Kho báu ngầm chờ tỷ phú Vượng, đại gia Hạnh Nguyễn

Thứ tư, 22/10/2014, 11:24
Nhiều DNNN nhanh chóng rơi vào tầm ngắm thâu tóm, liên kết của các đại gia trong nước khi cổ phần hóa. Điều gì hấp dẫn khiến các ông trùm tư nhân mạnh tay bỏ ngàn tỷ vào các ông lớn nhà nước này?

Đất đai và lợi thế: Điều không bàn cãi

Giữa tháng 9/2014, trước thời điểm IPO, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: hai tập đoàn tư nhân lớn đăng ký mua toàn bộ 120 triệu cổ phần (tương đương 24%) mà Vinatex để dành cho cổ đông chiến lược. Phiên IPO ngày 22/9 sau đó cũng đã chứng kiến một NĐT trong nước trúng phần lớn trong số hơn 120 triệu cổ phần đấu giá.

Chi tiết thông tin về quyết định đầu tư chưa hoặc có thể không được công bố theo thỏa thuận giữa các bên. Mức giá được đánh giá bằng với giá khởi điểm 11.000 đồng/cp cùng với một số điều khoản về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia điều hành DN.

Tham vọng đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào Vinatex của hai đại gia tư nhân Vingroup và VID Group một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của các DNNN dù kinh doanh có nhiều khó khăn.

Lý giải hiện tượng này, một CTCK cho rằng, việc hợp tác giữa các tập đoàn tư nhân lớn với Vinatex là thương vụ có lợi cho cả hai bên. Với hơn nửa triệu mét vuông đất đang nắm giữ, Vinatex là một miếng bánh thèm muốn của nhiều đại gia có chiến lược đầu tư dài hạn, hướng tới việc khai thác giá trị của một quỹ đất khổng lồ.

cổ-phần-hóa, thoái-vốn, DNNN, doanh-nghiệp-nhà-nước, tập-đoàn, tổng-công-ty, Vinatex, Vingroup, tập-đoàn-điện-lực, Sasco, Geleximco, Phạm-Nhật-Vượng, Vũ-Văn-Tiền, Hạnh-Nguyễn, Tăng-Thanh-Hà

Vinatex đang sở hữu một những giá trị vô hình to lớn

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng với Vingroup đã từng khá thành công với hai khu đô thị ở Hà Nội: Times City và Royal City - vốn được xây trên đất cũ của Nhà máy cơ khí số 1; nhà máy Dệt 8/3 và Hanosimex.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng đang sở hữu một những giá trị vô hình to lớn. Đó là nhiều thương hiệu dệt may hàng đầu, là vị trí đầu ngành, hệ thống phân phối lớn, quy trình sản xuất khép kín, vượt trội so với các DN cùng ngành.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đầu tư vào Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) cũng cho thấy ông trùm hàng hiệu Việt Nam này ngoài nhắm tới quỹ đất đầy tiềm năng thì vị thế kinh doanh có một không hai của SASCO tại sân bay Tân Sơn Nhất là điều không thể bỏ qua.

Gần đây, giới đầu tư đã chứng kiến rất nhiều vụ thâu tóm rùm beng liên quan tới đất đai của các đại gia đối với các DNNN khi CPH như vụ: Intimex với hàng loạt các lô đất kim cương quanh trung tâm Hà Nội; Kem Tràng Tiền; Khách sạn Phú Gia bên cạnh hồ Hoàn Kiếm; Công ty Bánh tôm Hồ Tây...

Thực tế, lịch sử CPH cho thấy, ở một số trường hợp, lợi thế thương quyền về đất đai, lợi thế về thương hiệu và tiềm năng thực sự của những DN từng là trụ cột của nền kinh tế đã không được tính tới hoặc tính chưa hết. Sự nhập nhằng giữa đất thuê của Nhà nước với giá trị sử dụng thật khiến chỉ có một số ít người mới hiểu được vị thế thực sự của DN. Và đó chính là kho báu ngầm của những doanh nhân kinh doanh thực thụ, đầy nhạy bén và tham vọng.

Tiềm năng cao và cơ hội giá rẻ

Ngày 9/10, tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), cơ quan chức năng đã công bố các chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK.

Theo số liệu mới nhất, tiến trình CPH và thoái vốn DNNN trong 9 tháng đầu năm đã có nhiều tiến triển so với năm trước nhưng còn rất chậm so với kế hoạch. Đến nay, mới chỉ có 71 DNNN thực hiện cổ phần hóa, trong tổng số 432 DN theo kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2014-2015. Trong đó, khoản tiền 21.000 tỷ đồng mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đầu tư ngoài ngành cần thoái vốn nhưng mới thoái được khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng, tương đương trên 20%.

cổ-phần-hóa, thoái-vốn, DNNN, doanh-nghiệp-nhà-nước, tập-đoàn, tổng-công-ty, Vinatex, Vingroup, tập-đoàn-điện-lực, Sasco, Geleximco, Phạm-Nhật-Vượng, Vũ-Văn-Tiền, Hạnh-Nguyễn, Tăng-Thanh-Hà

Phương án cổ phần hóa Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) vừa được phê duyệt

Như vậy, cơ hội đầu tư vào các DNNN lắm tài nguyên, nhiều lợi thế còn rất nhiều. Cũng trong hội nghị, đại diện Nhà nước cũng làm rõ Quyết định 51 với nội dung quan trọng là giúp các DN gỡ các nút thắt trong quá trình thoái vốn Nhà nước. Theo đó, DN có thể thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách.

Gần đây, giới đầu tư khá quan tâm tới kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Đây là một DN được đánh giá là rất trì trệ của ngành giao thông - vận tải. Nhưng với các NĐT lại là một tiềm năng.

Với hàng chục DN trực thuộc, VNR đang sở hữu một quỹ đất rất lớn từ Bắc chí Nam. Trong khi thị trường BĐS suy giảm, trong kế hoạch phát triển, VNR vẫn tính tới phương án kêu gọi các NĐT chiến lược cùng thành lập một số CTCP tham gia vào xây dựng đường sắt và kinh doanh quỹ đất do TCT quản lý.

Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) cũng vừa được phê duyệt. Theo đó, Nhà nước sẽ bán ra gần 61 triệu cổ phần trong thời gian ngắn tới. Seaprodex được biết đến là một DNNN đang quản lý cả chục BĐS mỗi lô trị giá vài trăm cho tới cả nghìn tỷ, tại TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu...

Còn khá nhiều các DN nhiều tiềm năng, lợi thế sẽ CPH từ nay cho tới cuối 2015. Đây là nguồn hàng lớn cho thị trường và là cơ hội cho các NĐT. Một số DN khác công khai về tài sản, đất đai và lợi thế của mình như Seaprodex. Tuy nhiên, cũng có không ít DN không bộc lộ hết những giá trị nội tại của DN. Nhiều báo cáo khá phiến diện khiến giới đầu tư không thực sự mặn mà nhưng vẫn được các đại gia đổ núi tiền vào nắm giữ cổ phần.

Những vụ cổ phần hóa DN không tính tới, tính hết giá trị của DN như Kem Tràng Tiền, Intimex, Phú Gia, Bánh tôm Hồ Tây... là bài học đáng giá cho CPH. Làn sóng cổ phần hóa sắp tới nếu thiếu công khai minh bạch và không tính toán hết các tiềm năng lợi thế thì câu chuyện cũ có thể lặp lại. Và nhiều con cá mập vẫn đang chờ để thâu tóm tiềm năng lớn với giá rẻ.

Theo Vef

Các tin cũ hơn