Võ thuật Trung Quốc và bi kịch 'thần thánh hóa'

Thứ bảy, 06/05/2017, 10:30
Võ thuật truyền thống Trung Quốc bị thần thánh hóa đã để lại ấn tượng thâm căn cố đế trong tâm trí mọi người; khiến rất ít người có thể biết rõ thực chất khả năng của võ thuật truyền thống rốt cục như thế nào?

Võ thuật truyền thống Trung Quốc bị thần thánh hóa trở nên rất thần bí với công chúng

Đoạn video về Từ Hiểu Đông chưa tới 10 giây đã hạ nốc-ao cao thủ Thái Cực Quyền mấy ngày nay đang gây sốt trên mạng Trung Quốc. Từ Hiểu Đông – kẻ tự xưng là “Cuồng nhân” của MMA (võ tự do) đã rêu rao “lột bỏ vỏ bọc giả dối để lộ ra bộ mặt thật” của võ thuật truyền thống Trung Quốc (Wushu), thậm chí chuẩn bị thách thức các cao thủ võ thuật Trung Quốc khác trong 15 ngày tới.

Bất kể kết quả ra sao, thì điều không còn nghi ngờ là Từ Hiểu Đông đã nhóm lửa; còn võ thuật Trung Quốc sau sự kiện “Diêm Phương cách không đả nhân” năm 2012, lại một lần nữa tủi hổ!

Phóng viên gần đây phỏng vấn nhiều nhân sĩ võ lâm, thấy có một điểm chung là: tự thân võ thuật Trung Quốc (Wushu) tồn tại những vấn đề để người ngoài lợi dụng bôi xấu. Muốn tránh được việc bôi xấu, trả lại sự lành mạnh và không gian phát triển tốt đẹp cho võ thuật Trung Quốc thì điều then chốt nhất là họ phải tự gạn đục khơi trong.

Không còn nghi ngờ là Từ Hiểu Đông đã nhóm lửa; còn võ thuật Trung Quốc sau sự kiện “Diêm Phương cách không đả nhân” năm 2012, lại một lần nữa bị sỉ  nhục!

Trước hết, võ thuật truyền thống có tính thực chiến hay không? Không cần bàn cãi, những môn võ thuật nhất định là có tính thực chiến; nhưng thuộc tính này gần nửa thế kỷ qua ngày càng yếu đi. Có nhiều nguyên nhân lịch sử trong đó như: sau khi nước Trung Hoa mới được thành lập, võ thuật từng bị áp chế vì bị coi là thứ cặn bã của xã hội phong kiến.

Võ thuật ở mức nào đó bị xem là nhân tố gây mất ổn định xã hội nên không được coi trọng; cộng với một số điều kiện môi trường để tồn tại và phát huy võ thuật truyền thống, như nhu cầu chống kẻ thù bên ngoài của các gia tộc, bộ lạc, làng xóm, thôn trại cũng không còn (đó là nguyên nhân quan trọng để hình thành các lò võ ở cả nước); nhu cầu địa phương giữ gìn trị an, cá nhân tự bảo vệ phòng thân cũng yếu dần hoặc không còn nữa, thuộc tính đối kháng của võ thuật truyền thống không ngừng suy giảm.

Đồng thời, thuộc tính dưỡng sinh, kiện thân của võ thuật ngày càng mạnh lên, đến nỗi xuất hiện hiện tượng kỳ quái trong võ thuật truyền thống: ngày nay tập võ, luyện võ chủ yếu là người già; còn trong lịch sử lực lượng chủ yếu chính là trung, thanh niên.

Thứ hai, sức mạnh của võ thuật truyền thống Trung Quốc trong các tác phẩm văn học, điện ảnh được phóng đại quá mức, khiến công chúng ngộ nhận nghiêm trọng. Không thể phủ nhận, các tiểu thuyết võ hiệp, phim ảnh kungfu có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền, quảng bá võ thuật; nhưng cũng đưa nó lên đến mức thần thánh. Võ thuật bị thần thánh hóa đã để lại ấn tượng thâm căn cố đế trong tâm trí mọi người; khiến rất ít người có thể biết rõ thực chất khả năng của võ thuật truyền thống rốt cục như thế nào?

