Ngập trong đống nợ với vay tín chấp

Thứ hai, 10/11/2014, 07:48
Khi tiếp cận với ngân hàng để làm hồ sơ cho vay, khách hàng thường chỉ nhìn vào lãi suất. Tuy nhiên, cần lưu ý đến phương thức trả lãi cũng như các phí khác.

Nhiều người đã rơi vào tình cảnh è cổ ra trả nợ chỉ vì chưa đọc kỹ các hợp đồng khi vay tín chấp.

Người dân nghiên cứu tờ rơi hướng dẫn cho vay tín chấp để mua xe máy tại một cửa hàng trên đường Khánh Hội, Q.4, TP.HCM - Ảnh: Thuận thắng
Người dân nghiên cứu tờ rơi hướng dẫn cho vay tín chấp để mua xe máy tại một cửa hàng trên đường Khánh Hội, Q.4, TP.HCM.
Vay 31 triệu, trả lãi hơn 21 triệu
Vay mua xe, phải bán xe trả nợ

Ngoài cho vay tiền mặt, vay mua sắm đồ dùng, dịch vụ cho vay mua xe trả góp của các công ty tài chính được nhiều người dân tiếp cận nhưng cũng nhanh chóng thất vọng.

Đó là trường hợp của Thùy Trinh, một giáo viên tại quận 2, TP.HCM. Tháng 8/2011, chị Trinh mua xe máy ở cửa hàng gần nhà trị giá 41 triệu đồng.

Không đủ tiền trả nên cửa hàng giới thiệu chị với một công ty tài chính để vay số tiền thiếu còn lại là 20 triệu đồng.

Với khoản vay trong 36 tháng, mỗi tháng chị Trinh trả 1,35 triệu đồng tiền gốc và lãi.

“Khi giao dịch, tôi được nhân viên tín dụng thông báo rằng, tôi là công nhân viên chức nên được ưu đãi. Do đó, khi nhân viên tín dụng yêu cầu gì tôi đều đáp ứng, trong đó photo chứng từ liên quan đến việc trả lương, giấy hợp đồng lao động và cung cấp cả số điện thoại những đồng nghiệp”. chị Trinh kể.

Tuy nhiên, trong quá trình vay, có những thời điểm điều kiện tài chính không ổn định nên có nhiều tháng chị Trinh đành phải trả chậm so với quy định, phải chấp nhận bị phạt lãi suất.

“Nhưng hành xử của nhân viên tín dụng rất kỳ quặc, họ điện thoại tới nhà tôi, quát tháo, đe dọa, con cái, vợ chồng mẹ già họ không tha cho ai miễn sao đòi được tiền”, chị Trinh kể.

Để yên ổn, cuối cùng chị đành cho phương án thanh lý xe, tất toán khoản vay trước thời hạn. Trả trước hạn 10 tháng nhưng chị Trinh vẫn phải trả đầy đủ số tiền lẫn lãi suất như khi vay.

Để có tiền chữa bệnh cho bố, anh Lê Văn Minh (Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã tìm đến một công ty tài chính vay 31 triệu đồng, thời gian vay 36 tháng.

“Do quá bận lo thuốc men cho bố nên tôi đã sơ ý về lãi suất, với khoản vay 31 triệu đồng tôi phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi 52,5 triệu đồng!”, anh Minh nói.

Hiện anh Minh đã trả nợ được 17 tháng, nhưng đang thất nghiệp nên việc trả nợ cho khoản vay trên là quá khó khăn.

Với số tiền lãi phải trả hơn 21 triệu đồng, tính ra lãi suất cho khoản vay của anh Minh là 39%/năm! Tuy nhiên, trong bản hợp đồng tín dụng mà anh Minh ký với công ty tài chính này, lãi suất được ghi rõ 3,25%/tháng, tính trên dư nợ giảm dần.

