'Lễ cúng Tổ nghề của nghệ sĩ Việt đúng đạo lý'

Thứ năm, 12/10/2017, 09:33
Ông Lê Tiến Thọ cho rằng việc lập bàn thờ Tổ và nghi thức cúng Tổ nghề sân khấu là truyền thống lâu đời, tới nay vẫn được thực hiện trang nghiêm.

Sau đợt cúng Tổ nghề sân khấu (ngày 12/8 âm lịch), có ý kiến cho rằng nghệ sĩ mạnh ai nấy xây nhà thờ Tổ, làm nhiều lễ giỗ Tổ nghề, dẫn tới tình trạng “loạn nhà thờ Tổ”, “loạn lễ giỗ Tổ”. Trước thông tin trên, ông Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – đưa ra quan điểm.

Từ trái qua: ông Lê Tiến Thọ, thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, NSND Chu Thúy Quỳnh dâng hương Tổ nghiệp.

- Ông thấy hoạt động giỗ Tổ nghề sân khấu được thực hiện như thế nào trong năm qua?

- Trong Nam thì ở xa, còn ở Bắc thì chúng tôi cũng biết các hoạt động này. Thông qua trang mạng xã hội của các cá nhân nghệ sĩ, thông qua báo chí, và quan sát trực tiếp, tôi thấy lễ giỗ Tổ đã sôi động, tạo được không khí hướng tới tổ nghiệp đúng vào ngày mà Nhà nước công nhận là ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch hàng năm).

- Theo ông, ngày lễ giỗ Tổ nghề có ý nghĩa như nào với các nghệ sĩ?

- Ngày lễ giỗ Tổ này có truyền thống lâu đời. Trước ngày giỗ Tổ khoảng 2-3 ngày, những vùng có ban sân khấu, câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật sân khấu bao giờ cũng tổ chức chương trình hướng về ngày giỗ Tổ.

Ở những đoàn nghệ thuật ngày xưa, trong gánh hát họ đi biểu diễn lưu động bao giờ người ta cũng có một bàn thờ Tổ. Bàn thờ ấy hàng đêm được đặt ở cánh gà sân khấu trước đêm diễn.

Diễn viên trước khi bước ra sân khấu bao giờ cũng chắp tay, vái Tổ, để Tổ phù hộ cho.

Bên cạnh đó, họ còn có một số quy định như, người bước ra sân khấu không được mang quả thị, rồi người đánh trống, hai dùi trống phải đặt xa nhau chứ không để sát vào nhau. Hoặc người đóng vai thần, vai thánh, là phải giữ cho mình sạch trước khi biểu diễn…

Một số quy định như vậy để người làm nghề phải có sự tôn trọng. Đó là những quý định cho việc thờ tự, tôn trọng Tổ nghề.

- Lễ giỗ Tổ có từ lâu đời, vậy trước đây nó được thực hiện ra sao?

- Hàng năm, sắp đến ngày 12/8 âm lịch thì các đoàn biểu diễn, gánh hát làm lễ thờ Tổ. Người nghệ sĩ đến hát các bài hát, điệu múa, diễn các đoạn sân khấu trước bàn thờ Tổ để báo cáo với Tổ nghiệp, tôn vinh nghề mà Tổ ban cho.

Từ 2011, Nhà nước lấy ngày 12/8 âm lịch làm ngày Sân khấu Việt Nam. Mục đích làm lễ giỗ Tổ là nghĩa cử uống nước nhớ nguồn, để tôn vinh người có công, các nghệ sĩ trao đổi, giao lưu, biểu diễn, tạo ra những tiết mục hay, hướng đến phục vụ khán giả, tri ân khán giả. Đó là mục đích cao nhất của ngày Sân khấu Việt Nam.

- Từ 2011, ngày Sân khấu VN, hoạt động chào mừng, lễ giỗ Tổ được tổ chức trên quy mô, quy củ như thế nào?

- Các đơn vị, những tổ chức, các đoàn nghệ thuật, các nhà hát từ Trung ương đến địa phương tổ chức hoạt động này rất có hiệu quả. Mục đích của nó là động viên văn nghệ sĩ phát huy truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu, phấn đấu có nhiều tác phẩm phục vụ công chúng, góp phần tạo nên đời sống tinh thần cho nhân dân, phấn đấu phục vụ Tổ quốc…

Ngày sân khấu, lễ giỗ Tổ được tổ chức với ý nghĩa, đạo lý tốt đẹp.

- Vậy nhưng vẫn có ý kiến cho rằng nghệ sĩ mạnh ai nấy xây nhà thờ Tổ sân khấu, vô hình trung cổ vũ mê tín. Ông nghĩ sao về quan điểm đó?

- Hiện nay việc xây nhà thờ Tổ theo quy định của bên xây dựng tại địa phương. Việc xây dựng ra sao tôi không có ý kiến. Đối với những hoạt động mê tín dị đoan, xã hội ta lên án, có những quy định nghị định về lễ hội, tổ chức lễ hội. Chứ nếu đã là hoạt động mê tín dị đoan thì bị xử phạt ngay, cấm ngay.

Tôi nghĩ rằng ở các lễ giỗ Tổ nghề sân khấu không thể tiến hành mê tín dị đoan được. Nó phải có bói toán, cầu siêu… làm những trò mà theo quy định pháp luật không được phép. Nếu có, quản lý tại địa phương sẽ có những ý kiến...

Nghệ sĩ Hoài Linh trong ngày dân hương cúng Tổ.

- Cụ thể có hai nhà thờ Tổ được nhiều người biết tới là nhà thờ Tổ của Hoài Linh và nhà thờ của nghệ sĩ Vượng Râu, ông đánh giá như thế nào?

- Tôi chưa có dịp đi vào nhà thờ của NSƯT Hoài Linh, nhưng tôi từng đến nơi ông Vượng Râu tổ chức lễ giỗ Tổ nghề. Họ làm hết sức bình thường, không có gì là mê tín dị đoan cả.

Họ làm rất trang nghiêm, thành tâm. Các bạn nghề đến để hướng về Tổ. Năm nay, một hoạt động giỗ Tổ khác được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, cũng có bài tế do NSƯT Lê Chức đọc, tôn vinh nghệ sĩ cao tuổi, tặng quà cho nghệ sĩ khó khăn trong đêm 29/9.

- Việc tổ chức lễ giỗ Tổ nghề với các đoàn sân khấu đã làm từ lâu, nhưng công chúng vài năm nay mới biết tới nhiều hơn. Có ý ví việc nhiều người tham gia lễ giỗ Tổ rình rang giống với vấn nạn “loạn lễ hội” mà xã hội lên án. Ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ các hoạt động văn hóa đều phải hướng về mục đích văn hóa. Thực hiện một hoạt động văn hóa thì phải có giấy phép, có quản lý. Muốn tổ chức thành một lễ lớn thì cũng phải có quản lý theo quy định.

Những người làm sân khấu, ca nhạc, hay lĩnh vực nghệ thuật không nhiều người tham gia được như người dân. Nên hoạt động giỗ Tổ nghề khó mà trở thành lễ hội lớn được.

Với chúng tôi, các nghệ sĩ hướng về tổ nghiệp là tốt, điều đáng trân quý.

- Hàng năm, ngoài lễ giỗ Tổ, các nghệ sĩ sân khấu còn có hoạt động gì để động viên tinh thần nghệ sĩ?

- Các đơn vị nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, những đơn vị sân khấu tư nhân tổ chức các chương trình nghệ thuật hướng về người nghệ sĩ, đó là những chương trình như Tình nghệ sĩ, Ấm tình nghệ sĩ, để có quỹ hoạt động.

Quỹ này được gây dựng để thăm nghệ sĩ nghèo, nghệ sĩ cao tuổi, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Đó là hoạt động tích cực trong thời gian từ 2011 trở lại đây.

Ý kiến một số nghệ sĩ về lễ cúng Tổ nghề sân khấu:

NSƯT Ái Như

Với tôi và sân khấu Hoàng Thái Thanh nói chung, ngày cúng Tổ nghề vô cùng linh thiêng. Để thực hiện buổi giỗ Tổ trang trọng, cả sân khấu phải chuẩn bị một tháng. Mọi người cùng thông báo, nhắc nhở nhau có mặt đông đủ dâng hương Tổ.

Nghệ sĩ sân khấu, ai cũng có đức tin với Tổ nghề. Đó là tín ngưỡng nghề nghiệp. Vào ngày giỗ Tổ, các thành viên của sân khấu đều xúc động về sự biết ơn Tổ nghề và cầu mong nơi mình làm nghề ngày càng có nhiều vở hay, được khán giả yêu thích.

Việc phát lộc cho khán giả hay sinh viên trường sân khấu đến dâng hương Tổ theo tôi là việc làm bình thường. Khi các nghệ sĩ dâng vật phẩm lên Tổ, sân khấu lại đem chia cho mọi người. Những món ăn, bánh trái hay hoa quả dù giá trị kinh tế không nhiều nhưng có giá trị tinh thần.

NSƯT Trịnh Kim Chi

Tôi nghĩ mỗi ngành nghề đều có ông Tổ riêng. Hơn nữa, ngày giỗ Tổ ngành sân khấu đã được nhà nước công nhận chứ không phải nghệ sĩ tự nghĩ ra. Niềm tin vào Tổ nghề là điều gì đó rất khó giải thích. Ai làm nghề này đều có niềm tin ấy.

Tôi cho rằng ngày giỗ không chỉ là một ngày linh thiêng mà còn là dịp để anh em nghệ sĩ hội ngộ, hàn huyên. Mọi người đều mong mỏi sân khấu, nghệ thuật nước nhà sớm bước qua khủng hoảng.

Nghệ sĩ Bạch Long

Đối với tôi, Tổ nghề rất linh thiêng. Một người như tôi không có chiều cao như người mẫu, không có khuôn mặt đẹp nhưng vẫn được khán giả đón nhận vì Tổ cho nét duyên nghề.

Mỗi năm vào dịp lễ Tổ, tôi đều tổ chức linh đình, mời học trò đồng nghiệp tới dâng hương và nhận lộc Tổ. Thực tế mỗi người lại có cách cúng Tổ khác nhau và đều đáng trân trọng.

Hoài Linh có tấm lòng khi xây nhà Tổ uy nghiêm, trang trọng. Vì thế tôi cho rằng ai nói xấu Hoài Linh là không hiểu biết và có tính đố kỵ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn