Chồng đại gia Diệu Hiền ủng hộ dự án 1.500 tỷ đánh cá Biển Đông

Thứ hai, 21/07/2014, 10:41
Gắn bó lâu năm với lĩnh vực thủy sản, ông Trần Văn Trí cho rằng Công ty Đức Khải đầu tư 100 tàu sắt cùng ngư dân bám biển là quyết định táo bạo có lợi cho đất nước, cần được ủng hộ.

Ông Trần Văn Trí, Chủ tịch Công ty Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt (TP HCM) cho biết rất quan tâm đến dự án của Công ty CP Đức Khải về việc nhập 100 tàu sắt công suất 500-1.500 mã lực để cùng ngư dân bám biển. Theo ông Trí, rất cần có sự ủng hộ từ nhiều phía để doanh nghiệp thêm động lực thực hiện tốt dự án.

"Đã làm kinh tế với chiến thuật riêng của mình thì Đức Khải tự biết làm gì, làm thế nào để có lợi nhuận, tạo lợi ích cho đất nước khi quyết định nhập 100 tàu sắt. Hai tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng dự án này không hiệu quả nhưng tàu chưa mua về, chưa hoạt động thì làm sao biết được hiệu quả hay không", chồng đại gia Diệu Hiền nêu quan điểm.

Tran-Van-Tri-8179-1405902728.jpg

Đang làm trong ngành thủy sản, doanh nhân Trần Văn Trí đặc biệt quan tâm và ủng hộ dự án 100 tàu sắt đánh cá Biển Đông của Công ty Đức Khải. Ảnh: Ái Nam

Điều ông Trí đặc biệt quan tâm là dự án của Công ty Đức Khải được hình thành trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông và Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, quy định rõ về một số chính sách phát triển ngành thủy sản. Theo ông, từ trước tới nay hầu hết tàu của ngư dân Việt Nam được đóng bằng gỗ mang về từ rừng và chỉ một va chạm của tàu biển nước ngoài đã đủ gây hư hỏng.

"Ngư dân thay đổi tàu vỏ gỗ bằng tàu sắt là việc làm vô cùng đúng đắn bởi cùng một việc mà chúng ta thực hiện được hai chủ trương lớn là chống phá rừng lấy gỗ đóng tàu, giữ được môi trường tốt và an toàn đánh bắt thủy sản kết hợp với an ninh quốc phòng trên biển", ông Trí cho biết thêm.

Mới đây, ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch Công ty Đức Khải - cho biết sẽ mua 100 tàu cũ vẫn còn hạn sử dụng 30-40 năm từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng số vốn để triển khai dự án này hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó chi phí cho đội tàu lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. 95 chiếc là tàu cá chuyên dụng có máy móc kỹ thuật cao để khai thác hải sản tại Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. 5 chiếc còn lại phục vụ hậu cần có nhiệm vụ chở lương thực, thực phẩm cho các tàu cá và vận chuyển hải sản về đất liền.

Để tiện cho việc phân loại, sơ chế và bảo quản hải sản, công ty sẽ mua 2 ụ nổi sức chứa 5.000 tấn đặt tại ngư trường. Ông Khải cho biết đã thỏa thuận mua 45 tàu, dự kiến về đến Việt Nam trong quý III và cũng có dự định mua 2 trực thăng từ châu Âu phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và các tình huống khẩn cấp.

tau-sat-4871-1405902728.jpg

Một trong những mẫu tàu cá Công ty Đức Khải đang làm thủ tục mua về. Ảnh: Đ.K

Đón nhận thông tin này, những ngư dân đầu tiên ở Quảng Ngãi tham gia đóng tàu vỏ thép vươn khơi cho rằng dự án của Đức Khải khó khả thi vì chi phí đánh bắt quá lớn trong khi nguồn thủy sản không ổn định, tốn kém nhiều nhiên liệu để dò tìm luồng cá.

Cũng quan tâm đến thông tin của Đức Khải, một số chuyên gia thủy sản Nhật Bản cho biết trước đây Hàn Quốc từng chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt đánh bắt cá ngừ đại dương. Sau thời gian nhận thấy chi phí nhiên liệu quá lớn, nhiều tàu sắt phải nằm bờ đợi thanh lý, họ bắt đầu chuyển sang tàu vỏ nhựa composite nhỏ hơn để ra khơi.

Ngoài ra, Đức Khải cũng có thể gặp khó khăn về vấn đề pháp lý nhập tàu sắt đã qua sử dụng. Căn cứ Điều 5, Nghị định 52 của Chính phủ về nhập khẩu tàu cá quy định, tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ thép khi nhập vào Việt Nam không quá 8 năm, trong khi thực tế tàu cá được Đức Khải mua về đều có tuổi thọ trên 10 năm sử dụng.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ban hành ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản có quy định trường hợp đóng mới tàu vỏ thép phục vụ dịch vụ hậu cần hải sản được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7% một năm, trong đó chủ tàu trả một %, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%.

Đối với tàu khai thác hải sản xa bờ công suất 400 đến dưới 800 CV, chủ tàu được vay vốn tối đa 90%, lãi suất 7%/năm, trong đó ngân sách Nhà nước cấp bù 5% một năm, chủ tàu chỉ trả 2% còn lại. Tàu 800 CV trở lên được vay vốn đến 95% giá trị đầu tư, lãi suất 7% mỗi năm và chủ tàu chỉ đóng một %, còn lại ngân sách cấp bù.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn