Cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ... cất cánh!

Thứ tư, 12/11/2014, 07:35
Ngày 14/11, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chào bán gần 49 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), với giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần. Sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines sẽ giữ nguyên phần vốn Nhà nước hiện có, đồng thời phát hành thêm cổ phần để huy động vốn, nhằm nâng tổng vốn điều lệ từ 10.500 tỉ đồng lên 14.101 tỉ đồng.

Thương vụ được chờ đợi

Theo Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh, tài sản vô hình lớn nhất của Vietnam Airlines là truyền thống và danh tiếng của một hãng hàng không an toàn. Còn tài sản hữu hình lớn nhất của hãng chính là đội tàu bay và hàng chục nghìn cán bộ, công nhân viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và hết lòng vì thương hiệu Vietnam Airlines.

“Điều đầu tiên tôi muốn đề cập đến là đội tàu hiện tại của Vietnam Airlines. Tính đến cuối 2014, đội tàu gồm 82 tàu bay, có tuổi khai thác rất trẻ (trên dưới 5 năm) và đồng đều về chủng loại. Có thể kể ra ATR72 ở đoạn ngắn, tầm trung như A321 và đội tàu thân rộng bay xuyên lục địa là Boeing 777 và A330”, ông Minh trả lời báo giới tại hội nghị giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Vietnam Airlines diễn ra tại Hà Nội mới đây.

“Chúng tôi không dừng lại ở đó. Hiện Vietnam Airlines tiến hành thay đội bay thân rộng, phổ cập trên thế giới bằng đội tàu thế hệ mới nhất là A350 và Boeing 787-9. Với một lộ trình và cách làm như vậy, Vietnam Airlines kỳ vọng ở 3 điều lớn”.

Theo người đứng đầu bộ máy điều hành Vietnam Airlines, đội tàu thế hệ mới nhất tiếp tục mang đến tiện nghi, mang đến thời gian cho hành khách. Riêng về đội bay mới này, Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh thông tin, đến tháng 5/2015 cả 2 dòng tàu bay thế hệ mới trên sẽ về đến Việt Nam. Quá trình chuyển đổi đội tàu bay tầm xa diễn ra khá nhanh, bắt đầu từ 2015 và kết thúc vào quý IV/2018. Khách hàng công vụ và khách hàng có tiền.

Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa sẽ làm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh của Vietnam Airlines. Điều này nằm trong lộ trình định dạng một hãng hàng không quốc gia mang tầm cỡ quốc tế của Vietnam Airlines.

Rục tịch từ 2012, IPO Vietnam Airlines được mong chờ là thương vụ cổ phần hóa nhất theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, vận tải hàng không là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều tiềm năng phát triển. Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã và đang tích cực triển khai các giải pháp tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines.

Trong định hướng phát triển dài hạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chính phủ chủ trương xây dựng ngành hàng không dân dụng trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành hàng không tiên tiến phát triển ngang tầm với hàng không các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với Vietnam Airlines, Chính phủ Việt Nam xác định tiếp tục giữ định hướng phát triển hãng là nòng cốt của lực lượng vận tải hàng không Việt Nam, có tầm cỡ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; có bản sắc, có năng lực cạnh tranh, kinh doanh hiệu quả và được ưa chuộng.

Theo Quyết định số 1611/QĐ-TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 75% số cổ phần trong Công ty Mẹ - Vietnam Airlines và sẽ giảm xuống không dưới 65% vốn điều lệ vào thời điểm thích hợp trong các năm tiếp theo. Để đảm bảo mục tiêu này, Vietnam Airlines - Công ty cổ phần được kế thừa các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổng công ty trước khi chuyển đổi, cũng như được kế thừa thực hiện các cơ chế chính sách về vay vốn có bảo lãnh theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch dự án phát triển đội tàu bay.

Với tư cách cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Vietnam Airlines để hoàn thành tốt vai trò của hãng hàng không quốc gia, lực lượng chủ lực trong lực lượng vận tải hàng không dân dụng nước nhà.

