Tối 9/5, người đàn bà hát, tên cúng cơm là Lệ Mai, đã cất tiếng ca trên sân khấu thủ đô sau 40 năm xa Việt Nam. Sau 60 năm - gần một đời người, bà trở lại quê gốc Hà Nội. Trong đêm “Khánh Ly Live Concert”, giọng hát của người đàn bà 70 tuổi không còn đanh giòn như chuông thuở đôi mươi, mà rền vang như... sấm dậy.
Cũng như tiếng hát của bà, đêm hòa nhạc Khánh Ly mở đầu bằng hiệu ứng âm thanh tiếng sấm. Một tiếng sấm dậy trong hội trường 4.000 chỗ ngồi.
Hạnh phúc vì phải gánh áp lực “được yêu”
Sau khi bước ra sân khấu, Khánh Ly mặc áo trắng nữ sinh, buông tóc hát Tình Nhớ. Bài hát này vốn được Trịnh Công Sơn khi còn sống viết từ cảm hứng một lần gặp lại "người cũ" sau 10 năm xa cách. Khánh Ly hát Tình Nhớ để gặp lại khán giả thủ đô sau 60 năm. Tiếp theo là Biển Nhớ da diết như bào vào tim người nghe.
Khánh Ly trên sân khấu thủ đô sau 60 năm xa cách
Trước sự yêu mến của khán giả, Khánh chia sẻ, được yêu cũng là một áp lực. Bà nói: “Tình yêu đôi khi là gánh nặng cho người được yêu. Vậy xin quý vị thoải mái. Bởi nếu tôi cũng căng mà quý vị cũng căng quá thì sẽ đứt.”
Bà cảm kích nói thêm: “Sự có mặt của tôi làm nhiều người khổ quá. Có nhiều người trong ban tổ chức phải lo lắng vì tôi. Tôi chưa bao giờ thấy được nuông chiều đến vậy. Nếu mình tôi, tôi chẳng làm được gì cả nhưng có các anh các chị giúp đỡ, hy vọng không làm các bạn thất vọng.”
Sau đó, Khánh Ly đứng im và tiếp tục hát. Khán giả chỉ thấy cử động duy nhất từ cơ thể bà là chiếc cổ rướn lên cao thêm hoặc ngoảnh vuông sang trái phải. Cùng lúc, từ người ca sỹ "bất động" toát ra một nội lực mạnh như nam châm, hút khán giả theo lời hát.
Khánh Ly như "mọc rễ" chắc nịch trên sân khấu - một cái cây biết hát, reo vui trong gió quê nhà. Từng lời ca từ cái cây ấy rơi ra như những viên đá cuội đẹp lấp lánh, lăn về phía người xem.
Khánh Ly như nam châm hút khán giả
Say sưa hát đến gần cuối chương trình, danh ca vẫn chưa hết áp lực. Trong một khoảnh khắc, giọng bà run run: “Tôi có nhà, có gia đình ở đây, Hà Nội và cả Sài Gòn. Nhưng tôi thậm chí chưa về nhà thăm gia đình. Bởi tôi sẽ bị ảnh hưởng nếu làm vậy trước đêm diễn. Tôi muốn tập trung sức lực cho tối nay.”
Đối với người phụ nữ tự nhận mình gần đất xa trời ấy, chỉ còn tiếng hát là ý nghĩa. Bà và tiếng hát đã là một thể thống nhất.
"Xin cho quê hương mãi mãi bình an"
Khi mới đi hát cùng Trịnh Công Sơn những năm 1960 ở Sài Gòn cũ, Khánh Ly từng quá run nên phải bỏ guốc, đi chân trần để đứng hát cho vững. Từ đó, bà được người hâm mộ đặt biệt danh: “nữ hoàng chân đất”.
Còn giờ đây, bà được gọi là danh ca và dẫn dắt câu chuyện trên sân khấu đầy trải nghiệm, dí dỏm mà sâu sắc nhưng đôi khi vẫn còn... run.
