Nợ lớn vì không biết quản
TS Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng GĐ BHXH Việt Nam cho biết, từ năm 1997 đến nay, nợ chậm đóng BHXH liên tục gia tăng. Nếu như năm 1997, DN cả nước nợ khoảng 307 tỷ đồng, đến hết 31/8/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên tới hơn 11.651 tỷ đồng. “Đây là ngưỡng ở mức báo động đỏ, nếu không có biện pháp kịp thời, quyền lợi của NLĐ tiếp tục bị xâm phạm, gây mất cân đối quỹ BHXH”, ông Sinh nói.
Ông Đỗ Xuân Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hà Nội cho biết, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH tại Hà Nội đang có xu hướng tăng. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng số tiền nợ BHXH trên địa bàn thành phố là 1.413 tỷ đồng.
Quyền lợi NLĐ bị xâm phạm nghiêm trọng khi DN đua nhau nợ đọng BHXH. |
Theo ông Hà, một số DN sử dụng lao động không đóng BHXH cho NLĐ hoặc chỉ đóng một phần, mang tính đối phó. Số khác, chiếm dụng, không trích đóng cho NLĐ với thời gian dài để nợ đọng BHXH số tiền lớn (hoặc cố tình trốn đóng BHXH) cho NLĐ bằng nhiều hình thức: Không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), ký HĐLĐ dưới 3 tháng, không kê khai đầy đủ số lượng lao động cũng như tiền lương của NLĐ khi tham gia BHXH...
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đây là vấn đề đã được nói nhiều, nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để. Theo ông Chính, việc quản lý các DN thuộc đối tượng phải tham gia BHXH đang bất cập, “không quản lý được”. Ông Chính gay gắt: “Cơ quan BHXH không xác định được chính xác số lượng đơn vị, DN có sử dụng lao động cũng như số lượng NLĐ thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, họ chỉ thu được tiền (BHXH) từ số lao động mà các đơn vị, DN tự đăng ký”.
Kẽ hở nhiều, thất thoát hàng ngàn tỷ
Ông Mai Đức Chính cho biết, cơ sở đóng BHXH được quy định trong Luật BHXH 2006 là mức tiền lương ghi trên HĐLĐ. Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động “lách luật”. Thực tế, đa số các DN khu vực ngoài nhà nước chỉ ký HĐLĐ với mức lương ghi trên HĐLĐ bằng hoặc cao hơn một chút so với tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; thấp hơn rất nhiều so với thu nhập thực tế của NLĐ.
“BHXH giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội và tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển KT-XH đất nước... Tuy nhiên, tình trạng DN nợ và trốn đóng BHXH còn nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi chính đáng của hàng ngàn NLĐ”.
Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ |
Theo đó, phần chênh lệch giữa thu nhập thực tế của NLĐ với tiền lương ghi trên HĐLĐ được người sử dụng lao động tách ra thành các khoản phụ cấp và trợ cấp bổ sung khác (tiền phụ cấp đi lại, nhà ở, chuyên cần....) nhằm né tránh việc đóng BHXH.
“Khoản chênh lệch 1 triệu đồng tiền lương này tương đương với 24.000 tỷ đồng/năm. Với mức đóng BHXH kiểu này, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả NLĐ và quỹ BHXH. Vì sau 20-30 năm đóng BHXH, khi NLĐ nghỉ hưu, tiền lương hưu chỉ đạt dưới 75% lương tối thiểu vùng, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu tối thiểu”, ông Chính khẳng định.
Đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, việc đóng BHXH của DN còn ở mức thấp so với thu nhập thực tế của NLĐ. Khó có thể nói DN đã chấp hành nghiêm chính sách về BHXH.
Theo ông Dũng, xảy ra tình trạng trên có nguyên nhân: “Đa số các DN đều đóng BHXH trên số lao động đã đăng ký với cơ quan quản lý lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, số lao động tại DN có thể cao hơn do số lao động mùa vụ và theo công việc thỏa thuận”.
Phải xử lý hình sự
Dù DN trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài, nhưng các biện pháp như xử phạt hành chính, khởi kiện ra tòa... đang áp dụng chưa đủ sức răn đe. Theo TS Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp, thực tế cho thấy, mặc dù cơ quan thi hành án đã tổ chức cưỡng chế bằng việc áp dụng các biện pháp khác nhau (khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá; kê biên, xử lý tài sản...), nhưng việc thi hành án đối với các đơn vị nợ BHXH gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Mai Đức Chính, Ban soạn thảo Luật BHXH nên xem xét một số giải pháp có thể thực hiện như: Bổ sung chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH; bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, BHYT và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT.
Theo Tiền Phong