|
Đạo diễn Ngụy Minh Khang bị nhiều người cho là 'thần kinh không bình thường' vì tốn nhiều tiền và thời gian để làm một bộ phim chỉ để xin lỗi chú chó đã chết của mình |
Diễn viên, đạo diễn trẻ tuổi Ngụy Minh Khang là học trò của NSND Hồng Vân và Minh Nhí. Ngoài ra, Ngụy Minh Khang cũng theo học võ từ NSND Lý Huỳnh - cha ruột của diễn viên Lý Hùng. Học về kịch nhưng sản phẩm chỉn chu đầu tay của đạo diễn 9X lại là một bộ phim điện ảnh. Sản phẩm có nội dung được lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật trong chính cuộc đời của tác giả. Ngụy Minh Khang chia sẻ từng bị mất trộm một chú chó tên là Phèn cách đây 6 năm.
Chú chó này rất được anh yêu thương. Tuy nhiên, một ngày nọ thú cưng trung thành của anh đã bị bọn “cẩu tặc” trộm mất. Chính xác hơn là con vật đã bị cướp vì nó bị kéo lê trên đường nhựa ngay trước mắt chủ nhân. Hình ảnh vật nuôi thân thiết như một thành viên trong gia đình kêu gào thảm thiết khi bị đánh và kéo lê trên đường đến bê bết máu khiến Ngụy Minh Khang ám ảnh. Từ đó anh quyết tâm làm một tác phẩm chân thực như một sự chuộc lỗi với chú chó Phèn năm đó.
Kẻ trộm chó kể về hành trình của hai nhân vật là Ghẻ và Đen với hai hoàn cảnh, tính cách và số phận khác nhau. Vì những xô đẩy của cuộc đời mà phải tha hóa trở thành hai kẻ trộm chó chuyên nghiệp. Tuy nhiên sâu thẳm trong thâm tâm của những mảnh đời nghèo khó đó vẫn là bản chất lương thiện và khát vọng sống mãnh liệt. Sản phẩm có sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng như: Lý Hùng, NSND Hồng Vân, Mạc Can, Trương Mỹ Nhân, Hứa Minh Đạt, Phương Khánh...
Đoàn làm phim Kẻ trộm chó giao lưu cùng báo chí, khách mời trong ngày ra mắt. Nhiều diễn viên và thành viên trong ê-kíp chia sẻ mình cũng từng là nạn nhân của ''cẩu tặc'' |
* Chào đạo diễn Ngụy Minh Khang! Việt Nam là một trong những quốc gia tại châu Á vẫn còn người ăn thịt chó, khi anh làm phim về đề tài nhạy cảm như nạn trộm và ăn thịt chó như vậy có ngại phải chịu ý kiến trái chiều?
Đạo diễn Ngụy Minh Khang: Tôi xin giải thích là tôi không có ý lên án người ăn thịt chó. Góc khai thác của tôi trong sản phẩm này là vấn nạn trộm chó tại các quốc gia châu Á hiện nay. Người ta ăn uống gì là quyền của họ, tuy nhiên tôi muốn mọi người nên cân nhắc về nguồn gốc của món ăn mà mình bỏ vào miệng. Có một sự thật mà mọi người phải thừa nhận là mỗi ngày có hàng ngàn con chó được tiêu thụ nhưng hầu hết số chó đó là bị “câu trộm”.
Thậm chí có một người trộm chó tại Việt Nam còn thừa nhận trong một phóng sự được trình chiếu ở nước Anh là mình đã bắt hơn ba ngàn con chó trong 10 năm. Bạn thử tưởng tượng ở nước ta có bao nhiêu kẻ trộm động vật và có phải đã có hàng triệu chú chó bị bắt trộm hay không? Có thể miếng thịt thơm ngon mà ai đó vừa bỏ vào miệng là một con thú cưng, một người bạn đồng hành của một người khác và họ đang đau đớn biết chừng nào.
Khi tôi bị mất Phèn, tôi đã bị trầm cảm suốt hơn một năm trời và nỗi đau đó vẫn còn dai dẳng đến tận bây giờ. Có thể nhiều người sẽ nói hơi tào lao khi chỉ vì một con chó mà như vậy. Tuy nhiên, đối với những người yêu chó thì điều đó thật sự là một nỗi mất mát to lớn. Tôi cũng nghe qua tâm sự của một người bạn thời phổ thông từng đi trộm chó. Tôi hiểu được những lý do và cả những góc khuất thầm kín của người làm nghề bị xã hội lên án này.
Tôi làm phim Kẻ trộm chó không phải chỉ để ''trả nợ'' cho Phèn mà còn là một lời cảnh tỉnh và một hành động giúp mọi người có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề trộm thú cưng nhức nhối vẫn tồn tại hàng thế kỷ qua tại Việt Nam. Vì những lý do chính đáng đó, tôi không sợ bị ý kiến trái chiều.
* Nhiều người nói sản phẩm của anh là “ăn theo” quy định bắt chó thả rông đang khá hot trong dư luận những ngày qua?
