Nghệ sĩ Hoài Linh
Khác với một Hoài Linh đa dạng, góc cạnh và rộn ràng trên sân khấu, luôn mang tới tiếng cười sảng khoái cho khán giả, ngoài đời, anh như chắt chiu tiếng cười với chính mình bởi có lẽ đã cho đi quá nhiều. "Ngoài đời ai gặp cũng hỏi tại sao Hoài Linh trầm chứ không rộn ràng, tưng bừng như trên sân khấu. Khi đã quá thấm chữ 'nghề' và 'đời', con người ta sẽ như thế. Đúng là ngoài đời tôi có nhiều khoảng lặng quá, nhất là mười năm gần đây” - Hoài Linh chia sẻ trong một bài phỏng vấn cách đây vài năm.
Hoài Linh tâm sự: “Đã là diễn viên, diễn bi hay hài đều bạc. Cười đó rồi khóc đó. Tâm lý không ổn định, cảm xúc cứ bấp bênh. Người diễn viên hài trải lòng với khán giả bằng tiếng cười còn nỗi buồn phải giữ lại, ép lại. Cái hài không giải tỏa được nỗi buồn mà cứ ấp ủ hoài nên nặng nề đầu óc, thành ra trầm cảm, lặng đi, lừ đừ và càng thấm đẫm cái buồn”.
Nghệ sĩ Hoài Linh. |
Niềm vui thì sẻ chia, nỗi buồn thì giữ lại và bệnh tật thì giấu cho riêng mình chịu đựng - đó là những gì mà đồng nghiệp nhận xét về anh. Ít ai biết, một trong những người đàn ông được đánh giá là quyền lực nhất showbiz đã âm thầm chống chọi từng ngày với nhiều căn bệnh nguy hiểm: hở van tim, tụt đường huyết, hạ canxi, đau dạ dày. Lúc nào trong túi của Hoài Linh cũng có máy đo huyết áp, thuốc tim và thuốc huyết áp.
Trong hậu trường của live show Hoài Linh cách đây vài năm, có hẳn một “bệnh viện dã chiến” với xe cứu thương, các loại thuốc, phương tiện, dụng cụ y tế cấp cứu tại chỗ, một bác sĩ túc trực cùng hai bình ôxy. Hoài Linh cứ diễn xong một màn là vào cánh gà để bác sĩ đo huyết áp, đưa bình ôxy cho thở. Một đêm diễn bốn màn là bốn lần anh phải thở ôxy.
Nghệ sĩ Xuân Hương
Gắn bó với sân khấu hài kịch, mang lại tiếng cười cho không biết bao nhiêu thế kệ khán giả Việt song nghệ sĩ Xuân Hương lại ngậm ngùi ví mình như Kép Tư Bền, ra sân khấu chọc cười khán giả, ăn mặc sặc sỡ nhưng nhìn xuống giật mình thấy móng tay còn bẩn vì dọn dẹp, nấu nướng ở nhà vội quá chưa kịp rửa.
Nghệ sĩ Xuân Hương ví mình như Kép Tư Bền. |
Nghệ sĩ Xuân Hương từng tâm sự: "Nước mắt mới là con người thật của tôi. Từ một con bé được gửi ăn nhờ ở đậu nhà người ta vì ba tôi đi kháng chiến, mẹ tôi chạy loạn, chén cơm của tôi đã chan đầy nước mắt. Lớn lên có chồng sinh con, những năm tháng tất tả kiếm cơm, lặn lội xuống tới tỉnh, bồng con theo, nhìn nó bệnh, nó uống thuốc, nó gầy còm, nước mắt tôi lại phải rơi. Rồi vợ chồng hục hặc, ly hôn, vừa khóc vừa viết kịch bản nuôi con. Cho nên tôi đã đóng vai bi suốt cuộc đời mình".
Dẫu vậy, đúng như câu nói “Phải bỏ đôi giày dơ bẩn của mình ngoài nhà hát”, người nghệ sĩ này luôn biết cách giấu nước mắt vào bên trong để hết mình với những vai diễn trên sân khấu.
Chị bộc bạch: "Vai bi thường được giấu đi, chỉ để vai hài xuất hiện trên sân khấu mà thôi. Nhưng tôi cười đâu có nghĩa là tôi vui. Tôi đau vì con người, vì xã hội, với biết bao điều bất công, gai mắt, hành hạ dân tình. Đau nhưng phải trị nỗi đau đó bằng nụ cười châm biếm. Giống như uống thuốc có bọc đường vậy mà, cho người ta dễ uống, rồi mau hết bệnh".
Nghệ sĩ Minh Nhí
Câu chuyện của Kép Tư Bền dường như gắn liền với cuộc đời nhiều người nghệ sĩ. Giữa tiếng cười của khán giả và sự thăng hoa của chính mình trên sân khấu, không ít người từng bật khóc vì khi nghĩ tới cuộc đời truân chuyên, nhiều gian khó của mình, Minh Nhí là một trong số đó. Trong suốt cuộc đời, có lẽ Minh Nhí sẽ chẳng thể quên vở diễn được anh thực hiện ngay sau khi hay tin cha mất.
Anh từng tâm sự: "Rất kinh khủng. Tôi nhắm mắt lại và không muốn mở mắt ra nữa... Tôi như lơ lửng giữa bóng tối, khoảng trống cùng với nỗi đau quá đột ngột. Vừa lúc đó, người dẫn chương trình đã giới thiệu tên Minh Nhí và Hữu Châu. Đã diễn hài thì phải làm khán giả cười. Khán giả đâu cần biết đêm đó cha mình vừa mất. Có lúc đang diễn bất chợt nhớ ra tôi như mất hồn nhưng mình không được phân tâm vì đang là diễn trên sân khấu”.
Danh hài chia sẻ trong đau xót: "Lúc đó tôi mới thấm thía nỗi đau của Kép Tư Bền vì thấy mình giống quá. Đau, đau lắm, đau đến quắt queo và trống rỗng như vô hồn nhưng vẫn phải chọc cười thiên hạ, trong khi chỉ muốn về ngay để thấy mặt cha lần cuối. Tôi nhớ hồi mới đi làm, mỗi lần cha lên thăm gặp được chút xíu phải về ngay vì không có chỗ ngủ. Hồi nhỏ tôi hay nói mai mốt giàu sẽ nuôi ba má. Vậy mà tới lúc vừa mua được nhà mấy ngày, tính đón cha lên ở thì cha lại không còn. Tôi nghiệm thấy cuộc đời mình cứ mỗi lần được cái này thì mất cái kia. Hai lần mất người thân đều là lúc tôi vừa mua nhà mới”.
"Đã diễn hài thì phải làm khán giả cười. Khán giả đâu cần biết đêm đó cha mình vừa mất". |
Những vất vả, tủi nhục và mất mát của Minh Nhí đâu chỉ dừng lại ở đó. Luôn là người nghệ sĩ hết lòng vì khán giả và công việc, đã không ít lần, Minh Nhí đánh cược cả sức khoẻ của bản thân để hoàn thành vai diễn. Cái giá để đổi lấy nụ cười của người xem đâu có rẻ khi hiện tại, giọng Minh Nhí lúc nào cũng khàn khàn sau nhiều lần chích thuốc để diễn khi bị tắt tiếng. Cũng có lần, khi diễn hài ở sân khấu thì đèn tắt, Minh Nhí đang di chuyển sát mép sân khấu nên lỡ đà, ngã dúi dụi xuống bục sân khấu cao gần 3m.
Cú ngã bất ngờ làm chân phải anh rách toạc một đường dài gần 10cm. Khi đèn bật sáng, cẳng chân đã loang đỏ máu tươi. Vậy mà, người nghệ sĩ ấy vẫn lấy khăn cột tạm vết thương lại và tiếp tục vở diễn. Hơn một giờ sau, khi hoàn thành công việc, anh mới được chuyển tới bệnh viện. Tai nạn nghề nghiệp "tặng" cho Minh Nhí một vết sẹo nhớ đời bên chân phải.
Nghệ sĩ Cát Phượng
Nhắc đến Cát Phượng là người ta nghĩ ngay đến diễn viên hài có biệt tài chỉ cần nói thôi là khán giả đã cười rung ghế. Thế nhưng, chuyện đời của người nghệ sĩ này phía sau sân khấu lại chẳng thể nào khiến người ta cười nổi. Cái nghịch lý ấy dường như quấn lại những nghệ sĩ hài, ẩn sau tiếng cười trên sân khấu chính là những giọt nước mắt vất vả và khổ đau.
Nhiều người nhận xét, Cát Phượng có đôi mắt buồn nên cuộc đời chị cũng có không ít truân chuyên. Người nghệ sĩ này từng tâm sự: "Tôi lúc nào cũng thấy buồn, có điều, đứng trước công chúng, mình phải khoả lấp đi. Hơn nữa, lên sân khấu, sống cho nhân vật, mình cũng phải quên đi. Đó là lý do tôi thích diễn hài, rất sợ diễn vai bi như 'Tám Bính', 'Phận làm gái'... Hồi diễn vở Tám Bính đêm về tôi khóc hoài. Vì diễn những vai đó, tâm lý nặng nề, bi kịch quá, trong khi cuộc đời mình đã đủ bi kịch rồi".
Nhiều người nhận xét, Cát Phượng có đôi mắt buồn nên cuộc đời chị cũng có không ít truân chuyên. |
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ sống không hạnh phúc, Cát Phương tự học, tự nuôi mình và tự bươn chải với cuộc sống ngoài thành phố sau khi rời quê. Không chỉ lo cho bản thân, chị còn phải chăm sóc và bảo vệ những đứa em của mình. Chị từng tâm sự: "Thời đó tôi phải đi quay karaoke, đóng vai quần chúng để có tiền ăn học, để nuôi mấy đứa em. Khi không được đóng phim thì tôi phải đi bán máu để sống. Hỏi như vậy có buồn không? Lúc nào trong đầu tôi cũng vang lên câu hỏi: “Cuộc sống của mình như thế này đến bao giờ?”.
Trong chuyện tình cảm, may mắn và hạnh phúc dường như cũng là thứ xa xỉ với người phụ nữ này khi chị không ít lần bị lừa gạt tình cảm bởi những người đàn ông tồi. Ngay cả Thái Hoà, người Cát Phương nhận xét tốt, cũng không thể đi cùng chị tới cuối con đường. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với nam diễn viên Thái Hoà, Cát Phương chia sẻ, nếu nói không buồn là không đúng, nhưng chỉ là buồn thoáng qua thôi. Còn "cái dằm trong tim" khiến chị luôn đau đáu chính là do lo nghĩ cho con trai.
"Tôi có một đứa con mà không biết mình có đem lại cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho nó không? Có phải mình đẻ nó ra là xong đâu, đó là bổn phận, trách nhiệm to lớn nhất. Một điều khiến tôi buồn nữa là, khi chui ra từ bụng mẹ để làm một kiếp con người, tôi khổ lắm. Cuộc đời mình bị đưa đẩy, bị bầm dập nhiều quá. Xung quanh mình lúc nào cũng là đau khổ, tôi cảm thấy cuộc sống này chẳng có gì để vui. Cảm giác đó đeo đẳng mình từ nhỏ đến giờ" - những lời chia sẻ đầy xót xa của Cát Phượng.
NSƯT Phạm Bằng
Khởi nghiệp từ sân khấu kịch nhưng nghệ sĩ Phạm Bằng được đông đảo khán giả biết đến và yêu mến sau khi gắn bó với truyền hình. Đóng rất đạt những vai chính diện nhưng ông lại ghi dấu ấn trong lòng người ở những vai diễn hài cười đến chảy nước mắt khi vào vai sếp Bằng hói, về nhà sợ vợ, ở cơ quan sợ các cô thư ký "mặt hoa da phấn" vì thói "ăn vụng".
Tiếng là vui vẻ, hài hước vậy, nhưng trong đời sống thực, ít ai biết, thường trực bên Phạm Bằng là một nỗi cô đơn xâm chiếm mỗi lần trở về nhà sau những vai diễn hài mua vui cho thiên hạ. Bố ông mất sớm, để lại người vợ góa trẻ 24 tuổi và 3 người con. Mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn, một tay cụ chèo lái con thuyền gia đình. Chính điều đó khiến cụ thành một người "gia trưởng", độc đoán và khắc nghiệt.
Phạm Bằng ít khi cảm nhận được tình yêu thương của mẹ mình ngay từ hồi còn là một đứa trẻ. Cụ từng muốn con trai mình sẽ làm nghề thầy giáo như người cha quá cố, nên khi Phạm Bằng rẽ sang hướng khác, cụ đã luôn mỉa mai cái nghiệp diễn Phạm Bằng theo đuổi với những câu nói chua chát: "Nó là con hát mua vui cho thiên hạ", "Nó là loại xướng ca vô loài", "Thằng hề"...
Nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng. |
Ông bảo: "Tôi là diễn viên hài, nhưng trong đời sống thường nhật, tôi ít khi 'phát tiết ra ngoài' cái sự hài hước của mình như một số diễn viên hài khác, một phần cũng là do dấu ấn của mẹ tôi để lại. Sự nghiêm ngặt của bà khiến tôi sợ, nhưng vô hình nó đã ăn vào tâm thức tôi. Tôi không đối xử với con cái theo cách của mẹ tôi, nhưng tôi cũng không xuề xòa với con cái giống như cách của ông Bằng hói trên màn ảnh. Giờ đây cuộc sống càng buồn vì không có người vợ dịu hiền bên cạnh. Tôi lặng lẽ như chính con người mà bạn đang thấy đây."
"Cuộc đời người nghệ sĩ hài là vậy, chẳng khác gì Kép Tư Bền. Ai sống chẳng có niềm vui nỗi buồn, nhưng phàm đã là nghệ sĩ hài thì lên sân khấu là phải làm cho khán giả cười" - nghệ sĩ Phạm Bằng chia sẻ.
Nghệ sĩ Minh Vượng
Nhắc tới Minh Vượng, người hâm mộ nghĩ ngay đến một danh hài sở hữu thân hình ngoại cỡ, luôn mang tới tiếng cười cho khán giả ở mọi độ tuổi, đặc biệt là các bạn nhỏ với cách xưng hô "tớ, bạn". Thế nhưng, ít ai biết, cuộc sống phía sau ánh đèn sân khấu của người nghệ sĩ này lại nhiều truân chuyên, vất vả.
Nghệ sĩ Minh Vượng. |
Gần bước sang tuổi lục tuần song danh hài nổi tiếng vẫn lẻ bóng một mình sau hai lần cưới hụt. Bà xác định cuộc sống cô đơn một mình từ năm 30 tuổi vì suy nghĩ, căn bệnh tim và khớp quái ác sẽ khiến mình không thể đến trọn vẹn với ai được. Minh Vượng từng chia sẻ, số thuốc bà uống vào người còn nhiều hơn số cân nặng của cơ thể. Như thế là đủ hiểu bệnh tình của người nghệ sĩ luôn mang đến tiếng cười này.
Dẫu vậy, nói về được mất, nghệ sĩ Minh Vượng từng trải lòng, người nghệ sĩ luôn phải chịu thiệt thòi, mất mát. Song, không nên lấy đó làm buồn, hãy cứ sống hết mình, làm hết mình. Bà thấy thanh thản, bằng lòng với con đường đã chọn dù có gập ghềnh và chông gai. Nếu có kiếp sau, Minh Vượng vẫn muốn chọn nghề mang lại nụ cười cho người khác.
Cố nghệ sĩ Văn Hiệp
Cố nghệ sĩ Văn Hiệp gắn liền với hình ảnh ông trưởng thôn, lão nông dân thật thà, tốt bụng và hài hước với thân hình gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, phong cách xuề xòa trong các tiểu phẩm hài. Mang lại tiếng cười cho khán giả song cố nghệ sĩ Văn Hiệp lại có cuộc sống riêng nhiều bất hạnh. Tháng 4/2013, gương mặt kỳ cựu của màn ảnh Việt cũng ra đi mãi mãi sau khi chống chọi với cơn bạo bệnh.
Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp đối mặt với tình trạng ốm đau bệnh tật liên miên nhưng tình trạng tài chính sống không mấy dư dả. Ông bị đại tràng, suy thận, tràn dịch màng phổi. Theo chia sẻ của con trai cố nghệ sĩ, ông biết mình bị bệnh nhưng gan lì, nhất định không chịu vào viện và "kỳ cạch đi đóng phim" cho tới ngày đổ bệnh hẳn.
Nghệ sĩ Văn Hiệp. |
"Mọi người thường gọi bố là bác trưởng thôn, lúc nào cũng mang theo cái điếu cày, vậy mà từ khi phát hiện ra bị bệnh tới lúc mất, hơn 6 tháng, bố tôi chỉ hút trộm đúng một điếu thôi. Nhưng lúc mất ông gầy lắm, tôi bế lên mà nhẹ bẫng, đoán chừng bố chỉ còn 32 kg" - lời chia sẻ khiến nhiều người khán giả nghẹn lòng của con trai cố nghệ sĩ Văn Hiệp về bố.
Không chỉ đối mặt với tử thần, chống chọi với bệnh tật trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp còn cô đơn tuổi già khi "xa vợ" hơn 20 năm. Ông tâm sự, hồi xưa cuộc sống khốn khó, vợ ông đi xuất khẩu lao động sang Đức rồi không về. Mặc dù ông cũng đã khuyên can, thậm chí… cảnh cáo: "Về đi, không là mất chồng đấy" nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế.
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, khi đã ở cái tuổi gần "thất thập cổ lai hy" với đủ "chiếu" lớn nhỏ trong làng kịch, Văn Hiệp vẫn chưa có một danh hiệu nào. Thậm chí, ông vẫn phải đối diện với "cơm áo gạo tiền", phải tự lo cho mình như vốn dĩ xưa nay ông đã phải thế. Cứ có lời mời hợp lý là ông vẫn nhận "sô" ở các tỉnh và phóng xe máy đi diễn, một phần là để kiếm thêm thu nhập nhưng một phần là để ông quên đi nhiều căn bệnh mãn tính giày vò cơ thể, quên đi cả nỗi cô đơn trong cuộc sống thường ngày.
Cố nghệ sĩ Tuấn Dương
Là nghệ sĩ, diễn viên kỳ cựu của Đoàn kịch Công an nhân dân song cố nghệ sĩ Tuấn Dương bén duyên với phim truyền hình và ghi dấu ấn trong lòng những khán giả màn ảnh nhỏ qua các phim: Đất và người, Làng ven đô, Chuyện đã qua, Lều chõng... Cố nghệ sĩ Tuấn Dương "chết vai" với hình ảnh một người nông dân, một trưởng thôn, một ông chồng, một tay buôn... sợ vợ và luôn mang lại tiếng cười cho mọi người qua những vai hài dí dỏm nhưng sâu sắc.
Nghệ sĩ Tuấn Dương kết hôn muộn vào năm 2009 và không có con. Vợ ông đã trải qua một lần đò và có con riêng. Tuấn Dương rất muốn có một đứa con nhưng tâm nguyện này chưa thể hoàn thành trước lúc ông nhắm mắt xuôi tay. Ông từng nói: "Nhìn lại, vèo một cái đã chạm đến tuổi già mà mình vẫn chưa có một gia sản gì đáng giá trong tay. Có lúc tôi cũng chạnh lòng thương cho chính mình, nhưng biết sao được, đó là số phận rồi. Cũng không vì thế mà tiếng cười của mình bớt đi sự thoải mái".
Nghệ sĩ Tuấn Dương. |
Tháng 11/2013, khán giả yêu mến "Xuân tóc đỏ" bàng hoàng trước thông tin người nghệ sĩ ra đi mãi mãi do căn bệnh ung thư thực quản. Theo chia sẻ của vợ nghệ sĩ, trước đó, ông cảm thấy khó nuốt, gặp vấn đề trong ăn uống nên đã đi vào bệnh viện khám và kiểm tra một mình. Lúc biết mình bị ung thư ông giấu tất cả mọi người, không cho ai biết một thời gian. Thậm chí, thời gian đầu, do vẫn còn nhiều hợp đồng đóng phim, nên cố nghệ sĩ Tuấn Dương nhất quyết không chịu điều trị hóa chất mà chỉ chữa bằng đông y để giảm những cơn đau.
Bán cười cho thiên hạ
Mua tiếng khóc cho mình
Khóc cho kiếp nhân sinh
Cười trần gian bạc bẽo.
Khóc những khi lạnh lẽo
Cười những lúc đớn đau.
Khóc cho kiếp tằm dâu
Cười trò đời tráo trở.
Khóc những khi lầm lỡ
Cười những lúc đắng cay.
Ba vạn sáu nghìn ngày
Chỉ một đôi cười, khóc.
(Bài thơ Khóc, cười của Hoài Linh viết sau cánh gà)
Theo Zing