Mưa gió lớn gây ngập nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi sáng nay. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Tịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, lúc 6h hôm nay, do ảnh hưởng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy cường độ mạnh đã cuốn phăng em Vương Thị Thu Thủy, học sinh lớp 5C, tiểu học Nghĩa Hành, đang trên đường đến trường, rơi xuống vực bên cầu Dài. Lúc này nước lũ đang cuồn cuộn tràn về nên Thủy bị chết đuối.
"Người dân đi đường phát hiện chiếc cặp nổi trên mặt nước lũ đã tổ chức cứu vớt, hô hấp nhân tạo nhưng em Thủy không qua khỏi", ông Tịnh nói. Mưa lớn kéo dài suốt từ đêm qua đến sáng nay khiến cho mực nước lũ trên các sông, suối dâng cao, gây cô lập nhiều khu dân cư ở huyện Nghĩa Hành.
Theo ông Tịnh, nhiều khu vực dân cư ở xã Hành Dũng, Hành Tín Tây... đã ngập sâu trong lũ gây chia cắt giao thông. Hơn 600 học sinh các cấp ở hai xã này phải nghỉ học trong hôm nay.
Trong khi đó, lũ dâng cao tràn về cũng gây ngập sâu nhiều tuyến đường, khu dân cư ở nhiều xã Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba của huyện miền núi Sơn Hà. Bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng phòng giáo dục & đào tạo huyện Sơn Hà cho biết thêm, nước trên sông Rin đã tràn qua gây ngập các tuyến đường, trường học ở các xã nên hôm nay có hơn 3.000 học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Tại huyện miền núi Ba Tơ, nước lũ tràn về bất ngờ gây ngập sâu, cô lập 6 hộ dân ở thôn Mang Đen, xã Ba Vì. "Chúng tôi đã tổ chức đưa 4 hộ dân từ khu vực cồn giữa đồng đến nơi an toàn, vẫn còn 2 hộ nữa đang kêu cứu nhưng chưa thể tiếp cận do lũ chảy xiết", ông Huỳnh Thương, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ lo lắng.
Mưa lớn kéo dài tiếp tục gây sạt lở núi nghiêm trọng, tắc nghẽn giao thông ở huyện miền núi Sơn Tây. Ảnh: Trí Tín. |
Tương tự, ở huyện Sơn Tây, mưa gió lớn tiếp tục gây sạt lở núi nghiêm trọng, tắc nghẽn giao thông trên nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã. Ông Lê Văn Tùng, chủ tịch UBND huyện cho biết, có khoảng 40 điểm sạt lở núi lớn sau siêu bão Haiyan chưa kịp khắc phục, giờ tiếp tục sạt lở thêm do ảnh hưởng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới. "Hàng chục nghìn khối đất đá tràn xuống chắn ngang đường. Sớm nhất hai tuần nữa mới có thể khắc phục tạm cho người dân đi lại", ông Tùng nói.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương triển khai phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động nguy hiểm. Sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng trũng thấp, sạt lở ven sông, ven biển, vùng sạt lở núi và hạ du các hồ chứa.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường, tùy theo tình hình mưa lũ thực tế của địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học, không cho học sinh đi lại qua những đoạn đường bị ngập, nước chảy xiết; phân công người canh gác 24/24 tại các khu vực này và các tuyến đường thường xuyên bị sạt lở; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo VNE