Truyền hình thực tế Việt thời bão hòa: 'Hết nạc vạc đến xương'

Thứ năm, 13/07/2017, 08:57
Giám khảo không chuyên ngày càng nhiều, người chơi "nhẵn mặt", MC cũng chỉ quanh quẩn vài cái tên cũ. Giữa thời bão hòa, game show Việt sống trong cảnh "hết nạc vạc đến xương".

Khoảng bốn năm trở lại đây, truyền hình thực tế ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt các game show âm nhạc, hài và thời trang được mua bản quyền, Việt hóa và trở thành “món ăn” hấp dẫn khán giả cả nước.

Cục diện truyền hình thay đổi, những cuộc thi âm nhạc nặng tính chuyên môn giảm dần sức hút, nhiều trò chơi truyền hình mang thương hiệu của nhà đài cũng dừng sản xuất. Với chủ trương xã hội hóa, các đơn vị tư nhân - công ty truyền thông tham gia nhiệt tình vào việc sản xuất các chương trình truyền hình.

Game show như "nấm mọc sau mưa", các nhà sản xuất phải tìm đủ mọi "chiêu trò" để thu hút dư luận, thậm chí dàn dựng cả scandal. Cuộc chiến rating bắt đầu nổ ra.

Giám khảo game show gần như là một nghề đối với nghệ sĩ.

Để chương trình của mình được chú ý, đơn vị tổ chức sẵn sàng chi tiền "khủng" để mời những gương mặt giải trí, ngôi sao ăn khách với đủ vai trò, từ giám khảo, huấn luyện viên đến MC và thí sinh.

Thuở ban đầu, "bài toán" này mang lại hiệu quả tốt. Những nghệ sĩ như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà hay Trấn Thành, Trường Giang, Thanh Bạch lần đầu xuất hiện trong truyền hình thực tế đều tỏ ra duyên dáng, mới mẻ.

Nhưng khi đã đến mức "tuần chay nào cũng có nước mắt", khán giả không khỏi ngán ngẩm.

Nhiều nghệ sĩ vắt kiệt sức làm giám khảo, MC

Mới đây, thông tin Đại Nghĩa tham gia gần 15 game show chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 khiến không ít người bất ngờ. Một nghệ sĩ không thực sự nổi trội ở lĩnh vực gì, vốn xuất thân là diễn viên sân khấu sau chuyển sang MC lại đang phủ sóng truyền hình với đủ vai trò từ giám khảo đến MC.

Nhiều người đặt câu hỏi "Đại Nghĩa gặp thời hay vì game show đã không còn lựa chọn nào khác?" Nhưng Đại Nghĩa không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó, Trấn Thành và Trường Giang cũng xuất hiện dày đặc trên truyền hình.

Trong năm 2016, thống kê cho thấy hai diễn viên hài này có mặt trong khoảng 15 game show, cũng với đủ thể loại vai trò.

Một trường hợp tương tự là Hoài Linh. Hiện nay, danh hài đã bắt đầu giảm tần suất hiện diện trên truyền hình. Nhưng một thời gian dài, anh gần như "phủ sóng" tràn ngập.

Khán giả mở kênh nào cũng thấy Hoài Linh, từ chấm thi hát đến giám khảo chương trình hài. Thậm chí, nam nghệ sĩ còn làm cả MC dù bị nhiều người cho là không phù hợp.

Những ví dụ điển hình cho thấy nhiều nghệ sĩ đã và đang vắt kiệt sức lực để kiếm tiền tỷ cát-xê từ game show. Và ngược lại, game show cũng lợi dụng những gương mặt ăn khách để thu hút công chúng.

Một chuyên gia truyền thông nhận định với Zing.vn: "Trong cuộc chiến rating, giám khảo cũng là một quân cờ của đơn vị tổ chức". "Hết nạc vạc đến xương", những nghệ sĩ đủ độ "nóng" để ngồi ghế nóng đều được các nhà sản xuất tìm đến.

Tất nhiên cũng có không ít nghệ sĩ sẵn sàng từ chối. Chế Linh không nhận lời vì cho rằng game show chỉ là "trò chơi", Xuân Hinh lấy lý do "không có thời gian", còn Tùng Dương thì bảo kết quả truyền hình thực tế nhiều khi không minh bạch.

Trước những lời khước từ của một bộ phận nghệ sĩ, các đơn vị sản xuất tìm đủ cách để "lấp đầy" ghế nóng: mời những gương mặt cũ còn ăn khách, đẩy những nghệ sĩ trẻ lên ghế nóng bất chấp dư luận trái chiều. Ngoài ra, việc ký hợp đồng để những nghệ sĩ có tiếng ở hải ngoại về nước tham gia game show cũng được coi là một hướng đi.

Những "lật mãi cũng hết", nhà sản xuất bắt đầu mời cả những giám khảo trái chuyên môn trên ghế nóng. Diễn viên hài chấm cuộc thi hát mà đơn cử là Việt Hương chấm thi Siu Black đã chẳng còn là chuyện xa lạ. Dư luận cứ tranh cãi, còn đơn vị tổ chức và nghệ sĩ luôn biết cách biện bạch vì "há miệng mắc quai".

Nói như nhạc sĩ Phú Quang "Đã đến lúc cần phải thiết lập trật tự trong âm nhạc vì có những người hát chưa rành một nốt nhạc nhưng cũng ngồi làm giám khảo".

Thí sinh: Tài năng thì hiếm, 'thân quen' thì nhiều

Giám khảo khan hiếm đã đành vì số lượng nghệ sĩ đủ khả năng chấm điểm hoặc đủ "thương hiệu" để ngồi ghề nóng vốn không nhiều. Nhưng giữa cơn bão game show  - truyền hình thực tế, thí sinh tài năng cũng không phải như "lá mùa thu".

Sau những "hiện tượng" như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Quang Anh, Phương Mỹ Chi... các cuộc thi hát không còn sức hấp dẫn vì format cũ, thí sinh nhạt nhòa, giọng hát không nổi trội.

Ba quán quân The Voice các mùa gần đây là Thảo My, Đức Phúc và mới nhất là Ali Hoàng Dương đều không phải là những cái tên được công chúng và truyền thông săn đón. Rời khỏi cuộc thi, họ khá loay hoay trên con đường âm nhạc và có nguy cơ bị bị quên lãng vì thiếu sản phẩm ấn tượng.

Bên cạnh đó, ở một khía cạnh khác, với tư tưởng "game show là nhà", nhiều thí sinh thất bại ở sân chơi này, ngay lập tức chuyển sang sân chơi khác để tìm kiếm cơ hội được nổi tiếng. Không khó để người xem nhận ra những gương mặt quen thuộc đi từ game show này đến cuộc thi nọ.

Thời gian gần đây, Quốc Thiên tham gia khá nhiều chương trình truyền hình như Sao nhập ngũ, Gương mặt thân quen. Ảnh: BTC.

Bình luận với Zing.vn, ca sĩ Quang Minh - trưởng nhóm Oplus (Á quân X Factor 2014) - cho biết sự lặp lại này chính là một trong những lý do khiến truyền hình thực tế bão hòa.

"Qua theo dõi nhưng cuộc thi gần đây, không khó để nhận ra sự lặp lại của những gương mặt quen thuộc. Tôi nghĩ bản thân đời sống âm nhạc của Việt Nam một năm cũng không thể tìm kiếm được những gương mặt thực sự. Do vậy, sự bão hòa là khó tránh. Hy vọng các đơn vị sản xuất, nhà đài sẽ chú ý hơn nữa để phát hiện những bạn trẻ tài năng thực sự”, trưởng nhóm Oplus nói.

Không chỉ thí sinh "thân quen", mà ngay cả các nghệ sĩ đã được công chúng biết đến, có khán giả riêng của mình cũng xuất hiện trong game show nhan nhản như một cách để hâm nóng tên tuổi.

Từ các cuộc thi hát như Gương mặt thân quen, The Remix, Sing My Song đến các game show hài, toàn những gương mặt "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

"Hết nạc phải vạc đến xương", nhưng xem ra "xương" cũng sắp không còn sức hấp dẫn với công chúng. Truyền hình thực tế sẽ đi vào đâu khi mà thực tế đang nằm vỏn vẹn trong hai câu thơ của thi sĩ Huy Cận: "Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu/ Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người"?

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích