Nghề kinh doanh gia truyền của triệu phú cà phê Singapore

Thứ ba, 08/04/2014, 13:55
Nhờ thương hiệu lâu đời và thói quen ăn uống đặc trưng của người Singapore, Andrin Loi đã phát triển chuỗi cửa hàng Ya Kun Coffee International nổi tiếng với doanh thu gần 20 triệu USD năm ngoái.

Andrin Loi – Chủ tịch hãng cà phê Ya Kun Coffee International là con út trong gia đình có 7 anh chị em tại Singapore. Từ nhỏ, ông và các anh chị đã làm việc trong cửa hàng cà phê nhỏ của cha mình. "Tôi rất giỏi nướng bánh mì đấy", ông cho biết trên BBC.

Cha của Loi - ông Ya Kun bán đồ ăn sáng, như trứng ốp, cà phê và bánh mì nướng Kaya truyền thống của người Singapore (kẹp mứt dừa Kaya, trứng, đường và dứa). Tuy nhiên, sau 60 năm lao động, ông bị ốm và khó có thể quay trở lại công việc. Loi cảm thấy sẽ rất đáng tiếc nếu việc kinh doanh của gia đình bị mất đi. Khi ấy, phần lớn anh chị em của ông đều đã lớn tuổi và không muốn tiếp quản cửa hàng.

Andrin-Loi-1-3566-1396845548.jpg

Andrin Loi đã tiếp quản cửa hàng của gia đình từ năm 1998. Ảnh: BBC

Vì vậy, Loi cùng người anh Algie quyết định xin phép cha tiếp tục kinh doanh. Dĩ nhiên, cha ông đồng ý, nhưng cũng cảnh báo đây là một công việc rất khó khăn. Sau khi tiếp quản cửa hàng năm 1998, Loi và anh trai cũng phải chuyển địa điểm do khu này bị phá đi xây công trình khác.

Họ đặt lại tên cửa hàng là "Bánh mì Kaya của Ya Kun" và vay 10.000 đôla Singapore (8.000 USD) để duy trì việc kinh doanh. Vợ ông cũng viết dòng chú thích "Kinh doanh từ năm 1944" để nhấn mạnh vào truyền thống gia đình. Trong cửa hàng cũng có những tài liệu nói về hành trình tới Singapore của ông Ya Kun, sau đó là thời gian từ khi ông giúp việc trong cửa hàng đến lúc tự kinh doanh.

Ban đầu, Loi cảm thấy rất lo lắng khi cửa hàng diện tích 90m2 có chi phí thuê khá lớn. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần, họ đã hòa vốn. "Chúng tôi nhận ra rằng đây là một ngành kinh doanh rất tốt, do cha tôi thực sự đã gây dựng được thương hiệu cho mình", ông nói.

Hiện Ya Kun đã có hơn 50 cửa hàng tại Singapore. Ảnh: BBC

Sau thành công ban đầu, Loi bắt đầu tìm đến các nhà tư vấn để xem liệu mình có cần tìm nguồn đầu tư bên ngoài để phát triển công ty hay không. Cuối cùng, ông quyết định nộp đơn xin hỗ trợ từ Chính phủ Singapore. Việc này đã cho phép ông tìm hiểu cơ hội nhượng quyền. Loi cho rằng quyết định này đã giúp ông thành công, khi họ nhận được tới 400 lời đề nghị nhượng quyền chỉ trong 6 tháng.

Kể từ đó, ông đã phát triển việc kinh doanh ra hơn 50 cửa hàng Ya Kun tại Singapore, cũng như 49 cửa hàng khác trên toàn cầu, từ Indonesia đến Abu Dhabi. Năm ngoái, doanh thu của họ đạt gần 25 triệu đôla Singapore (gần 20 triệu USD), tăng gấp hơn 20 lần so với thời mới tiếp quản.

"Singapore là một trong những quốc gia có lao động nước ngoài đông nhất thế giới", Loi cho biết. Việc này đã giúp Ya Kun rất nhiều, do khi người nước ngoài đến đây làm việc, họ quen với thương hiệu Yakun. Vì thế, khi quay về nước, như Indonesia chẳng hạn, họ sẽ vẫn trung thành với cửa hàng của hãng tại đây.

Loi cũng nhận xét sự độc đáo trong thói quen ăn uống của người Singapore giúp ông rất nhiều. "Tại Singapore, phần lớn mọi người ăn 5 bữa mỗi ngày. Họ ăn bữa sáng, trưa, ăn nhẹ buổi chiều, tối và ăn trước khi ngủ. Vì thế, họ đến đây khá thường xuyên", ông nói.

Loi cũng mở rộng thực đơn sang các món như mì, đồ ăn trưa, cũng như các loại bánh mì và cà phê khác nhau. Ông cũng cho biết mình rất may mắn khi gia đình đã hỗ trợ ông rất nhiều. "Thường thì nếu có nhiều anh chị em, bạn sẽ thấy có sự cạnh tranh. Nhưng gia đình tôi thì không thế. Kể cả khi chúng tôi đã lớn mạnh, họ cũng chẳng ghen tỵ và vẫn giúp đỡ mỗi khi có thể", ông cho biết. Hiện cả 7 anh chị em của ông đều có cửa hàng kinh doanh riêng.

Ông đùa rằng cha mình chắc sẽ sống lại nếu thấy cửa hàng nhỏ của mình đã tiến xa đến thế nào. Ông cũng hy vọng sẽ tiếp tục duy trì việc này khi cậu con trai 28 tuổi sắp về nước. "Tôi muốn từ từ truyền lại kỹ năng và kiến thức của mình cho con. Để ngày nào đó, nó có thể tiếp quản việc kinh doanh của gia đình", Loi nói.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích