- Chị chia sẻ gì về chuyến về nước biểu diễn trong hai chương trình cải lương "Chút tình gửi lại nhân gian" và "Tài danh đất Việt"?
- Định cư ở Mỹ từ khoảng năm 2007 đến nay, tôi nhận được khá nhiều lời mời về nước đóng phim. Trước đây, khi còn ở trong nước, tôi có tham gia phim ảnh. Vì công việc bận bịu, tôi phải từ chối những lời mời này. Nhưng với nghệ thuật cải lương, dường như tôi có duyên nợ từ trong máu nên khi nhận được lời mời từ "bầu" Gia Bảo - cũng là cháu gọi tôi bằng cô, tôi rất vui khi thu xếp được thời gian tham gia.
Hai chương trình lớn vừa qua tái hiện phần nào không khí cải lương ngày xưa của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga - đoàn hát của gia đình ông bà, cô chú tôi. Được diễn trên sân khấu cổ truyền, được thấy khán giả còn mê cải lương, với tôi là niềm hạnh phúc lớn trong những ngày qua.
Diễn viên Hồng Loan (thứ hai từ phải qua) bên bố - nghệ sĩ Bảo Quốc (áo trắng). |
- Không được học bài bản về cải lương, vì sao vài năm qua chị gắn bó với môn nghệ thuật này?
- Khi còn ở Việt Nam tôi không bao giờ đóng hay hát cải lương. Nhưng khi qua Mỹ, khoảng 6 năm trước, tôi bắt đầu làm quen với môn này. Năm 2009, tôi được nhà tổ chức bên ấy mời thể hiện trích đoạn cải lương Hàn Tố Mai, quay và phát sóng trên truyền hình. Sau đó, đến lần kỷ niệm 30 năm ngày giỗ cô Thanh Nga ở Mỹ, tôi tham gia hát và diễn bên cạnh bố mình. Kể từ đó, tôi bắt đầu thích hát và có thêm nhiều cơ hội để gắn bó với cải lương. Những chương trình tôi tham gia ở Mỹ, khi phát sóng trên truyền hình, được khán giả đón nhận rất nhiệt tình.
Cải lương khiến tôi thấy mình gắn bó với quê nhà hơn rất nhiều, thấy được mình là người Việt Nam dù có ở bất kỳ đâu hay làm gì. Cải lương là gốc của gia đình tôi, nhưng ngày tôi còn nhỏ, gia đình khó khăn, bố mẹ không có tiền cho tôi học hát. Phần lớn việc hát cải lương là do tôi tự học. Nhưng tôi cũng may mắn được cô Phượng Mai - một trong những nghệ sĩ có tiếng của làng Hồ Quảng Việt Nam - chăm chút, chỉ dạy cho cách ca diễn các vở tuồng xưa.
- Nghệ sĩ Ưu tú Bảo Quốc ảnh hưởng đến con đường hoạt động nghệ thuật của chị ra sao?
- Trong các anh em tôi, chỉ có tôi đang theo con đường hoạt động nghệ thuật của gia đình. Mỗi khi có chương trình nào hai bố con diễn chung là tôi được bố chỉ dạy nhiều về cách thể hiện tâm lý nhân vật. Tôi học ở ông cách diễn từ trong tâm diễn ra, làm sao để nhân vật có chiều sâu, chứ không phải chỉ chú trọng điệu bộ bên ngoài. Tôi cũng học ở ông đạo đức nghề nghiệp, cách sống với khán giả, đồng nghiệp.
Bố tôi là người đàn ông hiền lành, yêu thương, chăm sóc cho vợ con từng chút một. Tôi thấy đời mình rất may mắn và chỉ mong rằng, khi về già, tôi có cuộc sống được như bố mẹ của mình.
Hồng Loan được nhận xét là hậu duệ xứng đáng của cố Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga (ảnh nhỏ). |
- Lối hát và phong cách biểu diễn của chị trên sân khấu cải lương phảng phất nét diễn của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Chị nói sao?
- Điều không may của tôi là cô Thanh Nga mất sớm quá. Nếu cô còn sống chắc cô sẽ chỉ dạy cho tôi nhiều hơn về cải lương. Cô qua đời năm 36 tuổi, khi tôi chỉ mới lên 5. Ký ức của tôi về cô chỉ là mái tóc dài mượt mà, đằm thắm trên sân khấu. Khi tôi lớn lên, mẹ cũng thích tôi để tóc dài. Nó mang nét chân phương, dịu dàng của người phụ nữ Á Đông.
Tôi không chủ ý để lối diễn và ngoại hình mình giống cô Thanh Nga. Nhưng chắc là người trong gia đình nên sinh ra tôi giống sẵn rồi. Từ ngày bé, tôi đã xem các vở tuồng do cô Thanh Nga đóng dù lúc đó cũng chưa cảm nhận hết ý nghĩa của chúng. Sau này, khi tự học cải lương, tôi nghe và xem rất nhiều băng đĩa tư liệu của cô. Cô là thần tượng không thể thay thế trong lòng khán giả ở nghệ thuật cải lương bởi lối diễn rất đẹp. Nếu được khen giống cô, dù chỉ chút ít, cũng là niềm hạnh phúc lớn với tôi.
- Chị làm thế nào để tạo dấu ấn riêng trên sàn diễn?
- Nhiều người nghĩ, diễn cải lương là nghệ sĩ phải ăn mặc màu sắc thật rực rỡ, lòe loẹt, diễn xuất phải "sến sẩm". Tôi từng xem vở Nửa đời hương phấn mà trong đó diễn viên đóng vai Hương lại uốn tóc lọn phồng và mặc quần jeans. Tôi rất buồn khi người nghệ sĩ đến với vai diễn kinh điển mà không nghiên cứu kỹ nhân vật và kịch bản. Thường khi vào vai nào, tôi đều nghiên cứu rất kỹ bối cảnh câu chuyện để hóa thân vào vai đó phù hợp.
- Có cơ hội biểu diễn cho khán giả kiều bào lẫn khán giả trong nước, chị cảm nhận tình yêu họ dành cho cải lương ra sao?
- Tháng 12/2014, tôi và gia đình tổ chức chương trình kỷ niệm 36 năm ngày giỗ của cô Thanh Nga ở Mỹ, khán giả đến đông lắm, họ mang hoa tặng cô rợp trời làm chúng tôi ai cũng xúc động. Thật sự, ở trong hay ngoài nước, môn nghệ thuật cổ truyền này vẫn có sức sống và sức tồn tại lâu bền. Tôi nhớ ngày xưa, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga diễn một vở ba tháng liên tục mà khán giả đến xem mỗi ngày. Khi tôi khoảng hơn 10 tuổi, tôi cũng mê cải lương, không chỉ mê vở của gia đình mà còn đi coi cả đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long... đến độ bố tôi phải đi xin vé tháng cho con gái vào xem.
Cải lương xưa có sức mê hoặc khán giả vì từ vở tuồng đến diễn xuất của nghệ sĩ đều được chăm chút cẩn thận. Họ hát như thể họ chính là nhân vật, đang chịu những số phận trên sân khấu, họ "đốt cháy" bản thân qua từng vai diễn.
Hồng Loan cùng chồng và con gái nhỏ có cuộc sống hạnh phúc, êm ấm tại Mỹ. |
- Theo chị, làm sao để vực dậy bộ môn truyền thống này?
- Tôi cho rằng, muốn vực dậy cải lương trong bối cảnh hiện nay thì cần có những đoàn hát thực sự để làm ra những tuồng cải lương hay. Ngày trước, một vở nào ra mắt, thì nghệ sĩ phải tập hai tháng, mỗi ngày tập từng chút một. Hiện giờ, làm được điều đó rất khó. Chỉ chuyện quy tụ được nghệ sĩ như vở diễn Nửa đời hương phấn vừa qua cũng rất vất vả rồi. Để khán giả không ngoảnh mặt với cải lương thì những người kế thừa thành quả của cha ông phải ý thức được trách nhiệm của mình, chăm chút hơn cho môn sân khấu này từ những chi tiết nhỏ nhất.
- Ngoài biểu diễn, chị muốn làm điều gì để góp phần lan tỏa nghệ thuật cải lương?
- Tôi đang làm một chương trình về sân khấu cải lương. Khởi đầu, tôi tự viết kịch bản, tìm gặp và ghi hình các cuộc phỏng vấn dài hơi với những cô bác nghệ sĩ tài danh ngày xưa. Đợt này, tôi phỏng vấn được nhiều tên tuổi như: Thanh Thế, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Thanh Sang, Út Bạch Lan, Minh Vương, Hoài Thanh - Đỗ Quyên... Họ là những người góp phần xây dựng nên nền tảng sân khấu cải lương Nam Bộ. Thông tin về họ hiện nay không nhiều, phần lớn cũng tam sao thất bản, vì thế tôi muốn làm để mình và khán giả có thêm tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của những nghệ sĩ vang bóng một thời.
Sắp tới, tôi cũng lên kế hoạch thực hiện chương trình truyền hình ở Mỹ, mô phỏng theo kiểu Vầng trăng cổ nhạc trong nước, để vinh danh cải lương trong cộng đồng người Việt xa xứ.
Nghệ sĩ Hồng Loan là con gái của nghệ sĩ Bảo Quốc, cháu gọi cố Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nga là cô. Chị sinh năm 1972. Từ những năm 1985-1986, Hồng Loan xuất hiện trong loạt chương trình truyền hình "Trong nhà ngoài phố". Năm 1991, Hồng Loan đoạt giải tư cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh, do Hội Điện ảnh TP HCM. Chị từng đóng trong các phim như: Kẻ cắp cô dâu, Đảo hải tặc, Hào phú đa tình, Tiền tài và nghệ sĩ... Chị cũng xuất hiện trong vai trò ca sĩ nhạc nhẹ ở các tụ điểm ca nhạc tại TP HCM. Năm 2007, Hồng Loan sang Mỹ du học ngành Quản trị Kinh doanh, sau đó lập gia đình và định cư ở California. Nhiều năm qua, chị hoạt động ở các lĩnh vực như: hát nhạc trẻ, diễn hài, và nổi bật là cải lương. |