Tại cuộc họp giữa UBND TP.HCM với các DN Nhà nước (DNNN) trên địa bàn thành phố ngày 7/10, đại diện của công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết hiện việc thực hiện CPH công ty Giám định Rồng Vàng SJC đang khó tìm nhà đầu tư để mua lại phần thoái vốn. Nhưng khi tìm được thì Ủy Ban Chứng khoán (UBCK) lại yêu cầu phải nộp hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, mà công ty này lại chưa cổ phần hóa.
Trước đây, việc chào bán vốn để CPH khi thoái vốn theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP không phải xin phép UBCK, nhưng nay Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg lại quy định phải thông qua UBCK vì đây là phần vốn của Nhà nước.
Bên cạnh đó, khi kiểm toán thì kết quả cho thấy công ty bị lỗ thì cũng không được chào bán theo quy định của chào bán chứng khoán cũng gây khó khăn cho việc thoái vốn.
Còn đại diện của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn cho rằng việc xác định giá trị DN do có tính phần lợi nhuận 3 năm liền kề trước đó từ năm 2011, 2012 và 2013 khiến cho giá trị DN đội lên rất cao, lên tới 30.000-40.000 đồng/cổ phần, trong khi giá của nhiều DN địa ốc hiện nay trên sàn chứng khoán 10.000 đồng/cổ phần nhà đầu tư cũng không mua.
Hiện Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng đang chậm tiến độ CPH do công ty đang quản lý 20 mặt bằng, nhà xưởng, hay việc thuê đất của các địa phương để trồng rừng nên việc thẩm định giá cũng phải xin ý kiến các tỉnh. Do có nhiều mặt bằng và đất đai thuê nên Tổng công ty cũng đang rất lúng túng trong việc xác định giá trị DN làm sao không thiệt thòi cho Nhà nước. Quyết định 51 mới ban hành cũng không đề cập đến việc xác định giá trị cổ phần khi thoái vốn, chỉ quy định là xác định theo giá trị sổ sách. Hiện nay, Bộ Tài Chính cũng chưa có hướng dẫn đối với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn về vấn đề này.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng quá trình CPH các DNNN tại TP.HCM năm 2014 đến nay đã cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ. Vấn đề hiện nay là các DN đang tập trung vào thoái vốn, nếu DN thấy cần điều chỉnh thì cứ điều chỉnh và gửi lên Ban đổi mới DNNN của UBND TP.HCM xem xét. Nhưng dù điều chỉnh thế nào thì đến năm 2015, TP.HCM phải hoàn tất việc CPH các DNNN trên địa bàn đúng như dự kiến.
Việc thoái vốn của các đơn vị thực hiện CPH phải thực hiện dàn trải trong năm chứ không nên dồn vào cuối năm.
Trong 02 năm 2014 và 2015 các DNNN đã cổ phần hóa (CPH) tại TP.HCM đã thoái vốn được 2.000 tỷ đồng.
Theo Infonet