Phim Việt: Thời của Lý Hùng và thời của Thái Hòa

Thứ năm, 13/02/2014, 07:31
“Tèo em” đoạt doanh thu 80 tỷ đồng, “Cô dâu đại chiến 2” đoạt doanh thu 40 tỷ đồng… Những con số đủ để khiến nhiều người “choáng váng” và tin tưởng vào một thời đại đắt khách mới của phim Việt kể từ sau khi dòng phim thị trường những năm 90 sụp đổ.

Dòng phim thị trường những năm 90 thế kỷ trước (còn được gọi là dòng phim mì ăn liền) từng được ví là thời kỳ đắt khách nhất của phim Việt. Thời ấy, dàn diễn viên tài tử trẻ đẹp và những câu chuyện tình lãng mạn kiểu Vị đắng tình yêu, Tình nàng áo trắng, Thăng Long đệ nhất kiếm, Tráng sĩ bồ đề… đã “đánh gục” cả một “đế chế” phim Hồng Kông giàu mạnh.

Thời hoàng kim đó đến bây giờ vẫn được những ngôi sao vang bóng một thời kể lại. Lý Hùng vẫn nhớ những ngày tháng khán giả xếp hàng dài trước rạp mua vé vào xem phim Việt. Việt Trinh vẫn nhớ những ngày cô ở đỉnh cao danh vọng của một ngôi sao màn bạc được cưng chiều, tung hô, hâm mộ. Phước Sang cũng vẫn nhớ những ngày anh làm bầu sô chạy sô mệt nghỉ, đồng thời kiếm được bộn tiền nhờ phim Việt…

Những năm 90, phim Việt đắt khách với dàn ngôi sao lộng lẫy...

Thời đó, tạm gọi là thời của Lý Hùng, thời của những tài tử, ngôi sao đẹp lộng lẫy. Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh, Thu Hà, Việt Trinh, Diễm Hương… Những cái tên đủ để đảm bảo doanh thu của một bộ phim chiếu rạp “made in VietNam”. Thể loại phim đắt khách nhất thời ấy là những phim tâm lý lãng mạn, phim kiếm hiệp (do gia đình họ Lý: Lý Huỳnh, Lý Hùng, Lý Sơn… sản xuất). Chỉ với nội dung, kịch bản đơn giản cộng thêm dàn diễn viên ngôi sao, phim Việt thời ấy đã đủ sức “làm mưa làm gió” các rạp.

Sau khi dòng phim thị trường những năm 90 thoái trào, phim Việt rơi vào im ắng. Các hãng phim nhà nước bế tắc khi nhắc đến hai chữ… doanh thu. Điện ảnh chuyển mình bước vào xã hội hóa, tư nhân hóa, cổ phần hóa. Phim tư nhân bùng nổ, và một thời đại mới của phim Việt bắt đầu.

Dưới sức ép của việc thu hồi vốn, phim hài- trở thành giải pháp an toàn nhất cho các hãng phim tư nhân khi bước vào thị trường phim đầy sức cạnh tranh khốc liệt của phim ngoại. Hàng loạt những phim hài được sản xuất ồ ạt và hốt bạc. Những đạo diễn “cây đa, cây đề” nhìn thị trường mới với con mắt quan ngại về sự lố lắng, nhảm nhí, mất bản sắc. Giới phê bình gọi thời đại mới của phim Việt là thời đại của phim hài nhảm.



Phim Việt đang đắt khách với một xu hướng làm phim mới. Phim hài đã lên ngôi!

Năm 2013, thị trường phim Việt chứng kiến sự lên ngôi “kinh hoàng” về doanh thu của bộ phim hài “Tèo em” của đạo diễn Charlie Nguyễn với con số 80 tỷ đồng. Bị báo chí chê về độ… nhảm, bị giới đồng tính la ó vì xúc phạm người đồng tính, “Tèo em” vẫn ngang nhiên leo thang trên danh sách những bộ phim ăn khách nhất mùa phim Giáng sinh.

Rất lâu, kể từ dòng phim thị trường những năm 9, phim Việt có một bộ phim cháy vé ngay từ những ngày đầu ra rạp, đó là, “Tèo em”. Đánh bại những bom tấn của Hollywood như “Ironman 3”, “Tèo em” trở thành cơn sốt trên thị trường phim Giáng sinh. Thời đại của phim hài nhảm, thời đại của… Thái Hòa đã chính thức khẳng định thế mạnh vượt trội của mình.

Đặt câu hỏi về thời đại mới của phim hài- với gương mặt “hái ra tiền” cho phim Việt, nam diễn viên Thái Hòa tếu táo cho rằng, “Có thể khán giả bây giờ đã khác, họ không còn thích kiểu tài tử như Lý Hùng, vì Lý Hùng phải hóa trang mới xấu, còn tôi có vẻ xấu tự nhiên!”, nhưng Thái Hòa cũng cho rằng, “Khán giả bây giờ có rất nhiều lựa chọn. Họ xem nhiều phim. Họ có thừa những kênh để chọn bom tấn của Mỹ, của Trung Quốc để xem. Bởi vậy, phim Việt muốn bán được vé phải đầu tư nghiêm túc, và phải nắm được thị hiếu, phải hiểu được nhu cầu của khán giả”.



Với hình ảnh này, Thái Hòa đang là gương mặt đắt sô nhất của phim
Việt hiện tại.

Sau khi bộ phim “Bụi đời chợ Lớn” bị cấm phát hành vĩnh viễn, đạo diễn Charlie Nguyễn đã khẳng định, “Tôi nhận ra, ở thị trường phim Việt Nam hiện tại, cứ làm phim hài nhảm là tốt nhất. An toàn và dễ bán vé”. Câu nói có phần mỉa mai, nhưng sự thật đã được Charlie Nguyễn chứng minh bằng con số 80 tỷ của “Tèo em” sau đó.

Chỉ còn lại những đạo diễn “cây đa, cây đề” vẫn đau đáu, nếu phim hài cứ hốt bạc, sẽ còn ai làm phim chiến tranh, phim lịch sử, phim nghệ thuật…?

Và, liệu thời của phim hài nhảm có thoái trào, có suy vong như dòng phim thị trường những năm 90 thế kỷ trước?

Theo Dân Trí

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn