Việc bắt giữ này khiến Vinalines thiệt hại lên đến hàng trăm ngàn USD.
Phía bắt giữ tàu là Công ty SK E&C (Hàn Quốc), xuất phát từ phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) yêu cầu Vinalines phải thanh toán cho SK E&C 135 tỷ đồng giá trị lô cọc thép, tiền lãi chậm thanh toán... mà SK E&C nhập về phục vụ thi công dự án cảng Vân Phong nhưng không được Vinalines nghiệm thu.
Bắt giữ tàu trái luật
Theo một nguồn tin của Tuổi Trẻ, tàu hàng rời Vinalines Sky, tải trọng khoảng 42.714 tấn, đóng năm 1997 tại Nhật Bản của Vinalines đã bị bắt giữ từ trung tuần tháng 3/2014. Chỉ riêng số tiền bị thiệt hại do tàu không thể đưa vào khai thác ước khoảng 400.000 USD. Sau khi bị bắt giữ, một trong những biện pháp giải phóng tàu mà Vinalines đang tính đến là nộp tiền ký quỹ.
Ông Nguyễn Trường Sơn - giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải 1 (thuộc Vinalines) giai đoạn 2007 - 2010, đơn vị phụ trách dự án cảng Vân Phong - cho rằng việc SK E&C bắt giữ tàu của Vinalines để gắn với vụ đơn vị này bị thiệt hại do Vinalines không nghiệm thu lô cọc thép ở dự án cảng Vân Phong là vượt quá giới hạn thông thường.
Qua tìm hiểu, trong quá trình nghiệm thu thanh toán với nhà thầu SK E&C, Vinalines và SK E&C có nhiều mâu thuẫn không giải quyết được nên SK E&C đã khởi kiện Vinalines ra VIAC. VIAC ra phán quyết buộc Vinalines phải thanh toán ngay cho SK E&C hơn 135 tỷ đồng giá trị lô cọc thép mà Vinalines cho rằng chưa đủ điều kiện nghiệm thu về chất lượng và giá cả.
Tuy nhiên, Vinalines cho rằng phán quyết của VIAC đã vi phạm pháp luật VN về quản lý dự án nên ngày 24/1/2014 đã có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân TP Hà Nội hủy phán quyết của trọng tài. Trong khi tòa đã ra thông báo thụ lý hồ sơ và đang chờ mở phiên họp xét xử thì phán quyết của VIAC chưa có hiệu lực pháp luật. Vì thế, khoản nợ 135 tỷ đồng mà VIAC phán quyết Vinalines phải trả cho SK E&C chưa hình thành nên việc bắt giữ tàu Vinalines Sky là trái luật và SK E&C phải chịu trách nhiệm về các tổn thất do tàu bị bắt giữ.
Lô cọc không đạt chất lượng
Liên quan đến lô 544 cọc thép của SK E&C, theo ông Nguyễn Trường Sơn, có dấu hiệu rõ ràng về gian lận thương mại, nhiều dấu hiệu cho thấy đây không phải hàng mới được sản xuất riêng cho dự án cảng Vân Phong. Không những thế, cọc sai quy cách, không có hồ sơ sản xuất cọc. Giá lô 544 đoạn cọc do nhà thầu tự tính và được VIAC công nhận khoảng 115,5 tỷ đồng, nhưng theo hóa đơn và quy định hợp đồng là 52 tỷ đồng.
Theo quy định về nghiệm thu và thanh toán các dự án sử dụng vốn nhà nước, phải có khối lượng hoàn thành đúng chất lượng, được nghiệm thu đúng quy định mới được thanh toán và việc thanh toán cũng phải thực hiện theo đúng đơn giá và điều kiện hợp đồng. Nhà thầu SK E&C, theo quy định của hợp đồng và pháp luật, không có bất cứ khối lượng hoàn thành nào được nghiệm thu cho lô cọc này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý - giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải 1, căn cứ trên các hồ sơ, quy định hợp đồng, kết quả giám định cọc ống thép, chỉ có 224 đoạn cọc ống thép nhập về công trường (trong tổng số 544 đoạn cọc) là có thể được xem xét nghiệm thu. Tuy nhiên, việc nghiệm thu này phải được nhà thầu tư vấn giám sát nghiệm thu lại vì kết quả nghiệm thu ngày 28/4/2010 của tư vấn giám sát đã bị chủ đầu tư bác bỏ do không đúng quy định. Giá trị của 224 đoạn cọc thép này vào khoảng 41,5 tỷ đồng.
Chưa kể, căn cứ theo hóa đơn mua hàng của SK E&C và theo giá thị trường VN cùng thời điểm thì trị giá lô hàng còn thấp hơn. Trong khi đó, phía SK E&C đã nhận được khoản tạm ứng từ chủ đầu tư.
Vinalines phải trả thêm cho SK E&C 47,93 tỷ đồng Theo VIAC, đơn vị này nhận được đơn khởi kiện của SK E&C liên quan đến tranh chấp trong hợp đồng xây dựng giữa SK E&C và Vinalines. Đến ngày 4/1/2014, VIAC ra phán quyết buộc Vinalines phải trả cho SK E&C số tiền 47,93 tỷ đồng. Đây là số tiền còn lại mà Vinalines phải thanh toán cho SK E&C sau khi đã trừ 87,61 tỷ đồng Vinalines tạm ứng trong quá trình thực hiện dự án cảng Vân Phong. Phán quyết của trọng tài dựa trên chứng chỉ thanh toán tạm lần thứ nhất, tiền lãi chậm thanh toán... |
SK E&C từng thừa nhận cọc bị gỉ sét Dự án cảng container trung chuyển quốc tế Vân Phong được khởi công vào cuối năm 2009, đến tháng 8/2010 thì tạm dừng thi công do dự án nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có liên quan đến lô cọc thép 544 đoạn của SK E&C. Vinalines cho rằng lô cọc thép này không đủ hồ sơ thương mại và không đảm bảo chất lượng. Trong một báo cáo của chính SK E&C về các vấn đề tồn đọng của dự án, nhà thầu này cũng xác nhận cọc bị gỉ sét trong quá trình vận chuyển và đã sơn phủ. Nhưng vì sơn phủ nên Vinalines đã không nghiệm thu lô cọc để phục vụ thi công. |
Theo Tuổi trẻ