Thứ ba, võ thuật truyền thống Trung Quốc bị thần thánh hóa trở nên rất thần bí với công chúng, nhưng trong nội bộ làng võ lại có một thế lực muốn đề cao sự thần bí đó. Sự tồn tại "thần công" đã tạo cơ hội lừa đảo để kiếm tiền cho một số “đại sư” trong giới võ thuật truyền thống. Nhưng tài năng của họ không qua được sự kiểm nghiệm chân lý, như việc “đại sư dưỡng sinh Trung y” Trương Ngộ Bản bị lật tẩy mấy năm trước đây, hay video “Thái cực gia mạnh nhất” Diêm Phương “cách không đả nhân” bị dư luận chỉ trích; cuối cùng chịu hại chính là văn hóa truyền thống và hình ảnh của võ thuật Trung Quốc.

Thứ tư, mỗi loại võ công đều có đặc điểm riêng, vốn không tồn tại luận điểm cho thể loại nào mạnh nhất. Võ thuật truyền thống Trung Quốc cũng chỉ bình đẳng như các thể loại khác. Một “cuồng nhân” MMA hạ nốc-ao một võ sư nổi tiếng, chỉ có thể là sự thắng thua giữa hai cá nhân, chứ không thể lấy đó để chứng tỏ sự cao, thấp giữa hai loại võ công. Đương nhiên, cũng có một vấn đề đặt ra trước mặt mọi người là cần xem xét khả năng quyền thuật của võ thuật với một tâm thế bình thường.

Thứ năm, võ thuật mang nặng tâm huyết bao đời của người Trung Quốc; giá trị quan trọng nhất của việc kế thừa và phát huy võ thuật là giúp thêm nhiều người nhận thức rõ, yêu mến và học, tập võ thuật. Võ thuật là quốc túy của Trung Quốc; tập hợp sự đi sâu nghiên cứu và tổng kết mấy ngàn năm của người Trung Quốc về tu thân (võ đức), dưỡng sinh (triết học), công pháp (quyền thuật), là nghệ thuật chiến đấu mang đặc tính văn hóa rất rõ.

Ngày nay tập võ, luyện tập võ thuật truyền thống chủ yếu là người già

Ngày nay, khi các môn phái võ thuật nước ngoài ồ ạt du nhập vào Trung Quốc; đồng thời tình trạng thể chất của thanh thiếu niên Trung Quốc sa sút đến mức đáng lo ngại, võ thuật truyền thống có sức khơi gợi, thức tỉnh tính máu lửa ẩn sâu trong linh hồn người Trung Quốc, nhưng vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Thứ sáu, việc liên tiếp xảy ra những sự kiện bị sỉ nhục đã dồn võ thuật truyền thống Trung Quốc đến bước đường cùng, không thể lùi thêm. Võ thuật truyền thống cần phải cải cách. Gỡ bỏ sự thần bí, dùng mô thức thể thao hiện đại để phát triển hệ thống với tổ chức minh bạch, công bằng và quy chuẩn hóa là việc cấp bách của võ thuật truyền thống Trung Quốc. Tương lai của võ thuật truyền thống Trung Quốc không thể trông chờ vào việc được “gia nhập các môn thi đấu Olimpic”, nhấn mạnh việc tỷ thí quyền thuật, cũng không thể hoàn toàn dựa vào cục diện tự sinh tự diệt, năm bè bảy mối hiện nay.

Võ thuật truyền thống Trung Quốc đồng thời với việc cần giữ được sự đa dạng nhiều môn phái trăm nhà đua tiếng hiện nay; cần phải chắt lọc ra tinh túy về hạng mục và văn hóa chung để làm nên quy định, chuẩn tắc chung; trên cơ sở đó, dùng phương thức giáo dục hiện đại, khoa học, kết hợp võ thuật truyền thống với giáo dục nhân cách, đạo đức, thể chất và văn hóa truyền thống cho thanh thiếu niên; bằng phương thức phát triển phong trào tiêu chuẩn hóa, hiệp hội hóa, khôi phục và phát triển thuộc tính quyền thuật của võ thuật truyền thống, bồi dưỡng phẩm chất huấn luyện viên, xây dựng hệ thống thi đấu, để võ thuật truyền thống – thứ quốc túy Trung Quốc – thực sự có đầy đủ điều kiện và môi trường để phát triển.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn