Chân dung giám đốc vận hành hãng thủy phi cơ đầu tiên ở VN

Chủ nhật, 24/08/2014, 14:02
Aaron Shaw, Tổng giám đốc công ty thủy phi cơ lớn nhất nước Úc là người tư vấn cho thương vụ mua 2 chiếc máy bay của tập đoàn Thiên Minh (Việt Nam).

Đầu năm 2014, Aaron Shaw đồng ý đảm nhận vị trí Giám đốc vận hành Hàng không Hải Âu - công ty đầu tiên ở Việt Nam mua và khai thác thuỷ phi cơ thương mại. Trước đó, Aaron Shaw giúp ông chủ Tập đoàn Thiên Minh (TMG) và Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu tìm hiểu về thị trường thủy phi cơ thế giới cũng như tiềm năng của ngành dịch vụ này tại Việt Nam gần 2 năm nay.

Trong lễ đón 2 chiếc thủy phi cơ về Việt Nam ngày 21/8, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch TMG trân trọng nhắc tới Aaron Shaw như người bạn lâu năm, một trợ thủ đắc lực. Người nhận lời làm Giám đốc vận hành của Hàng không Hải Âu hồi đầu năm là ông chủ hãng cung cấp dịch vụ thủy phi cơ lớn nhất nước Úc - Sydney Seaplane.

Chân dung giám đốc vận hành hãng thủy phi cơ đầu tiên ở VN
Ông Aaron Shaw, chủ hãng dịch vụ thủy phi cơ hàng đầu của Úc - Sydney Seaplane kiêm Giám đốc vận hành Hàng không Hải Âu. Ảnh: Diệp Sa

Aaron Shaw là người Úc gốc Newzeland nhưng sinh sống và làm việc tại Hà Nội từ năm 1997, khi 25 tuổi. Trong 5 năm ở Việt Nam từ 1997 tới 2002, ông là đại diện cho một hãng hàng không tại Việt Nam, đồng thời làm việc cho Buffalo Tours - công ty đầu tiên của TMG. Cũng thời gian này, Aaron Shaw gặp và quen Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TMG hiện nay.

Quen nhau trong giai đoạn khởi nghiệp, lại cùng chung sở thích du lịch nên hai doanh nhân trẻ nhanh chóng trở thành bạn bè. Hai người bạn từng đồng hành khắp Việt Nam, Úc và một số nước trên thế giới, vừa để du lịch, vừa tìm hiểu những hướng đi mới trong kinh doanh. Tình bạn 17 năm đủ để cả hai luôn duy trì mối quan hệ tin tưởng và hỗ trợ.

Vốn được đào tạo về chuyên ngành Quản trị hàng không, năm 2002, sau 2 năm từ Việt Nam trở về Úc, Aaron Shaw sáng lập công ty Sydney Seaplane chuyên về dịch vụ thủy phi cơ, bao gồm 2 mảng hoạt động lớn là tư vấn phát triển dịch vụ thủy phi cơ và đào tạo phi công. Nhờ là một trong những công ty đầu tiên tại Úc khai thác dịch vụ này, Sydney Seaplane nhanh chóng thâu tóm thị trường và phát triển mạnh. Sau 10 năm, Sydney Seaplane hiện được đánh giá là công ty thủy phi cơ lớn nhất nước Úc.

Tham vọng của thủy phi cơ Việt Nam

Ông Aaron Shaw cho biết, thực tế, ý tưởng đưa thủy phi cơ về Việt Nam được ông Kiên chia sẻ từ 5 năm trước, khi thăm quan Maldives, hòn đảo xinh đẹp được mệnh danh là "thiên đường của thủy phi cơ". Tại đây, mỗi ngày có tới hơn 100 thủy phi cơ hoạt động, mang tới cho khách du lịch những dịch vụ ngắm cảnh, trải nghiệm độc đáo.

Ấn tượng với thủy phi cơ tại Maldives, ông Kiên quyết định đầu tư tìm hiểu về dòng máy bay có thể cất-hạ cánh trên mặt nước, cùng dịch vụ liên quan tại những thị trường thủy phi cơ mạnh trên thế giới như Úc, Newzeland, Mỹ, Canada… Đương nhiên, công ty của người bạn Úc là địa chỉ quen thuộc của ông chủ hãng lữ hành Buffalo thuở đó.

Mục tiêu chính thức trở thành chiến lược kinh doanh của TMG khi tập đoàn này mua lại Hàng không Hải Âu vào năm 2012 và định hướng trở thành hãng dịch vụ thủy phi cơ đầu tiên tại Việt Nam. Vì tình bạn sẵn có, đồng thời, nhận thấy Việt Nam thích hợp để phát triển mạnh các dịch vụ về thủy phi cơ, Aaron Shaw quyết định đồng hành cùng TMG trong chiến lược kinh doanh dài hơi mang tên Thủy phi cơ tại Việt Nam.

Chân dung giám đốc vận hành hãng thủy phi cơ đầu tiên ở VN
Aaron Shaw cùng các phi công Hàng không Hải Âu chờ đón 2 thủy phi cơ về tới Nội Bài, Hà Nội ngày 21/8. Ảnh: Diệp Sa

Ba năm sống tại Việt Nam làm dịch vụ lữ hành, hàng không và hơn 10 năm đi về giữa Việt Nam – Úc giúp chuyên gia về thủy phi cơ hiểu sâu sắc thị trường tiềm năng này. Ông đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế đang lên, cơ sở hạ tầng và giao thông đang được thiết lập và phát triển. Tuy nhiên, riêng đối với ngành hàng không, Việt Nam mới chỉ có hàng không dân dụng và quân sự và còn hạn chế ở thị trường hàng không chung.

Đất nước với đường bờ biển dài, nhiều vịnh, đảo, đồng bằng sông nước… thực sự là thị trường giàu tiềm năng dành cho thủy phi cơ. Loại hình máy bay nhỏ, không cần đường băng đặc biệt phù hợp với nền kinh tế phát triển năng động, nhu cầu đi lại, vận chuyển lớn. Vị giám đốc vận hành người Úc tự tin khẳng định: "Là doanh nghiệp đầu tiên đưa thủy phi cơ về Việt Nam, chắc chắn Hải Âu sẽ thâu tóm 100% thị phần, gặp nhiều thuận lợi và khả năng thành công lớn".

Aaron Shaw chính thức trở lại hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào đầu năm nay, đảm nhận vị trí giám đốc vận hành cho Hàng không Hải Âu. Một tháng ông đi về 2 lần giữa Việt Nam và Úc để đảm bảo công việc tại Việt Nam, vừa quản lý hoạt động của công ty riêng tại Úc. Với kinh nghiệm dày dạn về thủy phi cơ, ông cũng là người cố vấn cho chủ tịch TMG Trần Trọng Kiên và Tổng giám đốc Hải Âu Lương Hoài Nam tìm đến với thương hiệu thủy phi cơ hàng đầu của Mỹ Cessna.

Ông cho biết, hiện trên thế giới chỉ có 2 hãng sản xuất thủy phi cơ là Viking Air (Canada) và Cessna (Mỹ). Tuy nhiên, Viking Air chỉ cung cấp những thủy phi cơ có số lượng chỗ ngồi khá lớn, chưa phù hợp với định hướng của Hải Âu giai đoạn đầu thăm dò và khai thác thị trường. Trong khi đó, Cessna là hãng sản xuất thủy phi cơ số 1 của Mỹ. Như ông Lương Hoài Nam chia sẻ, Cessna đã sản xuất hơn 2.500 máy bay cánh quạt dòng Caravan. Tính trung bình, cứ 2 ngày hãng này xuất xưởng 1 phi cơ triệu đô. Thủy phi cơ Cessna Grand Caravan với 12 chỗ ngồi, công nghệ tối tân cập nhật năm 2014 là lựa chọn phù hợp của TMG.

Hai năm cho khối lượng công việc khổng lồ từ nghiên cứu thị trường, địa lý Việt Nam, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo con người, hỗ trợ nhập khẩu thủy phi cơ, hỗ trợ thực hiện các thủ tục cần thiết với hệ thống cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương… giám đốc vận hành Hàng không Hải Âu Aaron Shaw dồn hết tâm sức cho tham vọng lớn nhiều thuận lợi, không ít khó khăn của TMG tại Việt Nam.

Mặc dù tình hình hàng không Việt Nam cũng như thế giới đang khá ảm đạm, tuy nhiên, dịch vụ thủy phi cơ mà Hải Âu khai phá tại Việt Nam đi theo hướng hoàn toàn khác. Ông chia sẻ, dựa trên định hướng khai thác thị trường và giá cả dịch vụ, Hải Âu xác định thị phần riêng là khách hàng cao cấp trong nước và khách du lịch quốc tế tại Việt Nam với nhu cầu đi lại thường xuyên bằng những chặng bay ngắn, tới những địa điểm nhỏ như các tỉnh, thành phố, vịnh, đảo, khu resort… không phụ thuộc vào hàng không thương mại bắt buộc phải bỏ ra chi phí khổng lồ để xây dựng đường băng và bãi đỗ.

Để chuẩn bị tốt về con người, Hải Âu đã cử các phi công giỏi của Việt Nam sang tham dự khóa đào tạo phi công của Sydney Seaplane tại Úc. Riêng các cơ trưởng được lựa chọn để lái thủy phi cơ trong giai đoạn đầu vẫn là những phi công người Newzeland và Úc dày dạn kinh nghiệm, có khả năng thích ứng và bay trên nhiều địa hình. Với khả năng bay ở độ cao 150-3000m so với mặt nước biển của thủy phi cơ, Aaron Shaw và đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật có kinh nghiệm đã và đang tìm kiếm, thiết lập những điểm đỗ an toàn ngay cả trên mặt biển, mặt sông và các đảo, vịnh.

Công suất hoạt động tối thiểu của mỗi chiếc thủy phi cơ là 7 chuyến/ngày (vào mùa đông, do điều kiện thời tiết miền Bắc không thuận lợi). Đến hết năm 2014, đơn vị triển khai dịch vụ sẽ có 3 chiếc thủy phi cơ với tổng số chuyến bay mỗi ngày tối đa đạt 12 chuyến miền Bắc vào cuối tuần và 7 chuyến miền Nam (đã bao gồm chuyến bay ngắm cảnh).

Dịch vụ thủy phi cơ ngắm cảnh Hà Nội – Hạ Long chính thức khai trương vào tháng 9/2014. Mỗi phi cơ sẽ chạy 6 chuyến một chiều chặng Hà Nội – Hạ Long và 6 chuyến ngắm cảnh vịnh. Tới mùa đông, số lượng chuyến bay ngắm cảnh trên vịnh sẽ giảm còn một nửa và triển khai vào tầm trưa nhằm tránh sương mù. Với số lượng thủy phi cơ còn hạn chế, nhà cung cấp dịch vụ dự định vào mùa đông sẽ phân bổ 1 phi cơ ở Hà Nội, 2 phi cơ tại TP Hồ Chí Minh nhằm bao quát và khai thác tốt thị trường.

Theo Zing

Các tin cũ hơn