Những kẻ gài bẫy công chúng trong showbiz Việt

Thứ hai, 14/07/2014, 11:15
Một khi công chúng vẫn còn dễ dàng mắc bẫy và giới truyền thông dễ dãi như hiện nay thì thảm họa showbiz sẽ còn tiếp tục

Hiểu rõ tâm lý tò mò của một bộ phận không nhỏ công chúng, những người kinh doanh “thảm họa” luôn có sẵn chiêu thức lôi kéo họ nhập cuộc thông qua các phương tiện truyền thông vụ lợi.

Giỏi bày trò

“Quá thông minh” là nhận xét mà người trong giới showbiz dành cho những người đứng sau các “thảm họa” showbiz.

Nếu Ngọc Trinh, Bà Tưng, Angela Phương Trinh… thu hút công chúng bằng hình ảnh chụp thân hình “bốc lửa” của họ khi tung lên mạng thì còn hiểu được nhưng Lệ Rơi với giọng hát nghe không hết nổi một câu đầu như nhận xét của nhiều người mà kéo hàng triệu người vào nghe - xem thì quả là “thiên tài” về PR (quan hệ công chúng).

Thường những trường hợp người đẹp như thiên thần, giỏi như thiên tài hoặc “thảm họa” một cách xuẩn ngốc đều có thể thu hút được hàng ngàn, thậm chí hàng triệu cư dân mạng quan tâm. Vì vậy, chỉ cần có những người dám làm điều điên rồ để được nổi tiếng như Bà Tưng, Ngọc Trinh, Angela Phương Trinh hay Lệ Rơi là các “bàn tay đen” đủ sức bày chiêu trò kéo cư dân mạng vô tư bước vào bẫy truyền thông mà họ đã giăng ra để đạt được mục đích của mình.

Ngọc Trinh, Khắc Tiệp, gài bẫy công chúng, Lệ Rơi,

Ngọc Trinh và ông bầu Khắc Tiệp

“Thực tế, ai cũng biết Lệ Rơi hát quá tệ, đến mức bất cứ người nghe nào cũng phải cười sặc sụa. Đó là điều khiến các clip của Lệ Rơi được chia sẻ nhanh chóng trong cư dân mạng, với mục đích cười nhạo báng. Nhưng vô tình điều đó khiến cho Lệ Rơi, dù là “thảm họa”, trở thành hiện tượng của showbiz. Nắm rõ nhu cầu vốn tò mò nhưng cực kỳ trong sáng, thậm chí hơi ngây ngô của công chúng, những người đứng sau Lệ Rơi nói riêng hay những “thảm họa” khác nói chung, vạch ra những chiến lược thu hút công chúng, thực hiện thành công mục đích của mình” - nhạc sĩ Nguyễn Hà khẳng định.

Đúng như nhận định của giới chuyên môn, tâm lý bầy đàn, yếu tố dân trí thấp, tính tò mò và hiếu kỳ là chất xúc tác tốt nhất cho những hiện tượng “thảm họa” như Lệ Rơi bùng nổ. Lượt người quan tâm càng đông càng được báo mạng thổi phồng, tạo tác động qua lại. Hiệu quả quảng bá nhờ đó tăng lên cấp số nhân.

Dễ dàng “dắt mũi” truyền thông

Đúng như nhận định của nhạc sĩ Trần Minh Phi: “Mọi sự trở nên bị thổi phồng hơn nữa khi một bộ phận trong giới truyền thông thò cái vòi bạch tuộc của mình vào bằng sự khủng hoảng tự thân về trình độ và bản lĩnh của người làm báo cùng cơn đói “view” của các tờ báo mạng, nhất là những tờ báo được liệt vào hàng “lá cải”. Họ lao vào bằng các bài viết nông cạn và thiếu hiểu biết về nghệ thuật, đánh đồng mọi khái niệm, kích thích thêm hiệu ứng bầy đàn ở những người dân trí thấp và sự tò mò ở tầng lớp dân trí không thấp để tạo nên lượt “like”, đẩy sự việc đi theo tốc độ chóng mặt với lượng chia sẻ, tìm xem trên mạng xã hội tăng lên cấp bội số.

Lệ Rơi sẽ không thể vượt ra ngoài “lãnh địa” internet nếu không có sự tham gia của truyền thông với vai trò truyền dẫn, xúc tác. Tình trạng đói “view” của nhiều trang báo mạng dẫn đến việc chụp giật thông tin, hễ có nhiều người quan tâm là lập tức nhảy vào khai thác đủ mọi góc cạnh. Đôi khi truyền thông cũng rất “ngây thơ” trước ý đồ tạo hiệu ứng tốt nhất của những kẻ chủ mưu. Và “thảm họa” Lệ Rơi là một minh chứng.

150 clip xuất hiện trên YouTube trong thời gian chưa đầy 1 tháng và số lượt chia sẻ của cư dân mạng cho nhau đủ để khiến truyền thông hiểu rằng Lệ Rơi là “tâm điểm” của dư luận. Báo mạng thi nhau đưa tin, viết bài đủ kiểu, thậm chí tổ chức cho Lệ Rơi giao lưu trực tuyến với công chúng như một ngôi sao thực thụ. Không khó để nhận ra sự hời hợt của truyền thông (chủ yếu một số trang báo mạng) khi chỉ nhắm đến mục tiêu tăng lượng độc giả cho trang mạng của mình mà không thèm xem xét đến bản chất sự việc hay nhân vật ấy có xứng đáng hay không.

Nhiều trang báo mạng cập nhật thông tin dựa theo những dòng chia sẻ của Lệ Rơi trên Facebook cá nhân của anh ta. Rõ ràng, những trang mạng này muốn “lợi dụng” hiện tượng Lệ Rơi để “làm giàu” lượng độc giả cho mình nhưng họ không nhận ra rằng mình đang bị ê-kíp của Lệ Rơi lợi dụng. Những thông tin như Lệ Rơi bỏ vườn ổi lên phố thị bằng xe Lexus, Lệ Rơi vào quán cà phê hàn huyên cùng bạn bè, Lệ Rơi vào phòng thu chuyên nghiệp… đều được nhiều trang báo mạng thông tin một cách cặn kẽ.

“Dắt mũi” truyền thông giỏi nhất có lẽ là ông bầu của Ngọc Trinh - người tự xưng là “nữ hoàng nội y”. Sau đủ kiểu ảnh khoe thân dễ dàng đăng tràn ngập trên nhiều trang báo mạng, kể cả một vài tờ báo mạng có uy tín, ông bầu Khắc Tiệp muốn nâng cấp giá trị “gà” của mình lên tầm cao hơn bằng cách đưa Ngọc Trinh đi thi cuộc thi hoa hậu kiểu “ao làng” mang tên Miss Vietnam International 2011, do một doanh nghiệp người Việt tại quận Cam, bang California - Mỹ tổ chức lần đầu và cũng là lần cuối.

Thực hư ngôi vị hoa hậu của Ngọc Trinh có được từ cuộc thi này là như thế nào chẳng ai biết nhưng sau đó hàng loạt báo mạng đồng loạt viết bài đăng ảnh trang trọng như một thành tích của nhan sắc Việt trên trường quốc tế. Việc Ngọc Trinh đăng quang hoa hậu Người Việt quốc tế đã khiến không ít người trong giới choáng váng.

Chưa hết, nhiều chuyên mục trò chuyện của các đài truyền hình lớn cũng không cưỡng lại được sức cám dỗ ăn khách của hoa hậu Triệu Thị Hà, mới nổi lên sau xì-căng-đan đòi trả vương miện, của “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh… Từ vị trí dưới đáy showbiz, trong ánh mắt khinh khi của người trong giới, họ bước vào những chương trình chính thống của các kênh truyền hình lớn như những người của công chúng thực thụ. Nhạc sĩ Nhật Trung kết luận rằng một khi công chúng vẫn còn dễ dàng mắc bẫy và giới truyền thông dễ dãi như hiện nay thì “thảm họa” showbiz sẽ còn tiếp tục.

Theo Nguoilaodong

Các tin cũ hơn