Rất nhiều người đã liên hệ với tôi để hỏi câu này. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định là tất cả chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bộ phim đã được khởi quay từ hồi tháng 2, tháng 3 và thậm chí nó được chuẩn bị và lên ý tưởng từ 5-6 năm trước thì làm sao mà là một sản phẩm “ăn theo” sự kiện mới xảy ra vài ngày nay được. Trước đó tôi cũng không hề biết trước việc gì, tôi chỉ làm theo bản năng thôi. Tôi nhấn mạnh là bộ phim này tôi làm không vì một mục đích nào khác ngoài việc trả món nợ cho “người bạn” bốn chân của tôi.
* Nuôi ước mơ làm phim chỉ vì một chú chó bị trộm từ ngày còn cắp sách đến trường, anh có gặp nhiều khó khăn khi kiên trì thực hiện mong ước này?
Lúc tôi còn nhỏ tôi đã bị tai nạn và bệnh nặng đến mức rơi vào cảnh thập tử nhất sinh nhiều lần. Bác sĩ đã nói với cha tôi rằng nuôi tôi cho dù có sống đầu óc cũng sẽ không được bình thường, không ăn học được gì đâu. Từ lý do đó mà mọi người, ngay cả người nhà cũng luôn có định kiến về trí tuệ của tôi. Thậm chí lúc nhỏ tôi chơi và đánh nhau với bọn trẻ con trong xóm cũng bị cha mẹ của họ chửi là: “Mày chơi với thằng khùng đó làm gì, nó khùng đó mày có biết không?”. Khi nghe được như vậy thì tôi rất ức chế nhưng không biết phải làm như thế nào.
Học xong phổ thông cha bắt tôi thi vào ngành xây dựng. Nhưng tôi đã cầu xin ông rằng cho tôi đi học nghệ thuật để làm một bộ phim về nạn trộm chó xong thì tôi sẽ sống như ông muốn chứ không tôi không sống nổi. Mọi người nghe vậy thì chửi tôi là điên khùng, tào lao vì một con chó mà hủy hoại cuộc đời… Người nhà thôi mà đã không chấp nhận được rồi thì bạn nghĩ đi bên ngoài họ có nhẹ lời với tôi không (cười).
Diễn viên gạo cội Mạc Can vào vai ông lão ăn mày mù bị nhân vật do Ngụy Minh Khang thủ vai bắt mất con chó dẫn đường |
* Ngụy Minh Khang đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?
Tôi dùng nhiệt huyết và sự nghiêm túc của mình để thuyết phục mọi người. Sau khi thấy quyết tâm của tôi thì cha đã cho tôi thử sức. Tôi cũng nhận được sự đồng cảm của các thầy cô ở trường nghệ thuật. Anh Lý Hùng còn đứng ra sản xuất, kêu gọi nhà tài trợ… nói chung là tôi đã khá may mắn. Tôi không nghĩ là có nhiều đạo diễn trẻ gặp được sự may mắn như vậy. Tôi rất biết ơn mọi người.
"Tôi biết khi mình đóng vai chính và kiêm luôn đạo diễn sẽ bị mang tiếng là háo danh. Tuy nhiên, tôi không hề có tư tưởng nhờ bộ phim này để có tên tuổi. Tôi đóng vai chính vì kịch bản được tôi viết, đó là câu chuyện tôi từng trải nghiệm thì cảm giác sẽ thật hơn, sinh động hơn". Đạo diễn Ngụy Minh Khang |
* Sao anh không thử sức ở những kịch bản remake như trào lưu làm phim hiện nay?
Tôi không phải là một nhà đầu tư, càng không có đam mê làm phim. Tôi làm Kẻ trộm chó như một cách trút đi gánh nặng lỗi lầm với con chó Phèn của mình và tôi muốn đó là câu chuyện của mình. Mặt khác tôi nghĩ khi mình còn trẻ thì phải dám nghĩ dám làm, phải làm những điều mới và biết hy vọng. Bộ phim có kinh phí là 10 tỉ đồng. Trong đó có đến hơn 400 triệu là do gia đình và tôi bỏ tiền túi ra dốc tâm làm nhưng tôi không đặt ra kỳ vọng lấy lại vốn. Tôi chỉ mong nó có thể suôn sẻ ra đời, được mọi người đón nhận và truyền tải trọn vẹn thông điệp nhân văn của mình là đủ.
* Vừa làm đạo diễn vừa đóng luôn vai chính, anh có nghĩ mình đã gánh vác quá nhiều?
Tôi biết khi mình đóng vai chính và kiêm luôn đạo diễn sẽ bị mang tiếng là háo danh. Tuy nhiên, tôi không hề có tư tưởng nhờ bộ phim này để có tên tuổi. Tôi đóng vai chính vì kịch bản được tôi viết, đó là câu chuyện tôi từng trải nghiệm thì cảm giác sẽ thật hơn, sinh động hơn. Tất cả dụng ý chỉ có như thế, nếu may mắn tôi được mọi người đón nhận thì đó chỉ là một kết quả kéo theo. Nói thế này cho dễ hiểu, việc tôi đóng vai chính giống như một người mua thuốc đau đầu nhưng uống vào sẽ dẫn theo một triệu chứng phụ là buồn ngủ. Thì việc mua thuốc đó là để trị đau đầu và hệ quả kéo theo là bị buồn ngủ chứ không phải mua thuốc đau đầu để được… buồn ngủ.
* Trong quá trình làm phim có kỷ niệm nào đáng nhớ với anh không?
Mọi cảnh quay trong phim đều để lại trong tôi nhiều điều khó quên. Tuy nhiên nội dung phim được lấy từ một hồi ức buồn của chính mình nên tôi đã đối mặt với nó không hề dễ dàng gì. Các phân cảnh giết chó, làm thịt trong lò mổ hoàn toàn là cảnh thật và tôi và đoàn làm phim đã mất rất nhiều thời gian thuyết phục được một tiệm bán thịt chó tại Củ Chi (TP.HCM) cho quay. Những chú chó trong phim, ngoài con chó chính là được tôi nuôi từ hai năm trước thì có 4 con là được chuộc ra từ lò mổ.
Khi tôi đến nơi để chọn 4 chú chó đó thì ở đó có hơn 50 con chó ùa ra. Con nào cũng vẫy đuôi mừng vì hầu hết chúng đều là thú cưng bị bắt trộm, ánh mắt của các chú chó khi nghĩ mình là chủ nhân của nó như khẩn khoản xin mình cứu vậy. Tôi đã rất khó xử, rất cắn rứt và phải bỏ ra ngoài xin người bạn đi cùng vào chọn hộ vì quá đau lòng. Tôi biết, những chú chó không được chọn chắc chắn sẽ bị giết và thật sự sau đó khi chúng tôi quay lại đón 4 chú chó được chọn thì những con còn lại đều đã không còn.
Ngay cả chú chó tôi nuôi hai năm để đóng vai chính trong phim cũng lăm le bị bọn trộm chó “me” bắt nhiều lần. Tôi đã ám ảnh đến mức nghĩ rằng nếu ngay cả chú chó này cũng không còn chắc tôi sẽ bỏ cuộc mất. Vì kể từ sau cái chết của Phèn, tôi gần như không dám nuôi thêm con vật nào nữa vì sợ sẽ lại bị trộm.
Diễn viên Phương Khánh phải đi học ngôn ngữ của người câm điếc một tháng để thủ vai cô người yêu bán hột vịt lộn bị câm của Ngụy Minh Khang trong phim |
Top 4 The Face 2017 - Trương Mỹ Nhân cũng thủ một vai nhỏ trong Kẻ trộm chó |
* Nhà văn Trác Thúy Miêu từng cho rằng ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi mà còn nhiều người sống ở mức nghèo khó, bình dân thì những người dân đó xem việc bảo vệ thú cưng là việc làm xa xỉ và làm tổn thương, xúc phạm quyền con người. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Chị Trác Thúy Miêu là một đàn chị đi trước và có nhiều kinh nghiệm nên tôi không dám bình luận gì thêm. Tuy nhiên ở vai trò của một người yêu động vật tôi nghĩ rằng khi bạn xác định nuôi một con vật, thì bạn sẽ là cả một bầu trời với nó, quyết định cuộc đời nó. Vì lẽ đó nếu không nuôi thì thôi, chứ nếu nuôi bạn phải có trách nhiệm bảo vệ, yêu thương và chăm sóc nó như một thành viên trong gia đình.
* Anh có ủng hộ luật bắt giam chó thả rông, không rọ mõm hiện nay không?
- Tôi luôn tin tưởng vào luật pháp. Tuy nhiên, về việc những chú chó sau 72 giờ không được chủ đến nhận sẽ bị mang đi tiêu hủy thì tôi nghĩ làm như vậy là có chút tàn nhẫn và cứng nhắc. Chúng ta nên có hướng giải pháp ôn hòa, nhân văn hơn như là nếu chủ không đến nhận thì nên gửi nó đến các trạm cứu hộ động vật và tìm chủ mới cho chúng chẳng hạn, kỳ thực thì với những chú chó khỏe mạnh thì việc tìm chủ là khá khả quan.
Hoặc là cũng có những chú chó chủ đi làm xa hoặc quá bận thì 72 giờ có khi người ta không kịp đến nhận thì thời gian phải linh động hơn. Việc một con chó được thả rông, không rọ mõm ngoài đường không phải lỗi của nó mà là lỗi của người nuôi. Chỉ vì lỗi của chủ nhân mà đem chó đi tiêu hủy thì có chút không hợp lý lắm. Và tôi mong là thông qua đó mọi người khi nuôi thú cưng thì cũng nên quan tâm, cảnh giác và có trách nhiệm với chúng nhiều hơn.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo Thanh Niên