Liên tục các khoản vay ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng cá nhân vay vốn để mua sắm cuối năm được các ngân hàng tung ra. Lãnh đạo ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank), cho biết: “Thị trường bất động sản với các dự án nhà ở được chào bán với mức giá hấp dẫn, bên cạnh đó, từ khoảng quý 3 tới tới cuối năm cũng là thời điểm tăng tốc cho các hoạt động kinh doanh hàng hóa tiêu dùng. Theo kinh nghiệm thực tế, nhu cầu về vốn, đặc biệt là nguồn vốn giá rẻ của người dân trong khoảng thời gian này rất cao. Vì vậy, các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn ra để tạo “cú huých” góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho các khách hàng”.
Hiện MaritimeBank đang triển khai gói ưu đãi “Vay liền tay, miễn ngay lãi suất” với mức phí ưu đãi nhất 0%/năm cho các khoản vay tiêu dùng, mua nhà, đầu tư kinh doanh, trả góp và các sản phẩm tín dụng cá nhân khác.
|
Khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng trước khi ký vay vốn. |
Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đang tung gói cho vay tiêu dùng cuối năm với lãi suất chỉ 6,99%/năm trong 3 tháng đầu và 12%/năm cho thời gian vay còn lại của khoản vay.
Ngân hàng Bản Việt (Viet CapitalBank) đang dành hạn mức ưu đãi 500 tỷ đồng triển khai chương trình "Thỏa chí tiêu dùng” dành cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng với lãi suất cho vay chỉ từ 7,7%/năm, cố định trong 03 tháng đầu tiên và hưởng lãi suất hấp dẫn trong những tháng sau đó.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cho vay “Ngôi nhà đầu tiên” cho khách hàng cá nhân có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên có thể được vay 600 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 8,9%/năm cho năm đầu tiên. Trả nợ trước hạn sau năm thứ 5 được miễn phí.
Với những gói ưu đãi lãi suất đã giúp khách vay giảm chi phí khá nhiều. Nên vào tháng 2/2014, chị Tuyền (TP.HCM) đã ký hợp đồng vay vốn tại một ngân hàng cổ phần có chi nhánh tại TP.HCM với lãi suất ưu đãi 9,5%/năm trong 6 tháng đầu, sau đó lãi suất được tính theo công bố của NH tùy từng thời điểm. Số tiền chị Tuyền vay là 2,8 tỷ đồng, thời hạn 8,9 năm, tài sản đảm bảo là căn nhà.
Sau 5 tháng vay vốn, vào tháng 7/2014, chị Tuyền cần bán nhà nên đến ngân hàng tất toán khoản vay trên. Vì trả nợ trước hạn nên chị Tuyền phải đóng 2 loại phí gồm: phí thu hồi lãi suất ưu đãi và phí trả nợ trước hạn, tổng cộng số tiền hơn 285 triệu đồng.
Phí phạt trước hạn được ngân hàng tính: 40% x (lãi suất cho vay hiện tại - lãi suất huy động tiết kiệm tại ngày trả nợ) x số tiền trả nợ trước hạn x số ngày trả nợ trước hạn/360. Nên số tiền này là gần 248 triệu đồng, gần bằng 9% tổng dư nợ còn lại của khoản vay. Số tiền 37 triệu đồng phí thu hồi lãi suất ưu đãi đã được ghi rõ trong hợp đồng.
Theo chị Tuyền, chị cũng biết việc NH áp dụng khoản phí phạt trả nợ trước hạn nhưng chỉ được nhân viên tín dụng tư vấn mức lãi phạt chỉ 1,6% trên tổng số tiền trả trước hạn, nhưng lúc trả thì mức phí quá cao và trong hợp đồng tín dụng không ghi cụ thể công thức tính gây thiệt hại cho khách hàng.
Chị Thanh Tú (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng phải ấm ức khi vay 1 tỷ đồng thời hạn 10 năm, thế chấp căn nhà. Khi vay được 7 tháng vì có việc gấp chị phải bán căn nhà đang thế chấp và tất toán hợp đồng trước hạn, chị bị nhà băng phạt hơn 80 triệu đồng, gần bằng 8% dư nợ gốc còn lại.
Vấn đề phạt phí trả nợ trước hạn đối với khách hàng của ngân hàng là quy định từ trước đến nay. Mức này dao động từ 1-3%/ số tiền trả trước hạn. Thông thường khi cho vay ngân hàng không cho khách hàng tất toán hợp đồng trong năm đầu tiên, nếu có thì khách hàng phải làm đơn xin trả nợ trước hạn và được sự đồng ý của ngân hàng, tất nhiên khách hàng cũng phải chịu một khoản đền bù.
Do vậy, với các khoản vay ưu đãi lãi suất trong các gói tín dụng được các ngân hàng tung ra thì khách hàng cần thận trọng. Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, với các khoản vay có lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu thì ngân hàng yêu cầu khách hàng không trả trước hạn trong một thời gian nhất định. Nếu khách hàng quyết định trả trong “thời gian cấm” này sẽ bị tính phí rất cao, do các ngân hàng tính vào phần bù lãi suất ưu đãi mà khách hàng đã được hưởng là 0%, 6,99%, 7,7%, 8,9%...
Theo Infonet