Nếu không có biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản, lạm phát cả năm 2014 chỉ trong khoảng 3 - 4%. Điều này tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất (LS). LS huy động tiền đồng kỳ hạn 6 tháng hiện đã giảm từ mức 7,1%/năm hồi đầu năm xuống còn 6,1%/năm; lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm cũng giảm từ mức 7%/năm xuống còn 5%/năm.
Mặc dù tổng cầu cải thiện nhưng chưa đủ lực để tạo sức bật cho nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm, có 48.330 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là tiêu dùng tư nhân cải thiện chậm và đầu tư tư nhân ở mức thấp. Tổng cầu thấp và nợ xấu là 2 nguyên nhân cơ bản cản trở đầu tư tư nhân. Tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm so với kỳ vọng, do lợi ích của việc các ngân hàng bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản VAMC theo cơ chế hiện hành chưa đủ sức khuyến khích các tổ chức tín dụng tích cực bán nợ xấu, LS trên thị trường liên ngân hàng đang thấp hơn đáng kể LS tái cấp vốn đối với trái phiếu của VAMC. Tiến độ phát mãi tài sản đảm bảo phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, thủ tục tố tụng, thi hành án kéo dài, thủ tục phát mãi phức tạp rườm rà cũng là nguyên nhân kéo dài tiến độ xử lý nợ xấu của ngân hàng.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra 5 đề xuất: NHNN xem xét cung cấp vốn LS thấp cho các ngân hàng nhằm tạo điều kiện giảm LS cho vay, nghiên cứu sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước để VAMC mua nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính giúp DN giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, tái cấu trúc DN nhà nước...
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, trong 9 tháng đầu năm có 53.200 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 320.350 tỉ đồng, giảm 8,7% về số lượng và tăng 13,9% về số vốn so với cùng kỳ.
Theo Thanh Niên