Được liệt vào danh sách những nghề có mức thu nhập thuộc top đầu, tiếp viên hàng không luôn là một công việc được rất nhiều người thèm khát. Bởi lẽ, trong con mắt của không ít người nghĩ rằng, đây là một nghề luôn được “ăn ngon, mặc đẹp”. Tiếp viên luôn được xuất hiện rạng ngời cùng vẻ chuyên nghiệp và nụ cười tươi tắn. Nhưng phía sau đó là những nỗi vất vả không phải ai cũng thấu hiểu.
Chân dài, tay thon đi dọn vệ sinh, chùi rửa toilet...
Công việc trên không của các tiếp viên rất đa dạng, từ hướng dẫn khách đặt đồ, sử dụng các thiết bị đúng nơi, đúng lúc, đến xử lý mọi tình huống khi máy bay gặp sự cố, thu dọn rác và kiểm tra thiết bị sau khi khách đã rời khỏi máy bay. Trên những chuyến bay dài, tiếp viên hàng không còn kiêm luôn việc dọn nhà vệ sinh, dọn bếp khi cần.
Theo một thống kê sơ bộ của Jetstar, 80-90% khách đi vệ sinh không khóa cửa toilet vì không biết chỗ cài, không biết nút xả. Có lần tiếp viên đang mải phục vụ, khách xông thẳng vào khu vực bếp và “đi” luôn ra đó! Tiếp viên bắt gặp, phải để khách “đi” xong rồi mới dám nhắc nhở và lau dọn. Có khách không chịu ngồi trên bồn cầu mà “đi” thẳng xuống sàn. Sàn không thoát nước được, mùi khai xộc ra những hàng ghế gần nhất. Tiếp viên hàng không (TVHK) là người phải cọ rửa toilet.
Hồng Hạnh (30 tuổi, TVHK của Hãng Jetstar) kể: “Nhiều bạn mới vào đã từng bị “sốc” vì ở nhà được cha mẹ cưng, giờ phải làm cả những việc như nhặt rác, chùi rửa toilet... Có người hồi mới đi làm bảo: Biết làm TVHK khổ như thế này em chả làm. Cái nghề này nhìn hào nhoáng vậy chứ vất vả lắm”, cô gái này chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ.
Tiếp viên hàng không phải làm rất nhiều việc khác nhau trên máy bay (hình minh họa) |
Yêu cầu hà khắc về ngoại hình, ngoại ngữ
Những yêu cầu hà khắc về ngoại hình và ngoại ngữ khiến tuổi thọ nghề tiếp viên không cao. Mỗi tiếp viên chỉ được “bay” tới một độ tuổi nhất định, khi nhan sắc nhuốm màu thời gian thì sẽ phải “hạ cánh” xuống làm việc tại “mặt đất” như khu vực sân bay. Rồi tiếp viên hàng không đặc biệt là nữ thì phải dành rất nhiều thời gian luyện tập ăn kiêng để giữ gìn vóc dáng, nhan sắc.
Để đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về tính chính xác trong công việc, các tiếp viên hàng không thường xuyên phải thực hiện những buổi kiểm tra định kỳ. 6 tháng một lần, họ sẽ phải học và thi lại 6 nội dung bay cơ bản. Nếu không qua các kỳ kiểm tra, họ sẽ được học để thi lại lần hai, nhưng nếu không đỗ thì cũng có nghĩa là sẽ bị đình chỉ bay.
Phi công và tiếp viên được khám sức khỏe sàng lọc mỗi năm một lần khi dưới 40 tuổi, trên 40 tuổi là 2 lần/năm.
Yêu cầu hà khắc về ngoại hình, ngoại ngữ (hình minh họa) |
Nguy hiểm đến tính mạng
Hàng loạt tai nạn hàng không xảy ra liên tiếp chính là hồi chuông cảnh báo cho an toàn bay của phương tiện được xem là “một mình một đường”. Và đối với tiếp viên hàng không, một ngày có thể phải bay tới 4 chuyến thì nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hơn nữa đối với tai nạn hàng không, một khi đã xảy ra thì thiệt hại về người thường rất lớn.
Đặc biệt nguy hiểm hơn nữa là khi có dịch bệnh mang tính toàn cầu. Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, các khu vực hàng không thường được liệt vào nhóm địa điểm nguy cơ phát tán bệnh cao nhất. Khi đó, hành khách có thể hủy/ dừng chuyến chờ dịch bệnh qua đi còn tiếp viên hàng không thì không. Thậm chí họ còn bị hạn chế đeo khẩu trang – phương pháp phòng bệnh sơ cấp nhất do sợ làm ảnh hưởng… hình ảnh hãng.
Một trong những bài học đầu tiên mà tiếp viên hàng không nào cũng phải thuộc làu đó là đặt tính mạng hành khách lên trên sự an toàn của bản thân. Dù được đào tạo bài bản về cách thoát hiểm khi máy bay có sự cố, nhưng nếu tình huống đó xảy ra thật thì việc của tiếp viên hàng không là “coi rẻ” tính mạng của mình để giúp hành khách an toàn trước.
Thời gian làm việc “chẳng giống ai”
Thời gian làm việc không cố định như những nghề khác, khi thì lịch bay 2-3 giờ sáng, lúc lại bay vào buổi trưa, có khi lại bay vào 9-10h đêm nên cuộc sống riêng tư của các tiếp viên hàng không cũng bị ảnh hưởng và rất cần gia đình thông cảm.
“Tiếp viên hàng không tối ngày được trang điểm đẹp, nhiều tiền, được đi du lịch khắp nơi, nhìn vào rất hào nhoáng. Nhưng tiếp viên hàng không có những nỗi khổ không mấy ai cảm nhận, nhìn thấy được. Đó là không có thời gian chăm sóc người thân, gia đình. 19 năm làm nghề, tôi chỉ 1-2 lần ăn Tết ở nhà.
Tủi thân nhất là những chuyến bay quốc tế cận giao thừa. Đứa nào cũng cười nhưng mắt héo queo. Có bạn mới vô nghề không kìm được, khóc. Những ai có con thì cứ nghĩ đến đứa con nhỏ bám chặt mẹ nũng nịu với hai hàng nước mắt và những lời trách móc, nhõng nhẽo khi mẹ phải xa nhà... Rồi những lời than vãn, ánh nhìn không vui của người thân khi mình cứ bay tăng chuyến”, Thu Hà chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ.
Theo Đại Lộ