Ông lớn đồng loạt thua lỗ
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) vừa bất ngờ báo cáo thua lỗ hơn 76 tỷ đồng trong quý III/2014, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 138 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng lợi nhuận của ngân hàng này giảm 60% so với cùng kỳ.
Một điểm tối trong báo cáo của ngân hàng này là nợ quá hạn tăng vọt lên gần 7.000 tỷ đồng, tương đương hơn 13% tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng âm, dự phòng rủi ro cao khiến cho kết quả kinh doanh ngược chiều so với mong đợi của cổ đông.
Kết quả kinh doanh không mấy lạc quan được công bố sau khi đại diện lãnh đạo ngân hàng này gửi tâm thư tới các cổ đông về việc không chia cổ tức đợt 1/2014 do nhận định những tháng cuối của năm còn nhiều khó khăn. Trước đó, DongABank cũng đã thất bại trong việc tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng với giá cổ phiếu phát hành là 10.000 đồng/cp.
Thông tin DongABank thua lỗ và có nợ quá hạn tăng mạnh khiến nhiều NĐT nghi ngờ về xu hướng phục hồi nhen nhóm từ năm 2013 của ngân hàng này. Nó cũng khiến giới đầu tư dò xét về khả năng sáp nhập, hợp nhất mà DongABank bất ngờ đưa ra trong đại hội cổ đông 2014 hồi cuối tháng 4.
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu vốn đã khó với giờ lại càng xa vời hơn. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 17% cũng như chương trình tìm kiếm đối tác chiến lược có lẽ cũng khó có thể thực hiện được trong năm nay.
Sự khó khăn ở DongABank phản ánh những vấn đề mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt. Nhưng nó cũng phần nào phản ánh được đời sống của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp khác chưa qua được bão tố.
HĐQT Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) vừa thống nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh quý IV/2014 với khả năng lỗ hơn 47 tỷ đồng, kéo theo cả năm có thể lỗ 190 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp. Trước đó, trong quý III, VST đã lỗ quý thứ 11 liên tiếp với mức lỗ gần 50 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 9 tháng 2014 lên trên 110 tỷ đồng.
CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG) - một DN lớn trong lĩnh vực bán lẻ điện máy - cũng bất ngờ ghi nhận lỗ 8,4 tỷ đồng, thấp hơn chút ít so với khoản lỗ cùng kỳ năm trước. CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) - một DN lớn trên sàn chứng khoán cũng báo lỗ quý III do nguồn thu từ các khoản đầu tư vào các công ty khác giảm, không đủ trang trải các khoản chi phí.
Khá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, chứng khoán, xây dựng tiếp tục thua lỗ như: NLG, BCE, VPH, DVSC, Agriseco, DCT...
CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) thậm chí còn chứng kiến doanh thu thuần giảm hơn 45%, tồn kho 2.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lỗ 8,6 tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.
Một số DN khai thác khoáng sản cũng thua lỗ như Than Cao Sơn (TCS) quý III lỗ khủng hơn 155 tỷ đồng; SQC lỗ 78 tỷ đồng.
Giới đầu tư nghi ngại
Từ đầu năm tới nay, hàng loạt các số liệu cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô đã tốt lên. Tăng trưởng GDP quý III ở mức trên 6%, lạm phát cả nước tăng 2,36% sau 10 tháng... cho thấy một bức tranh khá tích cực.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đời sống kinh doanh èo uột của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp cho thấy công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn một chặng đường dài trước mặt.
Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên tới 13% ở DongABank hay gần 1.200 tỷ có khả năng mất vốn tại Southern Bank hay tỷ lệ nợ xấu chung của cả hệ thống ngân hàng tới cuối quý III là 3,88%... cho thấy nhiều DN vẫn đang vật lộn trong vòng luẩn quẩn nợ nần.
Tính tới cuối tháng 9, DongABank vẫn tăng trưởng tín dụng âm. Tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng cũng chưa được 8% so với cuối 2013 cho dù NHNN đã đưa ra khá nhiều giải pháp tín dụng linh hoạt tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, nhằm cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế.
Trong trường hợp VST, doanh nghiệp này đã lỗ 11 quý liên tiếp và cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp trong ngành vận tải biển khác như VOS, VSG, VIP, DDM... chỉ còn biết trông chờ vào việc bán tàu để có lợi nhuận. Điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp này là nợ quá lớn, thường gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, trong khi ngành vận tải gặp khó khăn trong vài năm gần đây khi mà kinh tế thế giới nằm trong vóng xoáy khủng hoảng 6 năm liên tiếp.
"Đại gia" Trần Anh hoạt động trong lĩnh vực khá sôi động gần đây là bán lẻ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực điện máy - điện thoại di động cũng vô cùng khốc liệt. Cuộc quyết đầu giành tốp đầu để khỏi bị bật bãi ra khỏi thị trường khiến các doanh nghiệp khó lòng có lãi.
Các doanh nghiệp BĐS tiếp tục khó khăn khi mà thị trường địa ốc chưa có tín hiệu hồi phục. Giao dịch trầm lắng khiến các doanh nghiệp có doanh thu thấp, chi phí trong khi đó cao do tồn kho không vơi đi nhiều.
TTCK chứng kiến một vài đợt khởi sắc từ đầu năm tới nay. Các con sóng này đã giúp nhiều CTCK thoát lỗ lũy kế. Tuy nhiên, giao dịch chung trên thị trường vẫn ở mức thấp khiến gần một nửa số lượng các CTCK vẫn đang trong tình trạng khó khăn, cần tiếp tục tái cấu trúc.
Với giới đầu tư, những kết quả không thực sự như mong đợi từ các doanh nghiệp niêm yết nói chung đã khiến áp lực chốt lời tăng mạnh mỗi khi VN-Index vượt qua ngưỡng cản kỹ thuật và tâm lý 600 điểm. VN-Index tăng điểm chủ yếu nhờ khoảng 5-7 cổ phiếu quy mô vốn hóa khủng trên thị trường. Tuy nhiên, những nỗ lực này không thể khỏa lấp được sự yếu kém của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp ở quy mô lớn khác. Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu tích cực từ chính các doanh nghiệp niêm yết trong năm "hội nhập" 2015.
Theo Vef