Trong phần đầu của cuộc trao đổi, thiếu tướng Lê Kế Lâm đã khẳng định: “Chúng ta sẽ xây dựng được binh chủng tàu ngầm thành một lực lượng mạnh, có thể nói đó là một “quả đấm” đầy uy lực của Hải quân Việt Nam trên biển Đông”.
Cờ đỏ sao vàng bay phất phới trên tàu ngầm Hà Nội - Ảnh: wp11082610.server-he.de |
* Mặc dù chúng ta có những khí tài quân sự hiện đại, nhưng cũng không thể nào xem nhẹ yếu tố con người?
Chúng ta luôn giữ quan điểm hòa bình ở biển Đông và hoàn toàn không mong muốn có chiến tranh, cũng không mong muốn sử dụng tàu ngầm này để diệt bất kỳ một mục tiêu nào của ai ở trên biển Đông. Nhưng rõ ràng chúng ta phải để cho những người “nóng đầu” có tham vọng chèn ép chúng ta, muốn biến chúng ta thành ra con bài của họ, thì họ phải nghĩ lại. Thiếu tướng Lê Kế Lâm |
- Cái đó là đúng, không bao giờ được xem nhẹ yếu tố con người. Do đó chúng ta nên làm thế nào đó, phải giáo dục cho kíp tàu, cũng như thanh niên trên toàn đất nước chúng ta có một lòng yêu biển, có một say mê khai thác những phương tiện có sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc.
Tuyển một anh phục vụ tàu ngầm cũng khó như tuyển một anh phi công, về sức khỏe, sức chịu đựng, về tất cả mọi cái…, thì anh tàu ngầm yêu cầu cũng như phi công. Do đó không thể chỉ một vài người được mà phải là cả nước, phải hăng hái tham gia vào để chúng ta xây dựng lực lượng này.
Thế đứng của ta bây giờ khác hẳn đi
* Cảm giác của thiếu tướng thế nào trước sự kiện Việt Nam tiếp nhận tàu ngầm Kilo 636?
- Bản thân tôi rất vui vì luôn mong muốn cho lực lượng vũ trang nói chung và hải quân nói riêng phát triển xứng với tầm của đất nước, đặc biệt là đối với vấn đề biển đảo của mình, với hơn 1 triệu km2 và thềm lục địa kinh tế của Việt Nam và có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tất nhiên bây giờ quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng quần đảo này là của Việt Nam, không thể chối cãi được. Trường Sa thì có nhiều nước vào tranh chấp.
Thiếu tướng hải quân Lê Kế Lâm - Ảnh: Tấn Cư |
Với tình hình như thế mà bây giờ chúng ta có một lực lượng, có một sức đột kích mạnh và lại có khả năng vận dụng cách đánh du kích, truyền thống của cha ông để đánh trên biển, thì cái này tốt quá. Rất đáng mừng.
Với Việt Nam mình, quân đội, lục quân, không quân cũng vậy, mục đích của mình là để bảo vệ Tổ quốc, tức là để tự vệ, bảo vệ chủ quyền đất liền, trên không và biển đảo. Chúng ta không đi đánh ai cả. Chúng ta chiến đấu chống lại việc xâm lăng mấy chục năm đã biết rồi. Nếu như mình không có chiến tranh, thì rõ ràng mình không thua kém gì các nước Đông Nam Á. Nhưng vì mình trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Ở đây mình không nói do chiến tranh mà mình lạc hậu, không phải.
Mình được trong chiến tranh là cái gì? Đó là độc lập tự do, thống nhất đất nước. Cái đó là vô giá, không thể tính được. Muốn được cái vô giá này, tất nhiên phải có cái giá đưa ra để trả. Cái đó cũng là đương nhiên. Với đất nước Việt Nam mình được như thế này cũng là diễm phúc do thế hệ Hồ Chí Minh đã mang lại độc lập, thống nhất cho đất nước. Thế đứng của ta bây giờ khác hẳn đi, mặc dù chúng ta đang còn nghèo, nhưng không ai khinh được ta.
* Thiếu tướng sẽ đặt chân lên những chiếc tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam?
- Tất nhiên là muốn chứ! Tàu ngầm cũ thì tôi đã lên rồi nhưng tàu ngầm lớp Kilo mới này nó có thêm những bệ phóng tên lửa cánh, thì cái này tôi chưa được lên.
Cái chính là thế này, tính năng, kỹ thuật của Su-27, Su-30 hay Su-35 sau này, kể cả tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa…, nước nào cũng biết hết, vì nước xuất khẩu nó đã công bố hết rồi. Chỉ có một cái là cách đánh của người sử dụng nó như thế nào. Đó là cái bí mật và sáng tạo. Thiếu tướng Lê Kế Lâm |
Tôi nghĩ rằng như thế này, không chỉ là tôi hy vọng được lên tham quan. Hải quân Việt Nam rồi cũng cần phải có một kế hoạch để cho tầng lớp thanh niên và người dân có dịp tiếp cận, biết để người ta mừng và tin tưởng như chúng ta đã từng tổ chức nhiều chuyến ra Trường Sa.
Với không quân bây giờ có Su-27, Su-30, là loại máy bay hiện đại, thì cách đây 2 năm, chúng ta đã mời không quân của các nước ASEAN đến, rồi cho tham quan máy bay Su-27, Su-30. Một số tính năng, kỹ chiến thuật của nó, thì cũng giới thiệu cho dân biết.
Cái chính là thế này, tính năng, kỹ thuật của Su-27, Su-30 hay Su-35 sau này, kể cả tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa…, nước nào cũng biết hết, vì nước xuất khẩu nó đã công bố hết rồi. Chỉ có một cái là cách đánh của người sử dụng nó như thế nào. Đó là cái bí mật và sáng tạo.
Tàu ngầm Hà Nội nhìn từ trên cao - Ảnh: wp11082610.server-he.de |
Tàu ngầm Hà Nội thuộc Dự án 636 Varshavyanka được Hải quân Mỹ ví như “lỗ đen vũ trụ” vì khả năng tránh radar - Ảnh: TTXVN |
Biên đội tàu lữ đoàn 171 hải quân thực hành bắn đạn thật trên biển - Ảnh: Xuân Cường |
* Như vậy mình không sợ lộ bí mật này kia khi cho người dân, thanh niên tiếp cận, tham quan các khí tài quân sự hiện đại?
- Hoàn toàn không sợ, nhưng khi tổ chức xuống thăm những phương tiện như vậy, đó là một công việc phức tạp, vì làm thế nào bảo đảm được một đoàn người đi nhưng vẫn an toàn, vệ sinh, không ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của kíp tàu đó. Cái đó là cái khó, còn tôi nghĩ rằng bí mật thì không có gì phải sợ lộ. Người dân có thể đứng trên đài chỉ huy mà chụp ảnh cũng không sao hết. Chuyện ấy rất bình thường, có gì đâu. Sử dụng nó để mà tác chiến ra sao, rồi sử dụng quả ngư lôi như thế nào, quả tên lửa như thế nào, cái đấy lại là một chuyện khác.
Có một cái mà chúng ta phải lưu ý, là bất kỳ một phương tiện nào mà càng hiện đại, càng trang bị kỹ thuật tinh vi, thì càng tốn tiền bão dưỡng.
* Xin cảm ơn thiếu tướng !
Ba cách đánh của tàu ngầm Theo thiếu tướng Lê Kế Lâm, hoạt động tàu ngầm rất đa dạng nhưng có mấy cách đánh thế này: 1/ Đánh phục kích, tức là có những trận địa sẵn ở trên biển rồi tàu ngầm nằm yên để phục kích. 2/ Cách đánh thứ 2 là cơ động để phục kích. 3/ Cách thứ 3 là đi săn, tức là tàu ngầm tự do đi săn trong vùng biển cho phép, gặp đối tượng nào mà nó biết không phải của mình, thì có quyền tấn công; và ngược lại nếu là của mình mà không thông báo trước, không biết trước, thì nó vẫn tấn công. Khi tàu ngầm đã ở dưới biển rồi, mà nó được phép giao cho là kiểm soát, thì tất cả những phương tiện của địch đi vào đó, thì đều xem là mục tiêu. “Như vậy rõ ràng với biển Đông hơn 3 triệu km2 mà chúng ta chỉ cần triển khai 3 tàu ngầm thôi, thì xem như chúng ta có thể kiểm soát được bề ngang của biển Đông”, thiếu tướng Lê Kế Lâm nhìn nhận. Ông nói thêm: “Tàu ngầm khi đã giao nhiệm vụ ra biển rồi, thì nó được hoạt động ở một vùng nào đó, nếu như thời bình thì không sao vì nó cũng như các phương tiện trên mặt biển thôi, nó đi ngầm dưới mặc kệ, ai muốn biết thì biết, không biết thì nó cứ đi. Nhưng khi ở tình huống chiến tranh, thì kẻ thù đi vào vị trí mà nó được giao nhiệm vụ hoạt động, bất kỳ nó phát hiện mục tiêu nào, thì nó có quyền tấn công. Kể cả tàu của mình, nếu đã vạch một trận địa để cho tàu ngầm hoạt động, thì cũng không vào được. Cái đó gọi là hoạt động theo trận địa có sẵn, người ta gọi là phục kích…”. |
Theo TNO