngày nào đó quan niệm cũ bị bỏ đi.
Ngay như quan điểm nam mới kéo dài dòng họ còn nữ là con nhà người ta, được gả sang họ khác. Tuy nhiên đó là suy nghĩ cũ, bây giờ ở một số nước tiên tiến, đứa con có quyền mang họ mẹ hoặc họ bố chứ không nhất thiết mang họ bố.
Điều này trong luật Hôn nhân & Gia đình cũng đã quy định, tuy nhiên việc một gia đình để con mang họ mẹ là rất hãn hữu. Chính vì những quan hệ xã hội người ta cảm thấy có điều gì bất ổn nên cản trở người ta phải theo nếp cũ.
Thực tế, đã có trường hợp trong một gia đình có người con không mang họ bố, mà theo họ mẹ khi đi học, hoặc làm những giấy tờ liên quan bị trả lại vì câu hỏi... “Tại sao anh em ruột lại không cùng họ nhau, không cùng họ với bố?”. Ông có nghĩ đó là rào cản hành chính đang hạn chế sự thay đổi cấp tiến không?
Câu chuyện hành chính của mình đã làm khó cho nhiều người, bên cạnh đó dư luận xem xét rồi người ta đặt ra những nghi vấn khiến người con (có bố mẹ đầy đủ) không thể mang họ mẹ. Chúng ta cũng không thể đem luật pháp ra để áp đặt sự thay đổi mà phải tiếp tục vận động để khẳng định vai trò của người nữ.
Nam có quyền kính hiếu với ông cha tổ tiên thì nữ cũng vậy. Thậm chí trên cuộc sống nhiều người nữ đã biết giữ gìn truyền thống tổ tiên. Tóm lại, đây là một quan niệm cũ, về đúng hay sai thì ta chưa bàn nhưng bây giờ với đời sống hiện đại và tình hình thực tế thì nữ đã và đang làm rất tốt vai trò thờ cúng tổ tiên.
Ngay cách đặt tên con nhiều gia đình đã đưa cả họ cha, họ mẹ vào tên cho con. Như thế không lo chuyện gia phả bị "cụt", khi đó con trai hay con gái thờ cúng tổ tiên đều được, miễn sao họ làm tốt nhiệm vụ. Quan điểm của ông về sự thay đổi này như thế nào?
Cái này rất tốt. Nói chung, tôi tin vào sức sáng tạo của người dân khi cuộc sống yêu cầu như thế. Chúng ta không nghĩ sẵn ra cho họ được đâu, họ tự sáng tạo ra để cuộc sống phù hợp và đầy đủ hơn. Những quy định cực đoan đều dẫn đến những điều không tốt trong cuộc sống.
Cuộc sống bây giờ chính sách kế hoạch hóa gia đình là rất đúng đắn vì vậy chúng ta phải tôn trọng và thực hiện. Nhưng với sự sáng tạo đó, nhiều gia đình không còn phải nặng nề chuyện sinh con trai hay con gái, không cần phải nặng nề chuyện chọn lựa giới tính. Tôi thấy buồn khi vẫn còn những sinh linh vì không đúng ý muốn của cha mẹ đã dùng biện pháp khoa học can thiệp để loại bỏ. Chọn lựa giới tính như vậy là vi phạm luật pháp.
Chính vì vậy cần phải thay đổi suy nghĩ phong kiến, tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được, song tôi tin là dần dần và một vài thế hệ nữa sẽ không có chuyện phân biệt con trai, con gái.
Xin cảm ơn ông!
Theo NDT