Thuế bia tăng cao vút, doanh nghiệp nội lo "chết yểu"

Thứ tư, 01/10/2014, 09:59
Chủ tịch Sabeco lo lắng, nếu mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia cứ tăng vút như lộ trình đề xuất của Bộ Tài chính thì “bia nội sẽ chết yểu.

Chuyện sống – còn của ngành sản xuất bia, rượu khi tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng này một lần nữa lại làm nóng hội thảo “Vai trò ngành bia trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) tổ chức.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu thuần sản xuất bia giai đoạn 2009-2013 bình quân gần 20%/năm, từ mức 21.600 tỷ đồng năm 2009 lên 45.400 tỷ đồng năm 2013. Lợi nhuận ngành bia trong vòng 5 năm (2009 – 2013) đã tăng gần 4 lần, từ 2.510 tỷ đồng năm 2009, vọt lên 10.150 tỷ đồng năm 2013.

Kết quả phân tích của công ty Nghiên cứu Chính sách Regioplan (Hà Lan) cho thấy, sau hơn một năm áp mức thuế suất TTĐB mới dành cho mặt hàng bia (50% từ 1/1/2013), sản lượng bia giảm 8,2%, lượng tiêu thụ cũng giảm 7,5%.

Ví nhu cầu uống bia của người dân giống như một “nhu cầu sinh học”, ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bức xúc, nếu tăng thuế cao quá sẽ làm giá bia tăng lên, và tức khắc người tiêu dùng sẽ tìm tới những đồ uống có cồn không đảm bảo chất lượng thay cho bia mỗi khi có nhu cầu uống.

“Đơn giản thôi, lúc đó bia cỏ, rượu tự nấu không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lại có “đất sống”, ông Tuất nói và dẫn chứng, hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại men tạo độ cồn công nghiệp trôi nổi với giá rất rẻ. Chỉ cần một viên con con bỏ vào 2 lít nước là ngay tức khắc đã có bia, rượu để uống rồi.

Thêm vào đó, thuế đánh vào bia cứ cao vút như lộ trình đặt ra thì ngành bia nội sẽ rơi vào thảm cảnh “bị triệt tiêu” trước bia ngoại, mà mục tiêu đảm bảo sức khoẻ người dân và tăng thu ngân sách Nhà nước thì không đạt được.

Trong khi DN sản xuất bia ngoại có biên độ lợi nhuận dày, thuế có đánh cao nữa họ vẫn sẽ “nhởn nhơ” thì các DN sản xuất bia trong nước với biên độ lợi nhuận mỏng, tăng thuế quá cao sẽ “dính đòn” ngay.

“Nếu thuế tăng vút theo lộ trình thì vô hình chung là sẽ triệt bia nội, tăng lợi thế cho bia ngoại. Và đến một ngày đẹp trời trên thị trường Việt Nam sẽ chỉ còn bia ngoại, bia sản xuất trong nước lúc đó chỉ còn là thương hiệu “vang bóng một thời”, ông Phan Đăng Tuất chia sẻ.

Về mục tiêu đặt ra trong chiến lược tăng thuế TTĐB đối với bia là sẽ vừa làm tăng thu ngân sách, vừa giảm tiêu dùng bia, ông Tuất nói thẳng, không thể cùng một lúc trong một chiến lược lại có thể đặt ra hai mục tiêu “đối ngẫu” nhau như vậy. Tức là, khi đặt mục tiêu tăng thuế TTĐB thì hoặc sẽ chỉ đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng, hoặc tăng thu ngân sách.

“Đây là mục tiêu đối ngẫu, anh theo đuổi mục tiêu này thì phải triệt tiêu mục tiêu kia. Tôi sẵn sàng đối chất với Bộ Tài chính về chiến lược này”, ông Tuất quả quyết.

Mỗi năm bình quân mỗi người Việt uống 30 lít bia.

Mỗi năm bình quân mỗi người Việt uống 30 lít bia.

Lo lắng này của Chủ tịch Sabeco không phải không có cơ sở, khi thực tế những thương hiệu sản phẩm Việt đình đám một thời như Dạ Lan, Ngọc Lan…. Đã biến mất tăm trên thị trường trong cuộc đua cạnh tranh với các nhãn hàng ngoại khi Việt Nam mở cửa hội nhập.

Công nhận mặt hàng bia, rượu đang chịu mức thuế suất cao, nhưng ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, không thể không thực hiện. Ông Thi cho biết, ở các nước phát triển họ đánh thuế TTĐB tuyệt đối trên bia, trong khi Việt Nam chỉ đánh thuế tương đối để “lường sức” cho DN sản xuất trong nước. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, dự kiến thuế đánh vào mặt hàng bia sẽ tăng thêm 15% trong vòng 3 năm tới, tới năm 2018 thuế suất TTĐB đối với bia sẽ là 65%.

“Nếu mỗi năm thuế tăng thêm 5%, thì với mức lợi nhuận khoảng trên 10.000 tỷ đồng của ngành bia năm 2013 chỉ khiến DN giảm bớt chút ít lãi, chứ không hẳn tác động tới động lớn tới sản xuất. Còn người tiêu dùng sẽ thích ứng dần, giảm tiêu dùng bia cũng như đồ uống có cồn hại cho sức khoẻ. Ngành thuế đưa ra lộ trình tăng thuế cũng là để tránh sốc cho DN sản xuất trong nước”.

Còn với quan điểm tăng thuế đánh vào mặt hàng bia sẽ khiến người dân chuyển sang uống bia cỏ, rượu tự nấu, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nhấn mạnh, là thiếu căn cứ. Thậm chí, theo thống kê của ngành thuế thì những năm gần đây sản lượng bia hơi, bia cỏ đã giảm sút đáng kể, chứng tỏ khi thu nhập tăng lên thì người dân sẽ tìm đến sản phẩm có chất lượng.

Trước đề xuất tăng mạnh thuế TTĐB đối với bia, rượu ông Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cảnh báo, cần cân nhắc tăng thuế TTĐB với bia. Nếu "cực chẳng đã" phải tăng cũng cần đưa lộ trình phù hợp 3-5 năm, sau khi ban hành nên giữ ổn định trong vòng 5 năm.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn