|
“Doanh nghiệp (DN) VN mang tiếng có lợi thế sân nhà nhưng so với C.P (Charoen Pokphand - Thái Lan) không thấm vào đâu. Họ quá lớn, quá mạnh, trong khi người chăn nuôi lẫn DN nội địa lại quá nhỏ. Dần dần chính người Việt mình lại đang đi làm thuê cho người Thái. 90% số hộ chăn nuôi ở Đồng Nai hiện đang nuôi gia công cho các DN nước ngoài, trong đó lớn nhất là C.P”, L., chủ một trại chăn nuôi ở Đồng Nai bộc bạch. Anh L. trước đây cũng từng làm chủ DN nhưng thị trường chăn nuôi quá bấp bênh, đầu ra không ổn định nên cuối cùng phải chấp nhận nuôi gia công cho C.P, lợi nhuận thấp hơn nhưng “thu nhập ổn định”.
“Nuốt sống” chủ nhà
Anh T.C.T, giám đốc một công ty chuyên kinh doanh trứng gia cầm ở TP.HCM, cho rằng: “C.P hiện nay chiếm phần lớn nguồn trứng gia cầm cung cấp cho thành phố, do đó họ hoàn toàn điều tiết được giá cả lên xuống. Có đợt họ tăng giá bán trứng vào dịp cận tết khiến lãnh đạo TP.HCM lo lắng. Cũng có những đợt họ xả hàng tồn kho khiến giá trứng rớt xuống thấp, DN trong nước chạy theo mệt lả”.
Đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh Hiệp, giám đốc kinh doanh một công ty thức ăn chăn nuôi ở Long An, đưa tin nhắn trong điện thoại và nói: “Hôm nay C.P lại tăng giá thức ăn đây nè. Những DN nhỏ và vừa đều kiểm tra giá bán của C.P hằng ngày để điều chỉnh giá của mình. Thường thì tăng giảm theo đúng giá của C.P. Họ chưa chiếm hết thị trường nhưng có thể dẫn dắt được giá cả trên thị trường lên xuống”.
Chiếm số lượng áp đảo trong tổng số gần 200 DN chế biến thức ăn nhưng DN Việt chỉ sở hữu các nhà máy có sản lượng nhỏ, dưới 50.000 tấn/năm. Ở đầu ngược lại, dù chỉ có 15 DN FDI và liên doanh, nhưng những đơn vị này sở hữu tới 44 nhà máy, sản xuất trên 7,15 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi và chiếm tới 56,2% thị phần cả nước. Hiện các DN FDI đang thống lĩnh trong ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi nội địa như C.P (Thái Lan), Cargill (Mỹ)... nhưng nhìn tổng thể với mô hình khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối thì C.P đang không có đối thủ.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty thức ăn chăn nuôi Thanh Bình (Đồng Nai), thừa nhận: “Về nguồn tài chính, cơ sở vật chất cũng như công nghệ, ở VN không DN nào cạnh tranh nổi với C.P. Ngay cả Tập đoàn Cargill của Mỹ cũng phải xếp phía sau. Việc thị phần dần dần thuộc về DN Thái Lan này cũng là điều dễ hiểu".
Thao túng giá
C.P là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp, điển hình là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, sản xuất thực phẩm. Đầu tư vào VN từ năm 1993, đến nay C.P liên tục tăng trưởng mạnh và hầu như mỗi năm đều có thêm dự án xây dựng mới tại VN. Mới đây, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của C.P tại Hải Dương có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 9,5 ha, công suất 720.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động, chiếm lĩnh thị phần lớn tại các tỉnh phía bắc.
Giá thức ăn chăn nuôi ở VN cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Giá này, trừ thuế VAT 5% thì lợi nhuận của các công ty thức ăn chăn nuôi từ 11 - 15%. Đáng nói là ở Thái Lan người ta quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này chỉ khoảng 5%, không được cao hơn, nhưng ở VN thì không ai quản lý. ÔngÂu Thanh Long,Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ |
Theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN: “Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở VN luôn đạt mức tăng 13 - 15%/năm, dự báo đến năm 2015 cần 18 - 20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số hằng năm lên tới 6 tỉ USD. Rõ ràng đây là một thị trường béo bở, thế nhưng các DN trong nước hoàn toàn lép vế. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành chăn nuôi điêu đứng do giá sản phẩm xuống thấp, dịch bệnh... hàng loạt DN sản xuất thức ăn trong nước phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản. Thế nhưng các DN nước ngoài vẫn liên tục mở thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. DN FDI hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tại VN hiện có đủ mặt các tập đoàn lớn nhất nhì thế giới. Việc mở rộng quy mô các DN này bên cạnh mặt lợi là đưa ngành sản xuất chăn nuôi phát triển, nhưng cũng chứa những rủi ro như có nguy cơ bị thao túng, đẩy giá cao hơn thực tế”.
Đây là một thực tại chua chát cho ngành chăn nuôi trong nước khi thị trường thức ăn chăn nuôi hầu như nằm trong tay các DN nước ngoài. Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng: “Thực tế giá thức ăn chăn nuôi ở VN cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Giá này, trừ thuế VAT 5% thì lợi nhuận của các công ty thức ăn chăn nuôi từ 11 - 15%. Đáng nói là ở Thái Lan người ta quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này chỉ khoảng 5%, không được cao hơn, nhưng ở VN thì không ai quản lý”.
Giá thức ăn đầu vào cao nên giá thành phẩm của ngành chăn nuôi VN rất khó để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nghịch lý người nuôi thua lỗ, nợ nần nhưng các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ngày càng phát đạt cũng bắt nguồn từ thực trạng này.
"Thống kê cho thấy hiện các DN FDI như C.P, Cargill chiếm 70 - 80%, còn DN VN chiếm 20% thị phần, nhưng thực tế DN Việt chỉ chọn những mặt hàng không phải cạnh tranh với những ông lớn nước ngoài như cám gà màu, cám vịt. Toàn bộ những sản phẩm chính như gà thịt, gà công nghiệp, heo… đều nằm trong tay các DN FDI. Do đó, họ hoàn toàn thao túng giá bán bằng cách thống nhất mức tăng giảm, thời điểm tăng giá, giảm giá. Điều này lý giải vì sao lợi nhuận của ngành thức ăn chăn nuôi vào loại khủng nhất hiện nay", ông Long nói.
Chiếm thị phần khá lớn đối với nguồn thịt, trứng Trong ngành thức ăn chăn nuôi, hiện C.P có 8 nhà máy, gồm 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản và 1 nhà máy sấy ngô. Trong ngành chăn nuôi, C.P triển khai hệ thống nuôi gia công đến các nông dân, chủ trang trại và bao tiêu thịt, trứng đạt tiêu chuẩn yêu cầu. Không có con số thống kê chính xác trên từng địa bàn nhưng hiện C.P chiếm thị phần khá lớn đối với nguồn thịt, trứng cung cấp cho cả nước. Trong đó, C.P chiếm 50% thị phần trứng gà, 30% thịt gà và 7% thịt lợn trên thị trường VN. |
Theo Thanh Niên