Sáng nay (13/11), Quốc hội đã chính thức phê chuẩn đề nghị này của Thủ tướng. Và theo quy trình, sau khi được phê chuẩn giữ chức vụ mới, ông Đam cũng được Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ chức vụ Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Theo tờ trình, Thủ tướng cho biết dự kiến phân công ông Đam giúp Thủ tướng theo dõi chỉ đạo khối văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo. Theo Thủ tướng, ông Vũ Đức Đam được đào tạo cơ bản, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ phân công, có đủ phẩm chất và năng lực để đảm đương nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Con của nông dân
Ông Vũ Đức Đam quê ở Hải Dương, sinh ngày 3/2/1963, từng là lưu học sinh từ 1982 - 1988 tại Vương quốc Bỉ và có học vị tiến sỹ.
Khi trên cương vị Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nơi làm việc của ông là căn phòng nhỏ ở tầng 2 của một ngôi nhà cổ trong khu Văn phòng Chính phủ, ở số 1 Hoàng Hoa Thám. Cầu thang gỗ cũng nhỏ hẹp, cũ kỹ.
Phòng làm việc của Bộ trưởng Đam cũng khá giản dị. Trong phòng chỉ có bộ bàn ghế rất bình thường, một con chuột cảm ứng trên bàn và màn hình lớn treo trên tường.
Tuyệt nhiên không thấy sự hiện diện của những tủ sách to, với các huân chương, huy hiệu, hay những đồ kỷ niệm…, thường thấy ở văn phòng các lãnh đạo khác.
“Bố mình là nông dân, hồi kháng chiến theo Cách mạng, bị giặc đánh cho gần như điếc tai”, ông có lần kể lại thuở hàn vi.
Từng đi học phải mặc lại áo rách của người trong gia đình, ăn không đủ no… Trong số những học sinh ưu tú được Nhà nước cử đi du học, chỉ duy nhất chàng thanh niên Vũ Đức Đam là học “trường làng” ở tại xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Còn lại, toàn “gà chọi” học các trường chuyên, lớp chọn.
Du học ở xứ người, chàng thanh niên Vũ Đức Đam theo ngành Thông tin. Trở về nước, ông làm cán bộ Công ty Dịch vụ kỹ thuật và Xuất nhập khẩu - Tổng cục Bưu điện.
Rồi người trí thức trẻ ấy lần lượt trải qua các cương vị, như Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Bưu điện; Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, rồi Vụ trưởng vụ Asean; Thư ký, trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trợ lý Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (sau là Bộ Thông tin và Truyền thông), Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ấn tượng của chúng tôi còn khá rõ, trong các buổi tiếp khách nước ngoài tại Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Vũ Đức Đam không bao giờ cần phiên dịch, nếu khách nói tiếng Anh. Không phải cán bộ trẻ nào cũng hội đủ hiểu biết về khoa học kỹ thuật, kinh tế và ngoại ngữ như ông.
Mối lương duyên với công nghệ thông tin
Một lần xuống thăm báo Bưu điện Việt Nam nhân Ngày Báo chí Cách mạng (21/6), ông bày tỏ mong muốn: “Tờ báo sau này phải có ấn bản điện tử mạnh, mới xứng là cơ quan báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông và mới có sự lan tỏa nhanh và hiệu quả”.
Dường như, công nghệ thông tin là niềm đam mê lớn nhất đối với ông, từ khi còn là một chuyên viên của Tổng cục Bưu điện cũ (tiền thân của Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Thông tin và Truyền thông sau này).
Người ta đã từng nói Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là người “có duyên” với những sự kiện công nghệ thông tin của Việt Nam khi từng tham gia và chứng kiến nhiều sự kiện công nghệ thông tin lớn của đất nước, như mở cửa Internet tại Việt Nam, mời gọi các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của thế giới như Microsoft, Intel hay Foxconn đầu tư vào Việt Nam…
Người ta cũng đã nói về một Chủ tịch tỉnh, sau này là Bí thư tỉnh có một bàn làm việc trống trơn, chỉ có một chiếc máy tính đang hoạt động, nhưng khi triển khai công việc thì mọi công văn, giấy tờ được lấy ra nhanh gọn, đầy đủ.
