|
Đoàn kiểm tra của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Cần Thơ tiến hành kiểm tra công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh năm 2012 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ và phát hiện hàng loạt hồ sơ bệnh án sai quy định, thậm chí kê khống hồ sơ, sai chuyên môn, sửa chữa chỉ định của bác sĩ và thực hiện y lệnh không đúng chỉ định của bác sĩ…
Theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập được, có 63 bệnh án bị sửa chữa tên trên các kết quả xét nghiệm huyết học, xét nghiệm nước tiểu. Trong số này có nhiều trẻ em bị bại não, bại liệt mà hồ sơ bệnh án lại dán kết quả xét nghiệm của người khác. Như trường hợp của cháu Nguyễn Dương Khánh Ngọc, 26 tháng tuổi, nhưng trong hồ sơ lại có phiếu xét nghiệm huyết học của bệnh nhân “Nguyễn Văn Mung” đã bị tẩy xóa, sửa thành Nguyễn Dương Khánh Ngọc.
Trong năm 2012, bệnh viện có 89 hồ sơ bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ bảy, chủ nhật nhưng đây không phải là bệnh cấp cứu phải nằm viện và trong diện thanh toán bảo hiểm. Nhiều trường hợp bệnh nhân nằm điều trị dài ngày, vượt quá quy định, bệnh viện đã lập hàng loạt bệnh án khống để “lách” quy định, dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân vừa ra viện lại nhập viện ngay trong ngày, các bệnh án cứ nối tiếp nhau liên tục.
Cụ thể như trường hợp bệnh nhân Huỳnh Thị Bùi, 49 tuổi, thẻ BHYT số GD7920501263 bị viêm khớp, có bệnh án 1 vào viện ngày 4/6/2012, ra viện ngày 4/7/2012; bệnh án 2 vào viện 4/7/2012 và ra viện ngày 3/8/2012; bệnh án 3 lại vào viện ngày 3/8/2012 ra viện ngày 16/8/2012, những xét nghiệm của bệnh án sau là bản sao của bệnh án trước...
"Chỉ có vài trường hợp do bệnh nhân quấy khóc không lấy máu được nên không có phiếu xét nghiệm. Vì vậy khi muốn hoàn tất hồ sơ phải có những phiếu xét nghiệm thường quy thì các nhân viên ở bệnh viện đã lấy phiếu xét nghiệm của người khác đưa vào". BS Đoàn Anh Luân, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ |
Bệnh án chồng bệnh án
Nhiều hồ sơ bệnh án của cùng một bệnh nhân điều trị nội trú nhiều đợt nhưng lại bị sửa một số nội dung về thông tin của bệnh nhân như giới tính, năm sinh để biến thành nhiều hồ sơ bệnh án khác nhau dù thực tế chỉ là một người. Thậm chí, có những bệnh án còn ghi thời gian điều trị chồng lên nhau.
Trường hợp bệnh nhân Trần Văn Đầy (74 tuổi) là một ví dụ. Trong thẻ BHYT của ông Đầy ghi rõ ông 74 tuổi, nhưng không hiểu sao có 4 bệnh án liền nhau của ông này có đến 3 năm sinh khác nhau, 4 bệnh án có 4 chữ ký ra viện khác nhau.
Đáng nói hơn là thời gian điều trị ghi ở bệnh án 2 lại chồng lên bệnh án 1. Nhiều chứng từ thanh toán tiền của bệnh nhân sau khi bệnh nhân đã ra viện cả tháng nhưng vẫn có chữ ký xác nhận của bệnh nhân.
Như trường hợp bệnh nhân Huỳnh Tường, thẻ BHYT CK2930000600070, ra viện ngày 4/1/2012 nhưng đến 14/2/2012 bệnh viện mới in thanh toán và vẫn có chữ ký xác nhận của bệnh nhân.
Trả lời Thanh Niên, BS Đoàn Anh Luân, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ, nhìn nhận bệnh viện đã sai sót. “Bệnh nhân ở đây thường phải điều trị dài ngày nên trước đây, khi tôi chưa về bệnh viện đã có chủ trương là bệnh án dài quá thì cắt nhỏ bệnh án ra cho đỡ dài. Cách làm này dây dưa đến năm 2012, đến năm 2013 này bệnh viện mới khắc phục”, ông Luân nói.
Việc sai thông tin bệnh nhân trên hồ sơ bệnh án, theo giải thích của ông Luân là do lỗi của bộ phận nhập thông tin bệnh nhân khi thực hiện quản lý thông tin bệnh nhân qua phần mềm trên máy tính. Nhiều nhân viên lúc nhập máy tính không quen nên đã xảy ra nhầm lẫn năm sinh, địa chỉ, giới tính…
Trả lời câu hỏi vì sao lấy phiếu xét nghiệm của người khác đưa vào bệnh án điều trị của những trẻ em khuyết tật, bại não, ông Luân phân trần: “Chỉ có vài trường hợp do bệnh nhân quấy khóc không lấy máu được nên không có phiếu xét nghiệm. Vì vậy khi muốn hoàn tất hồ sơ phải có những phiếu xét nghiệm thường quy thì các nhân viên ở bệnh viện đã lấy phiếu xét nghiệm của người khác đưa vào”.
Theo Thanhnien