Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã bỏ quy định về việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình hiện hành và thay bằng quy định mới, theo đó, “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Ngoài ra, dự thảo Luật này còn bổ sung thêm các quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống giữa họ với nhau.
Theo tờ trình của Chính phủ, hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm cao. Do đó, việc thừa nhận hay không cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh và phải có lộ trình, bước đi phù hợp.
Căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là xuất phát từ quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam về hôn nhân và gia đình, Chính phủ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, giải pháp phù hợp nhất cho việc giải quyết vấn đề này là Nhà nước ta, một mặt, không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng mặt khác, cũng không nên cấm, can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào quyền được sống chung của họ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Ngoài ra, pháp luật, đặc biệt là Luật hôn nhân và gia đình cũng cần có các quy định thích hợp để giúp những cặp đôi đồng tính giải quyết một cách ổn thỏa các quan hệ phát sinh từ cuộc sống chung, qua đó, giúp họ ổn định trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt cộng đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. “Việt Nam có tỷ lệ vô sinh trong cả nước khá cao, 7,7% (tương đương khoảng 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn trong cả nước).
Theo Báo cáo của Bộ Y tế về sinh con theo phương pháp khoa học thì hiện nay, nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, nhưng do pháp luật cấm nên ngày càng có nhiều cặp vợ chồng phải ra nước ngoài để thực hiện trái phép việc mang thai hộ.
Điều này gây khó khăn, tốn kém không chỉ cho các đương sự mà còn cho cả các cơ quan nhà nước trong việc quản lý về khai sinh, đăng ký hộ khẩu, hộ tịch và các vấn đề khác” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói. Tờ trình của Chính phủ khẳng định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được dự thảo Luật quy định chặt chẽ để tránh sự lạm dụng.
Cụ thể là, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng và đầy đủ về điều kiện của người mang thai hộ; điều kiện của người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên và nhiều vấn đề khác phát sinh từ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo...
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng có ý kiến cho rằng, Luật hôn nhân và gia đình cần nghiêm cấm việc mang thai hộ với bất kỳ mục đích gì vì đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, có thể mang lại nhiều hậu quả xấu về mặt xã hội, mặt khác cũng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Điều trị lác, cận thị được hưởng bảo hiểm y tế Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đã bãi bỏ quy định quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, bãi bỏ quy định bảo hiểm y tế không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh do “tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Cũng theo Bộ trưởng Tiến, dự thảo Luật đã bãi bỏ “Khoản 10 - khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích và Khoản 12 - khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra” vì không nên dùng chính sách quỹ bảo hiểm y tế để hạn chế quyền lợi đối với những trường hợp này.
Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết việc bãi bỏ các quy định trên đồng nghĩa với mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế với tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trẻ em dưới 6 tuổi khi điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt...
Những chính sách này một mặt tác động tích cực, thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế nhưng mặt khác cũng tăng mức chi của quỹ bảo hiểm y tế, có thể tăng lạm dụng bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Theo Tuoitre