Nhưng chúng tôi thì ấn tượng mạnh vì cách điều hành công việc, và bản lĩnh chính trị của một lãnh đạo ngành công nghệ thông tin, khi tại một cuộc họp ở Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo một doanh nghiệp “lớn tiếng” chỉ trích về một chỉ đạo mà Bộ đưa ra, có ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp. Thứ trưởng Vũ Đức Đam lúc ấy vẫn điềm đạm ngồi nghe.
Rồi ông từ tốn nói: “Tôi hoàn toàn thông cảm với doanh nghiệp, nhưng Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần chấp hành chỉ đạo của Bộ. Nếu Bộ có gì không đúng, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền khiếu nại”…
Chuyên gia bị “hỏi xoáy”
Có lẽ trong nội các, ông Vũ Đức Đam là người bị báo chí “hỏi xoáy” nhiều nhất khi còn giữ cương vị Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Nhưng, ông cũng là người được cánh nhà báo rất quý mến, nhiều người còn gọi Bộ trưởng thân mật là “anh Đam”.
Một điều thú vị mà báo giới nhận thấy ở Bộ trưởng Đam là khả năng ứng biến trước các câu hỏi của giới truyền thông.
Ông cũng là người không ngại trả lời trực diện vào những câu hỏi khó, cho dù cũng có đôi khi các câu trả lời không hoàn toàn làm nhà báo “thỏa mãn”.
Ba năm nay, mỗi tháng một lần, ông Đam chủ trì các cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ. Ở đó, vị Bộ trưởng trẻ tuổi luôn phải “đối mặt” với hàng chục câu hỏi về những vấn đề nhức nhối nhất trong dư luận.
Từ chuyện vĩ mô như thanh tra đất đai ở Đà Nẵng, từ chuyện chính trị và ngoại giao như Trung Quốc đưa tàu vào biển Đông, từ chuyện giá vàng, tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước…, đến những chuyện thường nhật, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như “hòn đá lạ” ở đền Hùng, loa phường “hành” dân, bữa cơm cho những đứa trẻ vùng cao, vấn đề y đức của giới bác sĩ, các vấn đề nhức nhối của ngành y tế…
Mỗi lần như vậy, cách trả lời của ông Đam bao giờ cũng là trực tiếp, không cần giấy tờ hay sự trợ giúp của thư ký. Nhưng những câu trả lời vẫn rành mạch, rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề báo chí quan tâm, cùng với đó là những con số, dẫn chứng và phân tích sắc sảo.
Như trước câu hỏi về chuyện “hòn đá lạ ở đền Hùng”, ông Vũ Đức Đam trả lời: “Dân tộc Việt Nam ta với mấy nghìn năm lịch sử, đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức của thiên tai, địch họa, gây dựng đất nước đến ngày hôm nay, bảo vệ được chủ quyền của đất nước, chiến thắng trước rất nhiều kẻ địch mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần.
Chúng ta chiến thắng trước hết là nhờ chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có lòng yêu nước, dân tộc Việt Nam tự hào là cần cù, sáng tạo, dũng cảm. Chúng ta chiến thắng thiên tai, địch họa bằng sức mạnh đó chứ không phải bằng sức mạnh nào mang tính chất bùa chú”.
Hay khi một nữ phóng viên “gạo cội” về kinh tế hỏi rằng: “Trong lộ trình tái cơ cấu, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đóng vai trò như nào trong nền kinh tế khi mà trong Hiến pháp vẫn quy định tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế? Có thay đổi gì trong chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hay không?”.
