“Báo chí Việt Nam đã có sự quan tâm đến lực lượng vũ trang, đó là một sự đồng tình, xem như cơ quan ngôn luận và toàn dân ủng hộ lực lượng vũ trang. Cái đó rất tốt và tôi thấy rất cảm động, đặc biệt là lớp trẻ. Các phóng viên trẻ rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mình”, thiếu tướng hải quân Lê Kế Lâm đã chia sẻ như thế khi mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Theo thiếu tướng Lê Kế Lâm, “riêng về lực lượng tàu ngầm, nên hiểu rằng đó là một binh chủng của quân chủng Hải quân. Bây giờ quân đội của ta cũng như quân đội nhiều nước có 3 quân chủng phổ biến là: lục quân, hải quân và phòng không không quân.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân (Bộ Quốc phòng)
"Đứng về phía tàu ngầm mà nói thì đây là lần đầu tiên chúng ta có một lực lượng này. Tất nhiên trước kia do điều kiện lịch sử, điều kiện kinh tế và mọi cái thì chúng ta chưa có được, nhưng mà đến bây giờ, với khả năng kinh tế của đất nước, trình độ khoa học kỹ thuật cũng như sự phát triển tương đối đồng đều của đất nước chúng ta, thì đã đến lúc phải nghĩ đến phải có binh chủng tàu ngầm”, thiếu tướng Lê Kế Lâm nhận định
“Theo tôi biết, chúng ta sẽ mua 6 chiếc tàu Kilo 636. Lớp tàu này là loại tàu hiện đại, có mấy ưu điểm: độ choán nước vừa phải, trên dưới 3.000 tấn; hoạt động trong thời gian cũng khá dài; vũ khí có tên lửa cánh…”, thiếu tướng Lê Kế Lâm nói.
Thiếu tướng Lê Kế Lâm khẳng định: “Chúng ta sẽ xây dựng được binh chủng tàu ngầm thành một lực lượng mạnh, có thể nói đó là một “quả đấm” đầy uy lực của Hải quân Việt Nam trên biển Đông”.
Răn đe những kẻ “nóng đầu”
* Thưa thiếu tướng, Trung Quốc và các nước trong khu vực trang bị lực lượng ngầm như thế nào?
- Trung Quốc, nói cho sòng phẳng, họ là một nước lớn, dân số hơn 1,3 tỉ người, diện tích hơn 9 triệu km2 và trong hơn 30 năm mở cửa của họ, họ đã phát triển từ một nước nghèo và lạc hậu thành một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đó là một bước tiến thần kỳ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, tất nhiên họ cũng phát triển một lực lượng vũ trang tương xứng với sức vóc và nền kinh tế của họ.
Hiện nay theo tôi biết họ có đến 7 - 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử, nhưng mà trong đó cũng có 3 chiếc là lớp cũ từ những năm 70 của thế kỷ trước, thời điểm mà họ tìm mọi cách bắt đầu nghiên cứu để đóng. Rồi đây nó cũng sẽ đi vào bảo tàng, về hưu, nhưng mà họ sẽ tiếp tục đóng mới những chiếc khác để thay thế.
Còn tàu ngầm diesel - điện thì họ có khoảng 60 - 70 chiếc.
Như vậy, tàu ngầm của họ là một lực lượng lớn, có thể nói là lớn thứ 2 về số lượng, sau Mỹ. Nhưng đứng về khả năng hoạt động vươn xa của tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc, thì tôi nghĩ rằng sẽ còn một thời gian khá dài nữa mới đuổi kịp Nga, Mỹ, Anh, Pháp.
Hoạt động tàu ngầm nguyên tử phức tạp lắm, vì hoạt động của nó triển khai thường trực ở trên đại dương. Tôi biết chắc rằng khả năng triển khai thường trực của tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc tương đối ở bước tìm hiểu và học tập. Còn tàu diesel - điện của họ là một lực lượng hùng hậu và nó có thể hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ theo yêu cầu của quân đội và Hải quân Trung Quốc.
Với các nước Đông Nam Á, theo tôi biết, hiện nay Singapore, Malaysia, Indonesia… đều có lực lượng tàu ngầm, nhưng cũng chưa bằng mình, một khi mình nhận đủ số tàu theo thỏa thuận.
Đối với Việt Nam mình, nếu như không có gì thay đổi, và theo kế hoạch này, thì 2016, ta mới đủ 6 chiếc. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có đủ 6 chiếc cũng là vừa phải, đủ sức hoạt động để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc mình. Nhiều hơn nữa, nếu 10 thì tốt, với tiềm lực kinh tế phát triển lên thì mình có thể phát triển nó. Nhưng với 6 chiếc Kilo 636 thì cũng là một lực lượng có tác dụng chiến đấu tốt và có sức răn đe đối với những kẻ “nóng đầu” muốn uy hiếp và kiềm chế Việt Nam.
* Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc có nhận định tàu ngầm Việt Nam sẽ làm 'thay đổi cán cân quân sự tại biển Đông'', thiếu tướng đánh giá thế nào về nhận định này?
- Giáo sư Carl Thayer nói như vậy cũng có cái đúng của nó, vì trước đây Việt Nam chưa có tàu ngầm, chưa có lực lượng răn đe một cách có hiệu lực. Thế thì khi mình có tàu ngầm, thì rõ ràng đó là một lượng có sức tấn công có hiệu quả.
Chúng ta luôn giữ quan điểm hòa bình ở biển Đông và hoàn toàn không mong muốn gì có chiến tranh, cũng không mong muốn gì sử dụng tàu ngầm này để diệt bất kỳ một mục tiêu nào của ai ở trên biển Đông. Nhưng rõ ràng chúng ta phải để cho những người “nóng đầu” có cuồng vọng chèn ép chúng ta, muốn biến chúng ta thành ra con bài của họ, thì họ phải nghĩ lại...
Thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Hà Nội đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên thăm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên boong tàu ngầm Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buồng chỉ huy tàu ngầm Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phải luôn luôn hun đúc nhuệ khí của quân đội và dũng khí của nhân dân Thiếu tướng Lê Kế Lâm chia sẻ: “Đại tướng Võ Nguyễn Giáp từng nói rằng, ta thắng được những đế quốc to, là có 2 yếu tố cơ bản: nhuệ khí của quân đội và dũng khí của nhân dân”. “Và bao giờ cũng vậy, chúng ta phải luôn luôn hun đúc được 2 yếu tố cơ bản đó trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc”, ông mong mỏi. Nhuệ khí của quân đội là gì? Theo thiếu tướng Lê Kế Lâm, “đó là tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, tinh thần phát huy truyền thống cha ông. Đó là nhuệ khí dám xông lên, dám hi sinh, nhưng không phải hi sinh mù quáng mà là có thông minh, có sáng tạo. Do đó bây giờ chúng ta phải làm sao để có một lớp người giống như cha ông đi trước mà chúng ta gọi là thế hệ vàng”. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng, kế tiếp thế hệ vàng đó, người Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục có những thế hệ vàng tiếp theo và có thể phát triển cao hơn nữa. Tôi không chỉ kỳ vọng mà hoàn toàn tin tưởng qua đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhìn đoàn người về nhà số 30 Hoàng Diệu viếng Đại tướng, thì ta thấy rõ ràng, thanh niên mình có một nhuệ khí, đồng thời có một hiểu biết. Họ không nói ra nhưng mà họ rất chắc chắn, rất là tự tin. "Vậy thì rồi đây ta chuẩn bị lực lượng cho những kíp tàu ngầm tiếp theo cũng sẽ không khó khăn lắm. Thanh niên rồi cũng đi biển và người ta cũng sẽ hi vọng làm lính tàu ngầm. Đó là vinh dự với bản thân, đồng thời là trách nhiệm với Tổ quốc”, thiếu tướng Lê Kế Lâm nói. Theo thiếu tướng Lê Kế Lâm, “dũng khí của nhân dân là truyền thống, lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Thời Bắc thuộc, chúng ta cũng đã có nhiều cuộc cách mạng, thể hiện đậm nét dũng khí của người Việt Nam… Hay như sau khi 3 anh em nhà Tây Sơn khởi nghiệp, vua Quang Trung là người nổi lên nhất. Rõ ràng ông là người lãnh đạo nhân dân cả nước đại phá quân Thanh. Lúc vua Quang Trung dẫn binh sĩ ra đuổi quân Thanh đi chỉ có khoảng 3 vạn quân, nhưng ra đến Nghệ An lấy thêm mấy vạn, ra Thanh Hóa thêm mấy vạn nữa; khi đánh tan 20 vạn quân Thanh, lực lượng của vua Quang Trung cũng chỉ hơn 10 vạn, nhưng hơn 10 vạn kia ở đâu? Đều là từ nhân dân. Nhân dân thấy một lãnh tụ như thế, vừa thông minh, vừa tài giỏi, người ta theo liền. Theo liền như vậy, rõ ràng là một sức mạnh vô bờ, họ lại tạo nên những sáng tạo mà hiện nay tôi nghĩ rằng các nhà sử học của chúng ta cũng chưa giải thích hết được”. |
Theo Thanh Niên