Ngân hàng tốn tiền chặn "thẻ tặc" Trung Quốc

Thứ hai, 21/07/2014, 10:00
Tội phạm thẻ từ Trung Quốc nổi lên gần đây đã dùng các thủ đoạn khó lường tấn công ngân hàng Việt khiến các nhà băng tăng khuyến cáo khách hàng cảnh giác, vừa phải chi nhiều tiền để phòng ngừa.

Cẩn thận khi giao dịch bằng thẻ

Thẻ trong tay, tiền vẫn mất như chơi

Mới đây, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Hà Nội (PC50) vừa triệt phá nhóm người Trung Quốc câu kết với người Việt Nam dùng thẻ tín dụng giả để rút hàng tỷ đồng của các ngân hàng lớn. Nghi can người Trung Quốc này lập 4 công ty làm bình phong để ký với các ngân hàng lắp đặt máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Sau đó, các đối tượng dùng thẻ tín dụng giả với những thông tin ăn cắp được để quẹt trên những máy POS này và rút tiền.

Hoặc trong các trường hợp tội phạm thẻ Trung Quốc lừa các khách hàng Việt Nam khi hợp tác làm ăn, kinh doanh. Phía đối tác Trung Quốc sẽ đề nghị được góp vốn bằng tiền trong tài khoản thẻ. Vì là thẻ giả nên khi đối tác phía Việt Nam mang thẻ này đi rút tiền tại ngân hàng thì vô tình tiếp tay cho tội phạm.

Theo một chuyên gia phòng thẻ của ngân hàng Vietcombank, tình trạng thẻ tặc tấn công các chủ thẻ vẫn xảy ra. Một số chủ thẻ của Vietcombank cũng bị thiệt hại do sơ hở rút tiền tại máy ATM liên ngân hàng.

Trường hợp có những khách hàng đi ăn nhà hàng và dùng thẻ thanh toán, nhưng nguy hiểm từ chỗ nhiều người đưa thẻ cho nhân viên nhà hàng tự thanh toán giúp. Như vậy, chủ thẻ rất dễ bị ăn cắp thông tin khi thẻ bị cà qua máy POS có gắn skimming.

Để có thông tin chủ thẻ, theo một cán bộ Trung tâm thẻ ngân hàng  Quốc Dân (NCB), tội phạm công nghệ sẽ đặt các thiết bị skimming gắn trong khe đút thẻ, còn máy camera được gắn vào để ghi lại mật khẩu. Khi thẻ của khách hàng đưa vào máy để nhập thông tin thì những thông tin và mật khẩu của thẻ ATM sẽ bị đánh cắp.

Cá nhân vô ý, ngân hàng không chịu trách nhiệm

Các ngân hàng trên thế giới đều phải chấp nhận sự tồn tại một tỉ lệ nhất định của thẻ giả. Chẳng hạn ở Mỹ, tỉ lệ thẻ giả được xác định ở mức 5% tổng số thẻ lưu hành.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2013 đã có 66 triệu thẻ được phát hành tại Việt Nam, chủ yếu là thẻ từ, thẻ chíp rất ít.

Cán bộ Trung tâm thẻ ngân hàng NCB cho biết thêm, hiện nay, giá thiết bị chống ăn trộm dữ liệu (anti-skimming) khoảng 150-1000 USD/chiếc, tùy độ phức tạp, camera khoảng 15 triệu đồng/cái. Như vậy, mỗi máy ATM cần trang tối thiếu là 20 triệu đồng, một ngân hàng có khoảng 1.000 máy ATM thì chi phí trang bị cho việc chống ghi trộm lên tới là 20 tỷ đồng. Như vậy, với khoảng  trên 15.300 trụ ATM trên cả nước thì số tiền đầu tư cho sự an toàn vô cùng tốn kém.

Các ngân hàng cũng đã tích cực có các biện pháp để phòng chống cho mình và cho cả khách hàng. Các máy ATM và hệ thống camera của Vietcombank được kiểm tra thường xuyên xem có bị lắp thiết bị lạ không, cán bộ phòng thẻ Vietcombank cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, hiện tượng tội phạm công nghệ tấn công thẻ diễn ra từ trước đến giờ và hiện nay nổi lên từ Trung Quốc. Hiện ACB bảo vệ khách hàng bằng việc đang tiến hành chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Theo ông Toại, khách hàng khi mất thẻ phải báo ngay cho ngân hàng để ngân hàng khóa tài khoản, ngăn chặn thiệt hại cho khách hàng.

Cán bộ Trung tâm thẻ NCB cho rằng, chắc chắn là khi khách hàng chủ quan, sơ ý để hacker lấy cắp thông tin để rút tiền từ tài khoản thì ngân hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường bởi đó là lỗi của chủ thẻ, ngân hàng không chịu trách nhiệm.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn