Ngày 22/10, Công ty cổ phần Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) của Nhật Bản khai trương nhà máy lắp ráp cửa cho máy bay Boeng 777 tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.
Theo ông Shigeifumi Tatsumi, Phó chủ tịch MHI, công ty con MHIVA của họ là doanh nghiệp đầu tiên triển khai việc sản xuất các bộ phận cho máy bay thương mại ở Việt Nam. Trước đó, MHIVA đã xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất cánh tà cho máy bay Boeing 737 từ năm 2007 tại khu công nghiệp này. Từ đó đến nay, công ty đã sản xuất được 1.000 cánh tà.
Ông Shigeifumi Tatsumi, Phó chủ tịch MHI. Ảnh: Thanh Bình |
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhận định, hiện nay công nhân Việt Nam ở nhà máy chỉ dừng lại ở mức lắp ráp. Các chi tiết của cánh tà và cửa đều được sản xuất ở Nhật rồi mang sang Việt Nam ráp lại thành cánh, cửa hoàn chỉnh. Sau đó, các bộ phận này chuyển sang nhà máy của Boeing tại Mỹ để lắp vào máy bay. Trong khi, hiện nay Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh ngành công nghệ phụ trợ, từ đào tạo nhân lực chất lượng cao đến áp dụng nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp. Do đó, ông bày tỏ hy vọng trong tương lai, MHI sẽ triển khai sản xuất linh kiện ở Việt Nam.
Trả lời vấn đề này, ông Yoshiki Ito, Tổng giám đốc của MHIVA cho biết hiện nay mỗi cánh cửa máy bay Boeing 777 có 6.500 chi tiết và tất cả đều đang được sản xuất tại Nhật Bản. Trong tương lai, công ty có kế hoạch thuê ngoài sản xuất 10%, bao gồm các loại linh kiện đơn giản nhất như ốc vít. Tuy nhiên, theo ông Yoshiki Ito, công nhân Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất được. "Việc sản xuất linh kiện máy bay tương đối khó khăn, đòi hỏi nhiều yếu tố, chứng chỉ trong ngành hàng không", ông nói.
Lý giải vì sao chuyển nhà máy lắp ráp từ Nhật sang Việt Nam, Tổng giám đốc của MHIVA cho biết tay nghề lắp ráp của các công nhân Việt Nam khá cao, chi phí cho nhân công thấp hơn nhiều so với Nhật.
Hiện nay nhà máy MHIVA có khoảng 100 công nhân Việt Nam, trình độ từ hết lớp 12 đến tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và một số liên thông lên đại học. Hằng năm, công ty đưa một số công nhân sang Nhật để đào tạo.
Công suất của nhà máy hiện nay là 30 cặp cánh một tháng. Sau khi khai trương dây chuyền lắp ráp cửa từ hôm nay, dự kiến nhà máy sẽ cho ra 4-8 cửa mỗi tháng, trong tương lai nâng lên 32 cửa nên dự kiến sẽ tuyển thêm nhiều công nhân Việt Nam. Hiện MHI là một trong hai doanh nghiệp nước ngoài sản xuất linh kiện máy bay cho Boeing, bên cạnh nhà máy của Công ty Nikkiso (Nhật Bản) hoạt động từ năm 2010.
Theo VnExpress