Xiaomi chính là cái tên đã vượt mặt Samsung để trở thành thương hiệu smartphone bán chạy nhất Trung Quốc. Cuối tháng trước, theo số liệu của IDC, Xiaomi cũng hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới. Alibaba là mô hình kết hợp giữa Amazon, eBay và PayPal, đang phát triển rất mạnh và vừa thực hiện IPO lớn nhất thế giới tại Mỹ. Còn Baidu là nhà cung cấp công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc.
Cả ba đều có lợi nhuận cao, đặc biệt là Alibaba với biên lợi nhuận gần 40%. Đó cũng là lý do tại sao Baidu và Alibaba thu hút sự chú ý tại Wall Street, khi cả hai đều đã niêm yết tại đây. Tuy nhiên, không một công ty nào trong ba cái tên trên lọt danh sách Thương hiệu giá trị nhất thế giới của Forbes (World’s Most Valuable Brands) và Thương hiệu tốt nhất thế giới của Interbrands (Best Global Brands).
Baidu hiện là hãng dịch vụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: TickrWatch |
Trên thực tế, danh sách của Interbrands năm nay chỉ có Huawei ở vị trí 94. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu Trung Quốc lọt top này. Còn danh sách của Forbes vẫn hoàn toàn vắng bóng đại diện từ nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Theo Forbes, những nguyên nhân sau có thể giải thích sự mâu thuẫn này. Đầu tiên, sản phẩm của Trung Quốc khá vắng bóng trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại Trung Quốc - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Việc này có thể do các công ty còn khá trẻ, như Xiaomi mới thành lập 4 năm.
Thứ hai là do cấu trúc sở hữu của công ty. Khá nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc hiện là công ty quốc doanh, như hãng lọc dầu Sinopec, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (CNPC) và Công ty điện lực quốc gia Trung Quốc.
Sở hữu nhà nước đã hạn chế khả năng mở rộng ra quốc tế của các doanh nghiệp này qua con đường mua bán - sáp nhập (M&A), do phải cân nhắc yếu tố chính trị. Năm 2005, Tập đoàn Dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) không thể mua công ty dầu mỏ Mỹ Unocal, do giới chức không thông qua. Cũng vì nguyên nhân này, Huawei thất bại khi mua lại 3Com và Chinalco không có được cổ phần trong Rio Tinto.
Lý do thứ ba là các công ty Trung Quốc thiếu khả năng tạo bước nhảy vọt, chuyển từ bắt chước sang đột phá. Bằng chứng là danh sách Các công ty Sáng tạo nhất thế giới của Forbes cũng không có nhiều đại diện lớn từ Trung Quốc.
Nhìn chung, Trung Quốc vẫn chưa phát triển được các công ty có thể cạnh tranh hiệu quả với đối thủ ngoại họ từng học theo. Chiến thắng ở thị trường nội địa và thu hút sự chú ý tại Wall Street có thể là điều kiện cần giúp họ tạo dựng thương hiệu toàn cầu. Nhưng điều kiện đủ là các công ty này phải giành được thị trường tiêu dùng quốc tế nữa.
Theo VnExpress