Khánh Ly có cách dẫn dắt chuyện dí dỏm mà sâu sắc
Trước khi hát bài Như Cánh Vạc Bay, bà mượn lại lời cũ để khéo nói ý mới: “Nếu biết đưa em về mà chắc chắn xa nghìn trùng thì tôi sẽ không đưa ai về đâu. Để chúng ta không bao giờ xa nhau hay mất nhau.”
Không chỉ dí dỏm, cách dẫn chuyện của MC kiêm ca sỹ khiến người xem phải ngẫm. Trước khi hát Hạ Trắng, bà chia sẻ: “Ông Trịnh không viết nhạc ngẫu nhiên đâu, mà những gì ông nhìn và nghe thấy đi vào nhạc rất dễ dàng. Ngày xưa tôi còn nhỏ không hiểu ông muốn nói gì qua lời hát. Sau này, có tuổi, tôi mới hiểu một phần thôi.”
Bà tiếp: “Tình yêu đi qua rất nhanh nhưng tình nghĩa thì còn mãi. Một lần yêu nhau là chúng ta có nghĩa với nhau. Vì thế, tôi mong các khán giả trẻ đang yêu xin gọi mãi tên nhau như thế.”
"Gọi mãi tên nhau" vốn là câu hát cuối trong bài Hạ Trắng nổi tiếng.
Khánh Ly: “Xin cho quê hương mãi mãi bình an”
Khi tâm sự về thân phận người ca sỹ, Khánh Ly khiến người xem như chạm đến điều riêng tư nhất. “Tôi luôn ước có một ngày được hát rồi chết luôn cũng được. Một người đi hát, họ hát cho bản thân trước. Nhạc sỹ cũng vậy, bài hát nói nỗi lòng. Có nhiều điều không thể nói cùng ai được, ngay cả với chồng mình và con mình. Nên họ chỉ biết nói nỗi lòng với bài hát thôi.”
Có thể coi là lời chia sẻ ấn tượng nhất đêm nhạc là phần dẫn dắt vào ca khúc Xin Cho Tôi. Ca khúc này vốn nằm trong tập nhạc Ca khúc Da Vàng IV phát hành trước năm 1975. Xin Cho Tôi mới đây được cấp phép biểu diễn trong các chương trình nhạc Trịnh Công Sơn trong nước.
“Tôi yêu những ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn vì trong đó có tất cả chủ đề - tình yêu, thân phận, quê hương. Nếu nghe kỹ bạn sẽ thấy hãnh diện vì được là người Việt Nam. Xin cho chúng ta và quê hương mãi mãi bình an”, Khánh Ly nói.
Xin Cho Tôi được Khánh Ly song ca cùng ca sỹ trẻ Hà Anh Tuấn. Lời bài hát kể về hành trình của một người Việt Nam mong mỏi quê hương được thanh bình, được hạnh phúc và hãy để tình yêu cất cánh.
Những chia sẻ của Khánh Ly trong suốt đêm nhạc đã khiến chương trình vượt tầm của một đêm biểu diễn giải trí hay nghệ thuật thông thường. Bởi đêm nhạc không chỉ là kỷ niệm riêng của Khánh Ly mà cả với người hâm mộ.
Người đàn bà xúc động khi hát Một Cõi Đi Về kết thúc đêm nhạc
Là người biểu diễn cũng là người "cầm phách chính", Khánh Ly đã khiến đêm nhạc của mình có nhịp mạch và tiết tấu giống một bộ phim hay. Tới nỗi, đêm biểu diễn đi đến phút cuối nhưng người xem vẫn tưởng như vừa bắt đầu.
Hình ảnh đáng nhớ cuối cùng trong đêm diễn 9/5, là khi bà ngồi bó đùi trên sân khấu Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia và hát Một Cõi Đi Về. Bà xúc động hết cúi đầu lại ngửa mặt lên trần. Càng về cuối, giọng hát của bà càng khiến người nghe như say rượu cay.
Người đàn bà hát đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Bà hát, nói lên nỗi lòng, kỷ niệm bản thân, và nói lên tiếng lòng của con người nói chung. Với ca khúc Như Một Lời Chia Tay, bà đã chạm vào tim khán giả tự bao giờ.
Theo Khám Phá