Hiện tại, song song với quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược với mong muốn tìm được nhà đầu tư phù hợp định hướng, chiến lược phát triển của Vietnam Airlines, nâng cao năng lực quản trị, bổ sung nguồn vốn, cải thiện chất lượng dịch vụ để giúp Vietnam Airlines hoạt động hiệu quả hơn, thông qua đó đạt được mục tiêu lớn nhất là đem lại lợi ích cho tất cả các cổ đông, đặc biệt là cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt nhất cho hành khách và xã hội.

Mức giá hợp lý

Theo Công ty Chứng khoán BIDV - đơn vị tư vấn IPO của Vietnam Airlines ở thị trường nội địa, cổ phiếu Vietnam Airlines hấp dẫn và mức giá hợp lý cho một cổ phiếu Vietnam Airlines là 23.412 đồng/cp (cao hơn 5% so với giá khởi điểm chào bán lần đầu của tổng công ty). Theo đánh giá của bộ phận phân tích BSC, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích BSC đã có bài phân tích về cổ phiếu Vietnam Airlines. Sau khi sử dụng phương pháp định giá Adj EV/EBITDAR để định giá Vietnam Airlines, BSC đánh giá cổ phiếu Vietnam Airlines hấp dẫn và mức giá hợp lý cho một cổ phiếu Vietnam Airlines là 23.412 đồng/cp (cao hơn 5% so với giá khởi điểm chào bán lần đầu của tổng công ty).

Phán đoán của BSC cho thấy, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines sẽ được cải thiện nhanh chóng trong giai đoạn 2014-2018 nhờ tập trung đầu tư mới đội máy bay thân rộng (Boeing 787 và A350) có tính năng tiết kiệm nhiên liệu, mở rộng các đường bay quốc tế và nâng tần suất các đường bay hiện tại giúp doanh thu tăng trưởng nhanh, tăng hiệu quả khai thác, tiết kiệm chi phí từ đó cải thiện lợi nhuận.

Trên quan điểm thận trọng, BSC dự báo doanh thu của Vietnam Airlines sẽ đạt 57.357 tỉ đồng vào năm 2014 và sẽ đạt 105.863 tỉ đồng vào năm 2018, tương đương tốc độ tăng trưởng kép bình quân 15,07% trong giai đoạn 2014-2018. Lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines sẽ đạt 269 tỉ đồng vào năm 2014 và tăng nhanh lên mức 2.990 tỉ đồng vào năm 2018.

Phát biểu tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Vietnam Airlines trên, ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vietnam Airlines cho biết, mặc dù công việc cổ phần hóa hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines chưa từng có tại Việt Nam song về cơ bản tiến trình cổ phần hóa Vietnam Airlines đã hoàn thành đúng tiến độ.

Ngày 14/11 tới đây Vietnam Airlines sẽ chào bán lần đầu ra công chúng 49 triệu cổ phần (chiếm 3,475% cổ phần của tổng công ty) với giá khởi điểm 22.300 đồng/cp. Là một trong các doanh nghiệp có quy mô lớn, tài sản hơn 57.000 tỉ đồng, giá trị tài sản máy bay hơn 32.600 tỉ đồng, cùng với hơn 990.000m2đất tập trung ở Hà Nội và TP.HCM cùng với một số tài sản khác, Vietnam Airlines luôn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, có lãi, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm về doanh thu và 14% về số lượng hành khách vận chuyển mỗi năm giai đoạn 2008-2013. Vietnam Airlines được định giá dựa trên những phương pháp có tính chính xác cao. Trong đó, có phương pháp của Morgan Stanley và Citigroup, hai đơn vị tư vấn của Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ nhỉnh hơn nếu lợi nhuận của Vietnam Airlines cao hơn. Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines cho biết hiện tại Vietnam Airlines áp dụng tính khấu hao nhanh. Nếu khấu hao được tính như bình thường, lợi nhuận của Vietnam Airlines sẽ cao hơn mặt bằng chung.

Ngoài ra, việc Vietnam Airlines chỉ chào bán 3,475% vốn điều lệ cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Giải thích về tỷ lệ này, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines cho biết con số này đưa ra trước hết là căn cứ theo khả năng của thị trường. “Tỷ lệ này tuy thấp với giá khởi điểm 22.300 đồng/cp nhưng quy mô của đợt đấu giá này xấp xỉ 1.100 tỉ đồng. Trong điều kiện hiện nay tôi cho rằng con số này là hợp lý” - ông Thanh nói.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn