Cuối năm 2013, ngành thép chứng kiến một số đại gia lãi sau thuế tăng hàng chục cho đến trên một trăm phần trăm. Giá cổ phiếu tăng đột biến cũng giúp nhiều ông chủ doanh nghiệp thép đặt chân vào top những đại gia giàu nhất sàn chứng khoán năm qua. Theo báo cáo tài chính 2013, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 1.954 tỷ đồng, tăng 96,6% so với 2012, Tập đoàn Hoa Sen lãi 558 tỷ tăng 42%, trong khi Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên lãi 114 tỷ, tăng tới 174%.
Tuy nhiên, bức tranh ngành thép 2013 có thêm nhiều mảng tối khi xuất hiện một số đơn vị tên tuổi và thị phần chiếm 10-20%, chưa từng báo lỗ, nay cũng phải công bố lợi nhuận âm.
Theo thống kê của PV và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong hơn 20 công ty thép niêm yết trên sàn chứng khoán có 5 doanh nghiệp báo lỗ, tăng 25% so với 2012. Đáng chú ý nhiều doanh nghiệp thép lỗ khủng tới vài trăm tỷ đồng.
Điển hình trong số này phải kể đến Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (Mã CK: HLA) khi công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 235,74 tỷ đồng năm 2013, đánh dấu lần đầu tiên thua lỗ sau 35 năm hoạt động. Sang quý I năm nay, kịch bản này tiếp tục diễn ra với mức lỗ sau thuế gần 57 tỷ đồng. Hiện, thị phần của công ty này giảm từ 20% xuống còn trên 10%.
Doanh nghiệp thép đang lao đao. |
Trao đổi với PV, Phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Hữu Liên Á Châu - ông Trần Tuấn Nghiệp cho hay, nguyên nhân gây lỗ nặng là năm 2013 doanh nghiệp liên tục vấp phải thất bại về huy động vốn nên phải vay ngân hàng với lãi cao. Theo lãnh đạo này, "từng có thời điểm, công ty phải chịu lãi suất tới 20%. Dù vay ngân hàng nhưng vẫn không đủ vốn sản xuất khiến năng suất đơn vị giảm tới 50%".
Câu chuyện của Hữu Liên Á Châu không phải duy nhất khi mới đây, Công ty cổ phần thép Pomina (Mã CK: POM), đơn vị chiếm 16% thị phần vừa báo lỗ khủng.Đây cũng là năm đầu tiên công ty này báo lỗ trên sàn chứng khoán.Theo báo cáo tài chính hợp nhất, cả năm 2013, Pomina lỗ 219 tỷ đồng, nợ phải trả 5.101 tỷ đồng, hàng tồn kho tính đến 31/12 là 2.046 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân lỗ, ông Đỗ Duy Thái - Thành viên Hội đồng quản trị Pomina cho hay một trong những nguyên nhân chính là lãi suất ngân hàng cho vay cao. Ngoài ra, việc đưa nhà máy mới đi vào hoạt động trong giai đoạn khó khăn nhất khiến công ty phải gánh lỗ khấu hao lớn giữa bối cảnh sức mua trên thị trường giảm sút.
Mới đây, cổ phiếu của Pomina cũng vừa bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4 với lý do lợi nhuận âm. Đóng cửa phiên ngày 2/4, thị giá POM đạt 13.500 đồng một cổ phiếu, chỉ tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Pomina có vốn chủ sở hữu 2.387 tỷ đồng.
Cũng với lý do chính là khó khăn khi tiếp cận vốn vay, hàng loạt doanh nghiệp thép khác chịu lỗ trong năm qua. Các đơn vị như Công ty cổ phần thép Việt Ý (Mã CK:VIS), Công ty cổ phần thép Bắc Việt (Mã CK: BVG), Công ty cổ phần Nam Vang (mã CK: NVC) lần lượt báo lỗ từ ít nhất 7 tỷ đến trên trăm tỷ đồng.
Trong đó, báo cáo hợp nhất của Công ty cổ phần Nam Vang cho thấy năm qua đơn vị này lỗ sau thuế 185 tỷ đồng. Theo giải thích của công ty, do lãi vay (quá hạn) chưa trả được hợp đồng gốc và giá thép giảm khiến lợi nhuận công ty âm. Ngoài ra, đại diện Nam Vang cũng cho rằng thị trường thép trong nước vẫn chưa phục hồi sau khủng hoảng là yếu tố tác động đến lợi nhuận công ty.
Ông Nguyễn Trung Hòa, Phó giám đốc Khối phân tích khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) đánh giá năm 2013 là thời điểm phân hóa lợi nhuận rõ ràng nhất giữa các công ty thép.Trong đó, quy mô vốn và công nghệ là hai yếu tố chính quyết định lời, lãi của doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp như Hòa Phát, Hoa Sen đầu tư vào công nghệ từ năm 2010-2012, và năm qua chính là thời điểm để họ thu lời. Trong khi đó, các công ty quy mô vốn nhỏ không có lợi thế, rất khó để đầu tư công nghệ và tạo ra bứt phá hay cải tiến mạnh, ông Hòa nhận định.
Theo chuyên gia này, hiện các công ty thép vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Thời gian qua, ngân hàng mới chỉ áp trần lãi huy động xuống 6%, mức lãi cho vay vẫn còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa nhà băng và doanh nghiệp. Trong ngắn hạn, lãi suất cho vay cũng chưa thể giảm ngay nên cũng không hỗ trợ nhiều cho các công ty thép”, ông Hòa cho biết.
Dù vậy, chuyên gia này kỳ vọng doanh thu bán hàng của các công ty có thể cải thiện trong năm nay, tạo dòng tiền để tái cơ cấu lãi vay và góp phần củng cố lợi nhuận 2014. Lợi thế của lĩnh vực sản xuất thép tại Việt Nam hiện thời là chi phí như thuế, nhân công, điện, nước đều rẻ hơn so với nước ngoài. Do vậy ngoài thị trường trong nước, các công ty cũng có thể mở rộng xuất khẩu.
“Tiềm năng ngành thép gắn liền với thị trường bất động sản, hiện lĩnh vực này cũng được cải thiện. Do vậy trong thời gian tới, các công ty thép vẫn còn nhiều cơ hội. Trường hợp xuất khẩu, để tránh các vấn đề liên quan đến bán phá giá, doanh nghiệp thép cần tránh tập trung vào một thị trường nhất định với khối lượng ồ ạt mà nên mở rộng sang nhiều quốc gia khác nhau”, chuyên gia MBKE nhận định.
Dự báo về tính hình thị trường thép trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, ngành thép sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, ngành công nghiệp thép Việt Nam với sự hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới sẽ khiến thép nhập khẩu vào Việt Nam mạnh hơn, sự bảo hộ thép bằng thuế quan sẽ giảm đi. Việc xuất khẩu thép Việt Nam ra nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện của các nước nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 3 là cao điểm mùa xây dựng hàng năm nên lượng thép tiêu thụ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 487.000 tấn. Tuy nhiên, tính chung 3 tháng đầu năm lượng thép xây dựng tiêu thụ cả nước đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tiêu thụ giảm khiến lượng thép tồn kho tính đến cuối tháng 3 tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013 lên tới 324.000 tấn.
Theo VnExpress