Điềm đạm, ông Đam đáp lại: “Bạn có chắc Hiến pháp nêu như vậy không? Nếu tôi nhớ không nhầm là trong Cương lĩnh, trong đề án sửa đổi Hiến pháp, điều 50 hay điều 51 có đề cập là kinh tế Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp Nhà nước. Hai khái niệm này khác nhau...”.
Ông cũng đã từng nói một mạch các số liệu khi phân tích về lương: “Có sức ép rất lớn về tăng lương cao. Đối với doanh nghiệp cần cân đối, nếu tăng lương cao quá thì sẽ không còn sức cạnh tranh, còn khu vực lương dùng ngân sách nếu tăng cao thì ngân sách không có vì chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi, tôi nói số tròn, trong đó hơn một nửa là chi cho lương.
Nếu các bạn muốn làm rõ thêm thì tôi nhớ không nhầm, trong đó chi cho lương công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên, số tròn là 9%, cho đội ngũ sự nghiệp là trên 35%, lực lượng vũ trang khoảng 25% còn lại là người có công, đối tượng là cán bộ xã, cán bộ không phải là biên chế nhưng được hưởng định suất lương khoảng 6,5%...”.
“Theo tôi hiểu, nôm na là thế này…”
Nhưng điều khiến nhiều người cảm thấy “phục” Bộ trưởng Vũ Đức Đam là sau khi nhận các câu hỏi của các nhà báo, ông thường đưa ra những giải pháp để khắc phục hay giải quyết vấn đề.
Như hồi Đề án 322 hết tiền, ảnh hưởng đến nhiều ứng viên du học, khi nhận được phản ánh của báo chí, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã nhanh chóng trình Thủ tướng đồng ý cấp thêm kinh phí, để cho các tài năng trẻ tuổi của đất nước tiếp tục được ra nước ngoài học tập.
Hay khi phóng viên hỏi về sữa cho trẻ bị “ngụy trang” thành thực phẩm chức năng và đội giá cao, Người Phát ngôn Chính phủ chân thành tâm sự, khi nhận được tin nhắn của nhà báo, ông đã sắp xếp thời gian để xem phóng sự của VTV.
“Ngay đi công tác về, tôi đã ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng là yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá. Tôi nhớ không nhầm thì đó là điều 15 khoản 2 mục H của Luật Giá có quy định sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống phải thuộc diện kiểm soát giá. Các thông tư của Bộ Y tế từ trước tới nay chỉ liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống, tức là vẫn còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi”...
Một điều cũng khá thú vị là mỗi lần trả lời xong, ông Đam thường khiêm tốn hỏi lại người đặt câu hỏi: “Không biết, tôi trả lời thế đã làm hài lòng bạn chưa?”.
Có lần, trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ sau khi giải thích xong về các vấn đề kinh tế, đã hỏi lại người phỏng vấn mình khái niệm “suy giảm kinh tế”.
Bởi theo ông, nếu nhà báo nắm “lơ mơ” thì khi đưa phóng sự lên tivi, khán giả có thể sẽ hiểu sai sự thật…
Biên tập viên truyền hình này sau đó đã phải thừa nhận rằng chị rất phục Bộ trưởng Vũ Đức Đam vì chưa thấy ai hỏi lại mình như vậy.
Một băn khoăn lớn nhất của Bộ trưởng Đam, mỗi lần trả lời câu hỏi là làm cách nào để diễn đạt các thuật ngữ kinh tế ‘khó hiểu, khô khan’ thành những thứ dễ nghe, dễ hiểu và bình dân hơn để nhân dân có thể “hiểu được tình hình kinh tế thực sự của đất nước”. Vì thế, trong các câu trả lời, ông hay nói: “Theo tôi hiểu, nôm na là như thế này…”.
Với sự điềm đạm, nhưng sắc sảo của tân Phó Thủ tướng, trên cương vị lãnh đạo mới, nhiều người chắc hẳn đã và sẽ có những kỳ vọng lớn vào ông…
Theo Bizlive