Bản thân anh Minh khi ký hợp đồng vay vốn cũng không lường trước phải chịu một gánh nặng lãi suất như vậy, dù hằng tháng anh phải trả một khoản cố định là gần 1,475 triệu đồng.

“Gia đình chúng tôi đang phải gánh nặng với lãi suất quá cao này”, anh Minh than.

Cũng có nhu cầu vay tiền cho tiêu dùng, anh N.V.Tùng ngụ Q.Gò Vấp, làm nghề lái xe đã tìm đến ngân hàng thương mại gần nhà.

Sau sáu tháng với khoản vay ban đầu 20 triệu đồng, anh Tùng đã phải trả lãi hơn 10 triệu đồng. Tá hỏa, anh Tùng vội vàng tất toán hợp đồng, chấp nhận đóng phạt.

“Hợp đồng ghi trên lãi suất là 5%/tháng, nhưng cộng các chi phí khác thì lãi suất thực tế cao hơn nhiều”, anh Tùng nói.

Thời gian qua, vay tiêu dùng tín chấp đang được các ngân hàng đẩy mạnh, nhiều người có nhu cầu thấy điều kiện vay thông thoáng hơn đã vội vàng đi vay. Đến khi trả lãi không nổi bắt đầu nhìn lại hợp đồng, mới phát hiện lãi suất vay cao ngất ngưởng.

Đặc điểm chung của những trường hợp này khi đi vay chỉ nhìn vào con số lãi suất theo tháng mà các đơn vị cho vay đưa ra, nhưng nếu tính cả năm thì lãi suất không hề thấp chút nào.

Thủ tục càng dễ, lãi suất càng cao

Thông thường, lãi suất của các ngân hàng dành cho các khoản vay tiêu dùng không quá 25%/năm tính theo dư nợ giảm dần.

Tuy nhiên, thực tế với hình thức vay tín chấp, lãi suất của các công ty tài chính và ngân hàng thường rất cao, và không đồng đều cho từng đối tượng mà theo tiêu chí rủi ro cao thì lãi suất cao.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong cơ cấu nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tỉ lệ nợ xấu của các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính cao nhất, chiếm 21-37% dư nợ cho vay của các đơn vị này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết để bù đắp nợ xấu, các công ty tài chính thường cho vay với lãi suất cao trong khi các quy định về lãi suất, đặc biệt với hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn chưa có.

Ông Przemyslaw Pawel Januszaniec - giám đốc ban quản trị rủi ro, công ty tài chính VPBank FC, thừa nhận mức lãi suất cho vay của ngân hàng này được điều chỉnh cho nhiều đối tượng khác nhau tùy chất lượng hồ sơ khách hàng.

Mức độ rủi ro được xác định theo các tiêu chí: Đối tượng khách hàng, mức thu nhập, lịch sử tín dụng của khách hàng và tài sản thế chấp (áp dụng đối với sản phẩm cho vay mua xe máy).

Chẳng hạn, người đi vay có mức lương 8 triệu đồng/tháng sẽ chịu lãi suất 30%/năm, từ 8-15 triệu đồng/tháng lãi suất giảm còn 27%, nếu thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng lãi suất còn 24%/năm. Mức lương cao, khả năng thanh toán cao nên rủi ro cho ngân hàng thấp hơn. Thời gian vay từ 6-24 tháng.

Giám đốc một ngân hàng cho biết, sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính dựa trên đánh giá rủi ro của hai bên.

Các ngân hàng khi thực hiện giao dịch với khách đều đưa ra hợp đồng chi tiết, đầy đủ, rõ ràng các khoản phí phải trả, các khoản phạt nếu trả trễ và phí tất toán.

Với khoản vay tín chấp, người đi vay được yêu cầu phải trả lương qua tài khoản, nếu không công ty đó phải nằm trong danh mục những công ty lớn mà ngân hàng đưa ra.

Thậm chí để hạn chế rủi ro, một số ngân hàng không cho vay đối với khách hàng mới mà chỉ dành cho khách hàng cũ, có mở tài khoản tại ngân hàng.

Nhưng với các công ty tài chính, thủ tục đơn giản và giải ngân nhanh gọn hơn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nhanh của cá nhân, không cần thế chấp, không cần trả lương qua tài khoản...

Người vay có thể thế chấp giấy đăng ký kinh doanh, hóa đơn tiền điện, hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng khác... Đây chính là “lực hút” mà nhiều người bị cuốn vào khi có nhu cầu vay tiền dù đã được cảnh báo ra rả.

Không vay quá 50% thu nhập còn lại

Theo các chuyên gia, khi tiếp cận với các tổ chức tín dụng để làm hồ sơ vay, khách hàng thường chỉ nhìn vào mức lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất thấp chưa chắc số tiền lãi phải trả thấp mà cần lưu ý đến phương thức trả lãi nữa.

Hiện các ngân hàng thường áp dụng cách tính lãi vay trên dư nợ giảm dần. Ngân hàng lý giải, các khoản trả nợ cố định như vậy giúp người đi vay dễ nhớ và dễ thu xếp trả nợ hằng tháng, đặc biệt phù hợp tâm lý người đi vay là những công chức trả nợ bằng lương, thu nhập ổn định.

Các công ty tài chính cũng thường cố tình “ẩn” lãi suất thông qua số tiền trả góp hằng tháng rất ít so với thu nhập của khách hàng.

Anh Minh cho biết, khi ký hợp đồng, anh chỉ chăm chăm vào số tiền trả hằng tháng là 1,475 triệu đồng, nên thấy con số này không quá lớn, nhưng sau đó nhẩm lại lãi suất mới biết phải gánh lên đến 39%/năm.

Những người đi vay tín chấp phần lớn có thu nhập trung bình, vì cần tiền chi trả cuộc sống nên tìm đến các dịch vụ này, nhưng không ngờ lại tiếp tục ở trong vòng luẩn quẩn vì chi phí lãi vay quá lớn.

Ngoài cách tính lãi vay, theo các chuyên gia, khi đi vay người vay cần lưu ý tổng số tiền vốn và lãi hằng tháng cần trả phải nhỏ hơn tổng số thu nhập sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt hằng tháng, và các khoản nợ phải trả trong tháng.

Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng. Nếu không đảm bảo điều này, người đi vay có thể rơi vào hoàn cảnh vay nợ mới để trả nợ cũ. Thực tế là với hình thức vay thế chấp hiện nay, chỉ cần lương căn bản 4-5 triệu đồng là người tiêu dùng có thể vay gấp 10 lần lương.

“Tâm lý người đi vay muốn vay càng nhiều càng tốt, nên thường chọn tối đa mức lương. Vì vậy khi cuộc sống có yếu tố phát sinh sẽ không xoay xở được”, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.

Ông Przemyslaw Pawel Januszaniec cho rằng, các khoản vay tiêu dùng giúp giải quyết nhu cầu tài chính gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, khách cũng cần nhớ mỗi khoản vay là một cam kết dài hạn. Nó yêu cầu khách hàng phải có tính kỷ luật trong quản lý tài chính và thực hiện các khoản thanh toán thường kỳ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Vì thế, khách hàng cần cân nhắc xem khoản vay tiêu dùng đang yêu cầu có đáng để trả góp trong dài hạn hay không.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, các quy định cho vay tín chấp đã có, nếu điều kiện đi vay tốt có thể giảm lãi suất thì người đi vay cần chuẩn bị tốt hồ sơ, trao đổi kỹ với bên cho vay để thương lượng hồ sơ, lệ phí cũng như cấu trúc thời gian khoản vay.
So sánh 2 phương thức trả nợ cho khoản vay 100 triệu đồng

Ngập trong đống nợ với vay tín chấp
(Khoản vay cùng mức lãi suất 20%/năm tính theo dư nợ giảm dần)

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn