Nước mắt nghệ sĩ Hãng phim truyện VN: Xót xa

Thứ hai, 25/09/2017, 17:27
Khi cổ phần hóa DNNN phải tính đến những lĩnh vực đặc thù và cần có quy định cụ thể, rõ ràng.

Liên quan đến những ồn ào xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, trao đổi với PV, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều hoan nghênh việc Chính phủ sẽ thanh tra lại quá trình cổ phần hóa đơn vị này.

Theo bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII (TP.Hà Nội) cho hay, thời gian qua, quá trình cổ phần hóa DNNN còn tồn tại nhiều vấn đề, mà lớn nhất là làm thất thoát tài sản Nhà nước do định giá không đúng, thiếu minh bạch ngay từ khâu định giá bao nhiêu, chọn thầu, phê duyệt thầu, cuối cùng có khi chỉ những người quen nhau mới mua được và mua được rẻ.

Trở lại câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, bà An nhấn mạnh, chính việc định giá không chuẩn, không minh bạch mới dẫn đến những bức xúc của các cổ đông, văn nghệ sĩ trong hãng.

"Khi cổ phần hóa DNNN, có giá trị hữu hình và giá trị vô hình, vậy những giá trị vô hình như thương hiệu, vị trí đất đai đánh giá thế nào? Nếu tính bằng tiền thì tính thế nào được? Những cái này đòi hỏi phải người có tầm mới định giá được và phải đưa vào luật.

Từ câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, phải rút kinh nghiệm trong việc định giá, phải minh bạch và chuẩn, cái gì là giá trị vật chất thì phải tương xứng với giá thị trường, ai được mua...

Riêng đối với những đơn vị liên quan đến giá trị về mặt tinh thần, có giá trị vô hình thì phải xem ai là người đủ tư cách để mua, mua phải phát triển lên được. Có người nói tiền mua tiên cũng được, nhưng tôi cho rằng tiền không mua được tất cả", bà Bùi Thị An nói.

Cơ sở Hãng phim truyện Việt Nam xuống cấp, nhiều năm không được đầu tư

Bà chia sẻ, bản thân cũng xót xa khi nhìn những giọt nước mắt của các nghệ sĩ khi thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam được định giá 0 đồng.

"Tôi cũng là người làm khoa học và cũng thấy không ít DNNN hoạt động trong lĩnh vực khoa học rơi vào tình trạng tương tự.

Một tác phẩm điện ảnh ra đời có khi còn có tác dụng hơn cả một trận đánh, giáo dục tư tưởng, làm người ta khí thế lên, yêu cuộc sống, yêu lý tưởng hơn, hăng hái lao động hơn... Đó là giá trị vô hình.

Dĩ nhiên, đã là cơ chế thị trường thì phải cố gắng để cho thị trường chấp nhận, nhưng chưa chắc giá đắt đã là có giá trị hơn về mặt vô hình.

Bởi vậy, tôi rất mừng khi thấy Chính phủ chỉ đạo sát sao. Thị trường thì thị trường nhưng phải định giá cho đúng bởi có những giá trị vô hình của doanh nghiệp đôi khi không thể tính được bằng tiền.

Muốn định giá những giá trị vô hình đòi hỏi phải là người có tầm. Ai là người có quyền mua? Khi đấu thầu, người thắng thầu phải hội đủ nhiều điều kiện khác, chứ không chỉ tiền", bà Bùi Thị An lưu ý.

Chia sẻ quan điểm với bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIV Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng chỉ ra rằng các quy định pháp luật về cổ phần hóa vẫn còn nhiều bất cập và nhiều vấn đề chưa có nghiên cứu tổng quát, đánh giá cụ thể.

"Nhiều vấn đề nổi cộm đặt ra trong quá trình cổ phần hóa DNNN, nhất là đối với những lĩnh vực đặc thù như phim ảnh. Chẳng hạn, định giá thương hiệu, giá trị quyền sử dụng đất như thế nào, cam kết của chủ đầu tư mới khi cổ phần hóa.

Chủ đầu tư mới bỏ tiền ra mua lại doanh nghiệp thì họ phải được quyết định thế nào, độc lập ra sao hay Nhà nước vẫn lại điều chỉnh, họ có bắt buộc phải sản xuất kinh doanh theo doanh nghiệp cũ không?

Với Hãng phim truyện Việt Nam chẳng hạn, chủ đầu tư liệu có bắt buộc phải làm phim, có thể chuyển hướng kinh doanh mặt hàng khác nếu không làm nổi phim? Đó là một số vấn đề cần xem xét tổng thể và tính toán kỹ", Đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, vị ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất, khi cổ phần hóa DNNN phải tính đến những lĩnh vực đặc thù và cần có các quy định rõ ràng, cụ thể.

Ví dụ,  lựa chọn nhà đầu tư thế nào, phương hướng kinh doanh sau này ra sao... Khi nhà đầu tư lựa chọn thì phải chấp nhận quy định ấy. Nếu nhà đầu tư mua và sau này không đáp ứng quy định ấy thì có thể sẽ phải chấp nhận đào thải.

"Hiện cổ phần hóa DNNN mới chỉ tính đến chuyện Nhà nước thu hồi lại vốn cho ngân sách nhưng đó mới chỉ là một mặt. Còn vấn đề thương hiệu, văn hóa, truyền thống... những cái đó Nhà nước có đầu tư nữa hay không?

Trường hợp hãng Mosfilm của Nga là một ví dụ. Đây là hãng phim tiêu biểu thời Liên Xô cũ, từng ra cho đời nhiều tuyệt phẩm điện ảnh. Họ không dễ dãi cổ phần hóa mà mạnh dạn cải tổ. Đặc biệt, Chính phủ Nga đã thông qua khoản kinh phí 500 triệu USD từ năm 2015-2018 để Mosfilm thực hiện giấc mơ xuất khẩu phim Nga.

Bởi vậy, một lần nữa tôi nhấn mạnh, khi cổ phần hóa phải tính đến những lĩnh vực đặc thù, tránh đánh đồng mọi thứ khiến tạo ra hiệu ứng không tốt. Không thể chỉ vì thấy doanh nghiệp khó khăn về vốn, có một nhà đầu tư bỏ vốn vào là ưng ngay.

Đây là bài học của các cơ quan chủ quản, nhất là lĩnh vực đặc thù cần phải có quy định cụ thể, chi tiết, thậm chí nếu cần Nhà nước vẫn phải đầu tư", Đại biểu Bùi Văn Xuyền chỉ rõ.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích