Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, luật sửa đổi phải thực sự tạo ra được động lực cho cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. “Chúng ta có thể tạo nên cú hích mới cho nền kinh tế”, ông Vinh nói.
Theo Bộ trưởng Vinh, chúng ta đã thay đổi phương pháp tiếp cận làm luật. Phương pháp tiếp cận từ trước đến nay là “chọn- cho”. Nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật, nhưng chúng ta không thể ghi đủ tất cả những thứ cần cho. Bởi, xã hội cần quá nhiều ngành nghề, thậm chí có nhiều ngành nghề phát sinh mới. Cho nên mỗi một lần danh mục không có trong luật, trong các nghị định thông tư quy định thì doanh nghiệp và người dân lại phải đi xin các cơ quan quản lý nhà nước.
“Xin trong điều kiện không có trong luật, người thích thì cho, người không thích thì không cho ...nên rất tốn kém, khó khăn và không minh bạch”, ông Vinh thừa nhận. Luật sửa đổi đã chuyển sang phương pháp “chọn- bỏ”, nghĩa là những gì cấm thì ghi vào luật, anh không ghi, anh thiếu có nghĩa là tôi được quyền làm.
Về ngành nghề cấm kinh doanh, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, đang có tình trạng lợi dụng pháp luật hiện hành quy định những ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh chưa cụ thể, rõ ràng nên nhiều người quảng cáo trên mạng và tuyển dụng nhân sự để làm việc cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ “ngủ ôm trong sáng, thuê vợ, thuê chồng...”
“Đã có nhiều bi kịch gia đình, xã hội và hệ lụy xấu diễn ra khi thực hiện những hành vi này. Nhiều vụ việc dẫn đến mua bán dâm, phạm pháp. Rõ ràng đây là những ngành nghề trái thuần phong mỹ tục”, bà Khánh nói và đề nghị sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm kinh doanh, gồm: “mại dâm và các hoạt động kinh doanh trái thuần phong, mỹ tục”.
Theo Tiền Phong