Thông tin cá nhân của bạn bị bán cho ai?

Thứ tư, 08/10/2014, 08:29
Dữ liệu từ các công ty môi giới thông tin có thể được chính trị gia hoặc quỹ từ thiện mua lại để tìm nhà tài trợ, còn bệnh viện và trường học dùng để tìm bệnh nhân hay học sinh.

1. Chính trị gia

romney-3555-1412680525.jpg

Các chính trị gia có thể mua thông tin cá nhân để tìm nhà tài trợ. Ảnh: Reuters

Các chính trị gia xác định cử tri và nhà tài trợ tiềm năng bằng cách xem xét những thông tin về tài sản, lịch sử bỏ phiếu và đảng phái chính trị mà bạn ủng hộ.

Nhưng đó vẫn chưa phải tất cả. Bằng việc mua lại báo cáo về những khoản chi tiêu, thói quen lướt web và hoạt động trên mạng xã hội, các chính trị gia có thể biết được vấn đề bạn đang quan tâm, thu nhập của bạn và từ đó tìm ra cách tốt nhất để tiếp cận.

“Công nghệ Big Data (tập hợp dữ liệu khổng lồ) cho phép chúng tôi biết rõ họ là ai, đang ở đâu, bao nhiêu tuổi và hoạt động gì trên mạng xã hội”, Jake Rosen - chiến lược gia từ công ty truyền thông và marketing Fleishamn-Hillard cho biết trong một báo cáo về phân tích dữ liệu năm 2012.

“Điều đáng nói là rất nhiều người Mỹ không hề biết rằng thông tin của họ đang bị theo dõi và kể cả biết thì họ cũng không có cách nào can thiệp” - theo Jeffrey Chester, giám đốc điều hành của Trung tâm Dân chủ Kỹ thuật số (CDD) cho biết trên CNN.

2. Công ty thu nợ

Nếu bạn đang là đối tượng của một công ty đòi nợ thuê, đừng quá ngạc nhiên khi thấy họ gần như biết mọi thứ về bạn, bởi các thông tin của bạn đã bị họ mua lại.

Trên trang web của mình, TLO - thuộc công ty quản lý thông tin TransUnion, công bố họ sẽ bán dữ liệu cá nhân của bạn cho những công ty thu nợ, bao gồm cả thông tin về số điện thoại, tài sản sở hữu, thậm chí cả tên bạn bè và người thân trong gia đình. Tuy nhiên, TransUnion khẳng định khách hàng của họ sẽ phải trải qua quá trình chứng nhận nghiêm ngặt trước khi tiếp cận được với các thông tin trên.

3. Bệnh viện và các công ty bảo hiểm

Các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe và các công ty bảo hiểm nói rằng họ mua thông tin để giúp bệnh nhân có được lối sống lành mạnh hơn. Công ty bảo hiểm sức khỏe Blue Cross Blue Shield (BCBS) ở Bắc California cho biết họ mua thông tin khách hàng để xác định liệu ai sẽ cần các phương pháp điều trị bổ sung, như với bệnh béo phì hay tiểu đường.

Trong khi đó, Carolinas HealthCare System - chuỗi bệnh viện, phòng khám và trung tâm y học ở California, lại thí nghiệm kết hợp thông tin khách hàng với lịch sử sức khỏe để đưa ra những dự đoán như nguy cơ mắc chứng đau tim.

“Chúng tôi có thể chăm sóc bệnh nhân hiệu quả hơn như cách mà người ta dùng để bán được nhiều hàng hơn,” theo tiến sĩ Michael Dulin, giám đốc phân tích và nghiên cứu của BCBS. Ông còn khẳng định các thông tin có được từ các hãng môi giới thông tin sẽ không được tiết lộ với bên thứ ba.

4. Kẻ trộm và lừa đảo

Đột nhập vào máy tính cá nhân không phải là cách duy nhất để những tên trộm lấy được thông tin của bạn, như tên, địa chỉ và tình hình tài chính. Đôi khi, chúng còn mua được những dữ liệu này từ công ty môi giới thông tin.

Chẳng hạn, đại gia tín dụng Experian thừa nhận một chi nhánh của họ đã từng vô tình bán thông tin của hàng triệu người Mỹ cho một hacker Việt Nam có tên Ngô Minh Hiếu, gồm cả địa chỉ và số giấy phép lái xe. Người này sau đó đã bán lại các dữ liệu này cho những kẻ chuyên trộm danh tính.

Dù Experian bào chữa đây chỉ là một trường hợp đáng tiếc và đơn lẻ, những nhà lập pháp cho rằng vụ việc này cho thấy luật pháp cần phải được thắt chặt hơn nữa.

5. Tổ chức từ thiện

Theo cơ quan giám sát Charity Navigator, rất nhiều tổ chức từ thiện thu lợi bằng cách bán thông tin của nhà tài trợ cho các tổ chức từ thiện khác. Chúng sau đó sẽ được sử dụng để chào mời các nhà đầu tư vào quỹ của mình.

Để tránh bị bán thông tin, một là bạn đóng góp thật lớn (khi ấy, các quỹ sẽ tự có ý thức giữ danh tính cho các nhà hảo tâm lớn), hoặc nên kiểm tra kĩ chính sách bảo mật trước khi quyết định quyên góp. Dù vậy, một số quỹ từ thiện thậm chí cũng chẳng có chính sách nào về vấn đề này.

6. Trường đại học

Nhiều trường đại học cũng muốn thu thập thông tin của các cựu sinh viên để tìm kiếm tài trợ cho nhà trường, nhất là với những người có tình hình tài chính khả quan. Đây cũng là cách họ thu hút đầu vào, khi mua lại thông tin của học sinh trung học, từ bảng điểm, chuyên ngành theo đuổi cho tới tôn giáo tín ngưỡng và tiểu sử cha mẹ.

Nhà trường tuyên bố rằng các dữ liệu này sẽ giúp họ xác định được sinh viên tiềm năng. Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền riêng tư lại lo lắng điều này sẽ tạo ra phân biệt đối xử trong trường học.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn