Khoảng 11h ngày 23/10, căn biệt thự cổ số 65 Nguyễn Thái Học, nơi sinh sống của nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam thế hệ trước, đã xảy ra hỏa hoạn tại khu vực tầng 1. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố chập điện tại khu vực hành lang tầng 1, vị trí cửa hàng bán khung tranh, khiến lửa lan nhanh.
Gia đình nghệ sĩ Chiều Xuân - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đang sinh sống tại đây. Sau sự cố, con gái nghệ sĩ Chiều Xuân đã chia sẻ về vụ cháy và những nguy hiểm tiềm ẩn ở khu nhà gần 100 tuổi này.
“Đang đi làm, mẹ gọi điện nhà mình cháy rồi con ơi, do chập điện ở nhà khung tranh tầng 1. Rụng rời. Ngày đó cũng đến.
Hơn 7 năm nay, 20 hộ dân cư, toàn người hiền lành, văn nghệ sĩ, trí thức sống tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, trong đó có gia đình tôi hiện phải sống trong nỗi sợ hãi cháy nổ, sập nhà. Do sự lấn chiếm, đập phá tường chịu lực, hạ nền móng của toàn bộ khu nhà, kinh doanh bất chấp pháp luật, đấu nối điện không an toàn và đặc biệt là chiếm dụng toàn bộ khu vực đường đi, không gian chung để làm nơi chứa khung tranh từ gỗ và nhựa nhập từ Trung Quốc của các hộ kinh doanh khung tranh tại tầng một.
Không chỉ có vậy, họ không cho cây xanh được mọc, đổ thuốc sâu làm chết cây phi lao hàng trăm tuổi, chặt cây bằng lăng hàng chục tuổi trước nhà và đổ bê tông để không có bất cứ bóng cây nào được mọc trên khu đất này. ‘Nhà như cởi truồng’, mẹ tôi đùa trong nước mắt.
Đến tấm bảng ghi tên các danh nhân của nền văn học nghệ thuật Cách Mạng Việt Nam như nhạc sĩ Đỗ Nhuận (ông nội tôi), hoạ sĩ Phan Chánh, Trần Đông Lương, Văn Giáo, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Thanh Hương... cũng bị che bởi những đồ trang trí rẻ tiền. Tấm bảng là tấm bảng, nhưng nó còn là cả một niềm tự hào của các thế hệ, của văn hoá và nghệ thuật, những con người đáng kính. Nhưng họ sẵn sàng 'ngồi lên' tất cả.
Mọi đơn từ gửi đi đều vô vọng, mọi cuộc họp đều chìm xuống, mọi kiện tụng đều bị bỏ qua mà không có bất cứ động thái xử lý nào. Uất ức, tức giận, lo sợ là tâm lý hàng ngày của gia đình tôi và 20 hộ dân sống tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Vô vọng, công lý ở đâu, pháp luật ở đâu, ai là người cứu lấy chúng tôi, những người dân lương thiện nhỏ bé, ai cứu lấy một địa chỉ văn hoá và lịch sử của Hà Nội. Hay để đến khi nó sập xuống như nhà ở Trần Hưng Đạo mới vào cuộc, rút kinh nghiệm và lại chìm như biết bao bất công khác của xã hội.
Mẹ tôi, Chiều Xuân, đã phải lao lên bảo vệ cây khi chúng ngang nhiên gọi đội môi trường tới chặt cây. Đó là quá khứ, còn giờ cây cũng đã bị đầu độc héo khô rồi bị chặt hạ cách đây 3-4 tháng.
Khi đám cháy đang cao, người của nhà khung tranh còn dám nói 'Đây là kinh doanh, các hộ gia đình ở đây phải chấp nhận'. Chấp nhận? Kinh doanh trên mạng sống của người khác hay cậy tiền để lũng loạn công quyền? Các người trơ tráo lắm nhưng chúng tôi tin xã hội vẫn còn có công lý và luật quả báo không chờ kiếp sau đâu.
Hãy giúp chúng tôi bảo vệ và lấy lại bình yên cho căn nhà 65 Nguyễn Thái Học, hãy giúp chúng tôi đấu tranh tìm lại công lý. Chúng tôi cần được trả lại diện tích bị lấn chiếm, trồng lại cây xanh lấy bóng mát và giảm ô nhiễm, rà soát lại đường điện đấu nối không an toàn và dựng lại hệ thống tường chịu lực của toàn bộ khu nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội”.
Theo Ngôi Sao