|
Biểu diễn Thái Cực Quyền ở Trần Gia Câu |
Ngày 5/5, phóng viên báo “Đô thị Hoa Tây” tìm đến Trần Gia Câu ở Ôn Huyện, Hà Nam, nơi phát nguyên của môn võ Thái Cực, gặp lão tiên sinh Trần Tất Hoa, người đứng đầu hội đồng Trần Thị gia tộc để tìm hiểu về những vấn đề trong làng võ Thái Cực hiện nay.
Trần lão tiên sinh thẳng thắn: hiện nay những người gọi là “Thái Cực tông sư” phần lớn đều là tự phong. “Trần Gia thu nhận đồ đệ, đều phải xét đến tổ 3 đời, thân thế không minh bạch thì không bao giờ truyền võ công thật”.
“Thái Cực Quyền hiện nay đã mang mùi vị khác!”
Trần Gia Câu thuộc địa phận Ôn Huyện, tỉnh Hà Nam, được đặt tên từ khi thủy tổ của Trần Gia là Trần Bặc đến đây định cư vào thời Hồng Vũ triều đại nhà Minh cách đây đã 800 năm. Cháu 9 đời của Trần Bặc là Trần Vương Đình sáng lập ra Thái Cực Quyền rồi truyền cho người trong Trần Gia Câu, đến nay đã 400 năm.
Ngày nay, tại Trần Gia Câu các lò võ mọc lên như nấm, đền thờ tổ nguy nga, những ngành nghề ăn theo Thái Cực đều phát tài; ngay hiệu cắt tóc trong thôn cũng mang tên “Cắt tóc Thái Cực”. Cả thôn hiện có hơn 400 võ sư dạy quyền, còn các lò võ gia đình thì nhiều không kể xiết. Trần lão tiên sinh thốt lên: “Bây giờ người tìm đến học võ nhiều quá, có cả người nước ngoài mộ danh tìm đến xin học!”.
Đối với Trần Gia Câu, việc phát dương quảng bá Thái Cực Quyền, truyền bá ra cả nước ngoài là niềm vinh dự lớn, làm rạng danh tổ tiên, chắc Trần Vương Đình cũng không thể nào ngờ tới môn quyền thuật ông tự nghĩ ra lúc rảnh rỗi nay lại có ma lực lớn như thế, thu hút được đông người tập luyện đến vậy. Thế nhưng, người đứng đầu hội đồng Trần Thị gia tộc, khi nói về tình hình này lại lắc đầu bất lực: “Thái Cực Quyền được phát triển là điều tốt, cần cảm ơn chính phủ. Nhưng Thái Cực Quyền ngày nay đã biến đổi mất rồi!”.
|
Cổng vào Trần Gia Câu |
|
Đền thờ ông tổ Thái Cực Quyền Trần Gia |
Đối với tôn tộc Trần Thị, Thái Cực Quyền là “quyền pháp gia truyền”. “Gọi là quyền pháp gia truyền, tức là chỉ truyền trong nhà, không truyền ra ngoài, chỉ truyền cho người trong họ” – cụ Trần Tất Hoa nói – nay thì chuyện đã khác, Thái Cực Quyền đã truyền ra toàn thế giới, nhưng truyền thụ quyền pháp vẫn cần phải theo quy tắc.
“Nhiều người tự cho rằng mình học được võ công, thực ra chỉ như sợi lông ngoài da. Bây giờ nhiều người đều xưng là “Đại sư”. Đại sư gì? Trần Trường Hưng là cao thủ lợi hại, được ghi trong tộc phả của chúng tôi mới là “Quyền sư”, còn con trai ông ấy cũng đâu có được là “Quyền sư”, chỉ là “Quyền thủ”. Hiện nay “Đại sư” phần lớn đều tự phong”.
Nhiều người đã tìm đến Trần Tất Hoa, bày tỏ phàn nàn bây giờ những kẻ giương chiêu bài Thái Cực Quyền để lừa đảo có quá nhiều, Trần Gia Câu là nơi phát nguồn Thái Cực Quyền, cụ Trần Tất Hoa là người đứng đầu hội đồng Trần Gia, dù sao cũng phải quản chuyện này.
“Tôi có thể làm gì bây giờ? Tôi làm sao quản được. Theo tổ huấn của chúng tôi, chúng tôi chỉ có thể quản người của mình dạy quyền; những người học Trần Gia Quyền phải xem xét tổ ba đời. Nếu anh học quyền tôi, khi xem xét tôi cũng không nói cho anh biết, nhưng nếu tra xét 3 đời anh có vết xấu thì xin lỗi, anh không bao giờ học được thứ quyền thuật thật của chúng tôi đâu!”.
|
Nhóm tượng luyện Thái Cực Quyền ở Trần Gia Câu |
|
Cổng vào Trần Gia Câu |
Ai nhiều tiền thì công phu cao
Là nơi phát nguồn Thái Cực Quyền, Trần Gia Câu khắp nơi là võ quán, đâu đâu cũng thấy “Thái Cực danh gia”. Theo lời một người trong Ủy ban thôn, bất kỳ một cụ già nào trong thôn cũng có thể đọc thuộc lòng Quyền kinh Thái Cực Quyền; nhưng nhiều “Đại sư” như thế, rốt cục ai có võ công thật, ai võ công cao nhất?
Một ông tên Trần Minh Đức nói với phóng viên: “Hiện nay Trần Gia Câu không như trước đây nữa rồi, ai cũng đều tự cho là võ công của mình tốt. Trước đây cũng có người hỏi tôi giống anh hỏi. Tôi đã nói: ai kiếm được nhiều tiền hơn thì người đó có kungfu cao”.
Trần Minh Đức năm nay đã ngoài 60 tuổi, tự xưng là cháu 19 đời của Trần Thị, nhà ở liền vách với Chu Thiên Tài – một trong “Tứ đại kim cương”. Về tình hình Trần Gia Câu hiện nay, ông có quan điểm riêng. “Trần Gia Câu trước đây võ phong rất thịnh. Trước giải phóng có câu “Uống nước Trần Câu, tay chân ngứa ngáy”, ý nói người Trần Gia Câu chúng tôi ai cũng biết đánh quyền”.
Theo ông, tình hình hiện nay đã khác, khi đó người Trần Gia Câu đơn thuần là thích võ, nên người tập võ nhiều, “nay thì họ đều hướng theo đồng tiền, Thái Cực Quyền Trần Gia muốn nhập môn, có duyên cũng cần ít nhất 3 năm. Nay thì đừng nói 3 năm, chỉ cần học 3 tháng người ta đã có thể về quê mở lò võ, thu nhận đồ đệ”.
Về việc công phu cao thấp ngày nay ở Trần Gia Câu, ông nói không có tiêu chuẩn nào cả: “Nếu nói về công phu, chẳng ai phục ai. Chúng tôi cũng chả có tiêu chuẩn gì, mọi người đều tự cho rằng mình võ công cao”, Khi phóng viên hỏi về “Tứ đại kim cương”, Trần Minh Đức bày tỏ: nổi tiếng chưa chắc đã có võ công cao; có danh chưa chắc đã có công phu; nhưng đó là người biết nói, biết tuyên truyền. Tôi biết trong làng có mấy cụ công phu thâm hậu thật, thực sự có nội công, nhưng họ không có danh tiếng gì, có nói cũng chẳng ai tin”. Ông nói: “Trần Gia Câu bây giờ khác xưa rồi, ai có võ công cao thì xem người đó có kiếm được nhiều tiền không”.
Đối với hiện tượng này, phóng viên cũng hỏi cụ Trần Tất Hoa. Cụ không trả lời, chỉ bày tỏ: hiện nay rất nhiều người Trần Gia Câu kiếm cơm nhờ Thái Cực Quyền. “Trước đây tập quyền không thể đổi lấy cái ăn, nay thì luyện quyền ít ra cũng nuôi sống được bản thân. Thực ra thế cũng tốt, sự phát triển của Thái Cực Quyền cần có người nổi tiếng thúc đẩy, cũng cần đến “Tứ đại kim cương”. Chỉ cần Thái Cực Quyền Trần Gia tiếp tục truyền thụ, không bị đứt đoạn là được”.
|
Cuốn tộc phả Trần Gia |
Thái Cực Quyền Trần Gia chân chính đã không còn
Từ “Thái Cực” xuất phát từ sách “Trang Tử. Đại tông sư”. Lý luận Thái Cực Quyền có ở “Chu Dịch. Hệ từ”. Rất nhiều người nói Thái Cực Quyền là một phái của Đạo môn. Vì vậy nó không liên quan gì đến Trương Tam Phong như trên phim ảnh. Thái Cực Quyền được ghi chép trong sử liệu, bắt nguồn từ Trần Gia Câu, do Trần Vương Đình sáng lập.
Trần Tất Hoa là Chủ nhiệm Hội đồng Trần Thị gia tộc, đồng thời là Hội trưởng Hội nghiên cứu văn hóa Thái Cực Quyền Trần Thị. Đối với Trần Gia Câu, Thái Cực Quyền là bộ mặt, cũng có nội hàm, nhưng bây giờ chỉ còn lại bề ngoài. Cụ ngậm ngùi: “Thái Cực Quyền chân chính đã bị đứt đoạn kể từ sau ngày giải phóng”.
Mùa Xuân năm Hồng Vũ thứ tư triều Minh (1371), Trần Bặc di cư đến một thôn nhỏ ở phía Đông Nam phủ Hoài Khánh, Hà Nam cắt cỏ dựng lều, lập nghiệp. Ông tinh thông 108 loại trường quyền, binh khí, rất được trọng vọng. Khi võ thuật quyền giới của Trần Gia truyền đến cháu đời thứ 9 là Trần Vương Đình thì được phát dương mạnh mẽ.
Tương truyền, Trần Vương Đình từ nhỏ đã thông minh sáng láng, cần cù hiếu học, không chỉ tinh thông tinh túy võ công gia truyền, mà còn đọc hết Bách gia chư tử, thông làu kinh sử, học thức uyên thâm, nên được coi là “Văn sự võ lược giai trác việt ư thời” (giỏi cả văn lẫn võ thời đó). Đời Minh Sùng Trinh, Trần Vương Đình ứng thí khoa cử bị trượt, quy ẩn Trần Gia Câu, sáng lập ra Thái Cực Quyền. Theo lời ông Trần Tất Hoa, Thái Cực Quyền ban đầu là một môn “sát nhân kỹ” (tuyệt kỹ giết người).
Theo Tiền Phong