Samsung: Đầu tư vào Việt Nam ổn định hơn

Thứ tư, 01/10/2014, 15:03
Ông Ha Chan Ho - Cố vấn Chiến lược của Tập đoàn Samsung, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam hy vọng môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ còn được cải thiện hơn trong thời gian tới.

- Tính lũy kế đến tháng 6/2014, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn nhất. Ông có bình luận gì về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam?

- Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn tại Việt Nam. Nhưng ngoài chúng tôi ra còn có các nhà đầu tư lớn khác là Nhật Bản, Đài Loan... Theo tôi, xu thế đầu tư của các doanh nghiệp vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa bởi điều kiện đầu tư tại Việt Nam thuận lợi, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia khác, các nhà đầu tư đều nhận thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam ổn định hơn các nơi khác.

Đặc biệt, trong thời gian tới khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), cùng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trở thành hiện thực, các nhà đầu tư hy vọng, môi trường đầu tư ở Việt Nam sẽ còn được cải thiện nhiều hơn nữa.

Ông Ha Chan Ho - Cố vấn Chiến lược của Tập đoàn Samsung, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông Ha Chan Ho - Cố vấn Chiến lược của Tập đoàn Samsung, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

- Có yếu tố nào khiến các ông lo ngại không?

- Vấn đề khiến chúng tôi lo lắng hay lo ngại thì không có, nhưng điểm yếu và thiếu thì còn rất nhiều. Để khắc phục những điều này, Chính phủ Việt Nam sẽ cần phải có sự điều chỉnh về quy định pháp luật và không ngừng nâng cao cải thiện các quy định, cũng như các văn bản pháp luật và có sự tổng hợp đánh giá các ý kiến không hài lòng của các nhà đầu tư.

Có như vậy thì Việt Nam sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nếu nội dung này được khắc phục hơn nữa, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ còn hấp dẫn hơn.

- Đó có phải là lý do để Samsung quyết định đầu tư lớn ở Việt Nam, các ông tin tưởng vào điều gì?

- Hiện giờ, đầu tư của Samsung điện tử tại Việt Nam đã đạt tới 5,5 tỷ USD. Khi dự án Nhà máy điện tử, điện gia dụng tại TP.HCM chính thức được khởi động thì sẽ nâng con số này lên 7 tỷ USD. Ngoài ra, các công ty con khác của Samsung cũng đã và đang chọn Việt Nam là điểm đến cho những đầu tư của mình. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, quy mô đầu tư của Samsung tại Việt Nam trong tương lai sẽ còn tăng hơn nữa.

Đến nay, Samsung có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam được năm năm. Chúng tôi đã có những thích ứng rất tốt các điều kiện của địa phương Việt Nam, cũng như hoạt động sản xuất của Samsung đã thu được kết quả khả quan. Bởi vậy, chúng tôi vẫn có kế hoạch tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.

Lý do khác, Samsung quyết định đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong thời gian ngắn như vậy là do có liên quan mật thiết đến tình hình của thị trường. Hiện nhu cầu điện thoại thông minh trên toàn thế giới đã tăng nhanh chóng, với việc đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu đó.

Một yếu tố nữa cũng tác động tới niềm tin của chúng tôi đó chính là Chính phủ và người dân Việt Nam. Nguồn lao động Việt Nam dồi dào, còn Chính phủ Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ chúng tôi rất tích cực về các vấn đề liên quan tới chế độ chính sách và hạ tầng… Những yếu tố đó đã đáp ứng mong muốn, cũng như sự hài lòng của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, trong suốt quá trình đầu tư, chúng tôi đã không ngừng tích lũy thêm niềm tin để tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam.

- Samsung đánh giá thế nào về các kết quả đạt được so với các kế hoạch đã đặt ra tại Việt Nam?

-Cho đến nay, Samsung vẫn liên tục nâng cao quy mô đầu tư vào Việt Nam. Hiện giờ số lao động tại Bắc Ninh là 40.000 người, ở Thái Nguyên là 20.000 người. Sau này, với quy mô tiếp tục phát triển như hiện giờ, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục tuyển thêm 30.000 lao động nữa. Tổng cộng các dự án có thể sử dụng khoảng 90.000 lao động Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam, cơ sở hạ tầng rất tốt, trên mức mong đợi của chúng tôi. Chúng tôi hài lòng với trình độ tay nghề của người lao động Việt Nam. Đặc biệt, trong ngành điện tử, người lao động Việt Nam đã đáp ứng tốt yêu cầu lắp ráp các sản phẩm điện tử với tay nghề cao, khéo léo, mức độ nhanh nhạy.

Đặc biệt, không chỉ các lao động lắp ráp đơn thuần, lao động có trình độ tri thức cao hiện tại ở Samsung không hiếm, đã có đến khoảng 10% trên tổng số lao động. Đây chính là những chuyên gia trong lĩnh vực IT, chúng tôi cũng rất hài lòng đối với đội ngũ này. Tại Trung tâm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) có khoảng 1.200 cán bộ nghiên cứu đang làm việc. Đây thực sự là nguồn nhân lực trình độ cao và là những người sẽ dẫn dắt cho tương lai của ngành công nghệ IT Việt Nam.

- Khi Samsung đang có nhu cầu tìm kiếm các nhà sản xuất thứ cấp, doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu trở thành nhà sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ cho các nhà máy của Samsung. Tại sao hai bên vẫn chưa gặp nhau?

-Công nghiệp phụ trợ là lĩnh vực không dễ dàng như chúng ta vẫn nghĩ. Để tham gia vào lĩnh vực này, các doanh nghiệp Việt Nam phải trong tư thế sẵn sàng và có những bước chuẩn bị. Tuy nhiên, hiện trạng của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của phía Samsung về công nghiệp phụ trợ, mặc dù cùng có nhu cầu nhưng hai bên vẫn chưa gặp nhau.

Gần đây, thông qua nhiều hội thảo, Samsung mong muốn doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin về nền tảng để nghiên cứu, tìm hiểu các nhu cầu, cũng như yêu cầu của Samsung, để phần nào thay đổi và đáp ứng các yêu cầu đó. Cụ thể, trong hội thảo được tổ chức hai tuần trước, chúng tôi đã trình bày rất rõ những linh, phụ kiện mà chúng tôi cần, những tiêu chuẩn của các linh, phụ kiện này, cũng như những bước cần thiết để trở thành nhà cung cấp cho Samsung.

Các nhà cung cấp cho Samsung bao gồm các nhà cung cấp cấp 1, 2, 3. Theo tôi, ở giai đoạn hiện nay, nếu trình độ của doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ đáp ứng tiêu chuẩn trở thành nhà cung cấp cấp 1, cung cấp trực tiếp cho Samsung, thì họ hoàn toàn có thể là nhà cung cấp cho các nhà cung cấp thứ cấp cho Samsung. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng này thì nên khởi đầu như vậy.

Theo TGVN

Các tin cũ hơn