Ông Vũ từng có mức lương cao hơn!
Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (VCF) vừa công bố tài liệu Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2014. Trong tờ trình, năm nay công ty này đề nghị cụ thể từng mức thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Theo đó, các thành viên còn lại, mỗi người nhận 20 triệu đồng một tháng (240 triệu đồng mỗi năm).
Dù lợi nhuận sau thuế của Vinacafe Biên Hòa năm 2013 chỉ đạt hơn 260 tỷ đồng, bằng 87% so với 2012 nhưng chi phí hoạt động năm qua của ông Phạm Quang Vũ – chủ tịch HĐQT công ty vẫn là 1,38 tỷ đồng.
Đây chưa phải là mức lương cao nếu so sánh với năm 2012. Mức lương của ông Phạm Quang Vũ năm trước là hơn 1,51 tỷ đồng, tức bình quân 126 triệu đồng/tháng. Cộng thêm gần 1 tỷ phụ cấp và thưởng, tổng thu nhập trong năm của ông Vũ đạt gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, là một cổ đông của công ty, ông Vũ còn nhận được 566 triệu đồng cổ tức.
|
Tổng thu nhập của ông Vũ năm 2012 đạt gần 2,5 tỷ đồng. |
Có nhiều năm gắn bó với ngành cà phê và kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, tháng 4/2013, ông Vũ được bầu giữ chức chủ tịch HĐQT Vinacafe Biên Hòa. Trước đó, chức vụ ông Vũ đảm nhiệm là Tổng giám đốc điều hành.
So với năm 2013, chi phí trả cho HĐQT và Ban kiểm soát tăng khoảng 10%. Trong năm vừa qua, VCF lãi sau thuế hơn 260 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2012 dù doanh thu thuần có tăng trưởng. Theo lý giải của lãnh đạo công ty, năm 2013 do tập trung đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu nên chi phí quảng cáo và bán hàng "đội" lên khá lớn.
Với mức lãi 260 tỷ, công ty dự kiến chi hơn 53 tỷ đồng trả cổ tức 20% bằng tiền mặt (trong đó 8% đã chi trả chốt sổ trong năm 2013). Riêng Ban điều hành, công ty đề xuất khen thưởng 3 tỷ đồng. Về phần cán bộ nhân viên, HĐQT xin cổ đông thông qua trích quỹ khen thưởng 3 tháng lương.
Dự kiến, năm 2013 Vinacafe Biên Hòa đạt 3.000 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Vinacafé Biên Hoà vượt qua sóng gió thế nào?
Cuộc chiến giành thị phần cà phê hòa tan trong vòng gần một thập kỷ qua sôi động với các tên tuổi quen thuộc Vinacafe Biên Hoà, Nestlé và Trung Nguyên. Ước tính, ba đại gia này chiếm khoảng 90% thị phần cà phê hoà tan tại Việt Nam, được chia đều với độ chênh 1 – 2% tuỳ theo thời điểm.
Tham gia cuộc chiến này, Vinacafe Biên Hoà từng gặp cú vấp khi đưa ra slogan: "Cà phê chỉ làm từ cà phê" và cam kết "cà phê thật". Trong quảng cáo phát sóng thường xuyên trên truyền hình của Vinacafe có đưa ra một câu hỏi “Thế nào là cà phê thật?” và cũng chính Vinacafe rằng: Thật vì “chỉ làm từ cà phê của 8 vùng đặc sản ngon nhất của Việt Nam”, “hoàn toàn không dùng phụ gia tổng hợp tạo mùi cà phê nên giữ được mùi thơm lâu như vậy”.
Thế nhưng, trên bao bì của mọi sản phẩm của Vinacafe Biên Hoà đều có ghi sử dụng hương liệu hay phụ gia, bao gồm: “Đường, bột kem thực vật, cà phê hòa tan (14%). Sugar, Non–dairy Creamer, Instant coffee (14%)”.
Và Vinacafé Biên Hoà vượt qua cú vấp ngã này thế nào? Còn nhớ, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Thương hiệu Vinacafe Biên Hoà gắn liền với những giá trị di sản văn hóa”.
|
“Thương hiệu Vinacafé Biên Hoà gắn liền với những giá trị di sản văn hóa”. |
Vậy, vì sao Vinacafe được cho là “Thương hiệu gắn liền với những giá trị di sản văn hóa”?
Ông Bùi Xuân Thoa, cựu Tổng giám đốc của Vinacafe Biên Hòa cho rằng, chúng tôi có chiến lược về con người. Những cộng sự của tôi, là những người từ ngày đầu của Vinacafe Biên Hòa, dù đường đi rất chông gai, nhưng chúng tôi luôn đầy cảm hứng, bởi chúng tôi cùng sống trong niềm đam mê được bộc lộ vẻ đẹp nguyên bản của hạt cà phê Việt.
Một cách tự nhiên nhất, chúng tôi hình thành cho mình văn hóa không bao giờ uống cà phê bên ngoài, mà chỉ dùng sản phẩm Vinacafe với hương vị nguyên bản, thanh dịu, đúng chất từ núi rừng thiên nhiên tích lũy trong mỗi hạt cà phê.
Còn ông Phạm Quang Vũ, chủ tịch HĐQT công ty, cực Tổng Giám đốc điều hành, cho biết, tại Vinacafé Biên Hòa, chúng tôi kể cho nhau nghe, từ thế hệ này sang thế hệ khác hơn 45 năm qua, 3 câu chuyện di sản của mình: đó là tinh hoa chắt lọc từ những hạt cà phê hảo hạng, là bí quyết “công thức hạt” và là sự thấu hiểu cà phê đến tận cùng của những con người đam mê, đầy tâm huyết. Đó chính là niềm tự hào lớn thương hiệu Vinacafé có được trong quá trình hòa nhập mà không hòa tan.
Riêng ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc hiện tại thì cho rằng: Thương hiệu Vinacafe cũng như một công dân Việt Nam thực thụ vậy. Chúng tôi biết rằng mình cũng sẽ phải trang bị những kỹ năng mới, những tinh thần mới, những mục tiêu mới để bắt kịp và phát triển nhanh cùng với thời đại. Nhưng suy cho cùng, dù phát triển kiểu gì, chúng ta vẫn không phải là Anh, Mỹ, Pháp, Hàn được, chúng ta vẫn phải là Việt Nam. Và khi ấy, thật tệ nếu nhìn lại chúng ta không còn là Việt Nam trong khi chúng ta không bao giờ và cũng không thể nào là Anh, Ý, Mỹ, Hàn…được. Đó là một thế trận tiến thoái lưỡng nan mà chúng ta không được phép đặt mình vào.
Theo Đời sống & Pháp luật