Theo tin từ Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sỹ Lê Việt Hòa đã qua đời ngày hôm qua - 31/3 (tức ngày 1 tháng 3 năm Giáp Ngọ), hưởng thọ 79 tuổi. Ông là một cây đại thụ trong làng nhạc Việt với các nhạc phẩm được rất nhiều người mến mộ như: Gửi sông La, Gửi em chiếc nón bài thơ, Mùa xuân trên sông Tô,...
Nhạc sỹ Lê Việt Hòa.
Nhạc sĩ Lê Việt Hòa sinh năm 1935 tại Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ông là một trong những số ít nhạc sĩ được đào tạo về âm nhạc. Từ năm 1949 đến 1959, ông phục vụ trong quân đội, ở Sư đoàn 304, Quân khu Hữu ngạn. Năm 1959, ông học trường Âm nhạc Việt Nam, khoa Nhạc cụ cổ truyền và Sáng tác. Ra trường năm 1963, ông về công tác tại Đoàn Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Vợ chồng nhạc sĩ Lê Việt Hoà và cô con gái đầu.
Vợ chồng nhạc sĩ khi già.
Đến năm 1969, ông tiếp tục học lên đại học tại trường Âm nhạc Việt Nam. Tốt nghiệp Đại học sáng tác năm 1974, ông về làm phóng viên, biên tập viên âm nhạc của Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi về nghỉ hưu.
Nhạc sỹ Lê Việt Hòa trong chuyến ghé thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lễ viếng nhạc sĩ Lê Việt Hòa được tổ chức từ 14h đến 15h30 phút, thứ 5, ngày 3/4/2014 tại Nhà tang lễ thành phố (số 125, Phùng Hưng, Hà Nội). Lễ truy điệu và hỏa táng tại Đài hoá thân hoàn vũ lúc 17h cùng ngày.
Lắng nghe ca khúc Gửi em chiếc nón bài thơ như một lời tiễn biệt gửi đến nhạc sỹ Lê Việt Hòa. Mặc dù ông đã ra đi nhưng những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam sẽ luôn được ghi nhận và sống mãi trong lòng khán giả.
Mặc dù sáng tác nhiều ca khúc, nhưng Lê Việt Hoà vẫn chưa tạo nên một dấu ấn riêng biệt cho mình trong lòng công chúng. Sau nhiều năm trăn trở, một ngày năm 1976, ông tìm gặp được bài thơ “Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ quê mẹ” của nhà văn Sơn Tùng, in trong tập thơ tình yêu do Nhà xuất bản Công nhân ấn hành năm 1955. Ngay lập tức, người nhạc sĩ bắt gặp được cái tứ cho ca khúc mà bấy lâu ông vẫn ấp ủ: “Em đội nón bài thơ đi sáng đường Quảng Ngãi/ che chở cho em nắng sương mưa xối/ nước dưới sông có khi đầy khi cạn/ trăng trên trời có khi tỏ khi lu/ lòng miền Nam đối với cụ Hồ/ vẫn tròn vành vạnh như chiếc nón bài thơ em đội đầu”. Ban đầu nhạc sĩ để tên: “Anh gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ” dù người ta vẫn nghe nói nón bài thơ ở xứ Huế nhưng Lê Việt Hoà vẫn kiên quyết để bài hát trung thành với nguyên tác của nhà văn Sơn Tùng – vốn quê ở Nghệ An. Nhà văn Sơn Tùng cũng cho biết, quê hương ông có nghề làm nón bài thơ, sau này mới lan vào Huế. Tuy nhiên sau này để tên bài hát ngắn gọn và dễ nhớ nhạc sĩ đã rút gọn tên thành: “Gửi em chiếc nón bài thơ”. Nhạc sĩ Lê Việt Hoà đã phỏng theo cái ý của hai câu thơ của nhà văn Sơn Tùng: “nước dưới sông có khi đầy khi cạn/ trăng trên trời có khi tỏ khi lu…”, để phác ra một ca khúc tình ca trong hoàn cảnh đất nước vừa thống nhất. |
Theo Khám Phá