Đóng góp ý kiến về việc bổ sung dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) với tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đánh giá việc triển khai dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung cầu sản phẩm lọc dầu trong nước và phân bố các nhà máy lọc dầu tại 3 trung tâm lọc hóa dầu khu vực Bắc, Trung, Nam.
Theo quy hoạch phát triển ngành dầu khí giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã quy hoạch việc xây dựng các nhà máy lọc dầu trên toàn quốc dựa trên dự báo cung ứng đầy đủ sản phẩm cho nhu cầu Việt Nam đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Trong đó không có dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, một địa điểm rất gần Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất nơi đã được quy hoạch xây dựng các nhà máy lọc dầu.
Từ số liệu thống kê của Bộ Công thương, đến năm 2025 tổng nhu cầu các sản phẩm xăng dầu trong nước là 41 triệu tấn, PVN đặt giả thiết nếu dự án nhà máy lọc dầu triển khai đúng quy hoạch cộng với sản phẩm của Tố hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội nguồn cung trong nước sẽ là 52 triệu tấn, dư thừa 11 triệu tấn.
Đồng thời, dựa vào số liệu trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, giai đoạn 2020-2030 nguồn cung xăng dầu trong nước khi có Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ bị dư thừa.
"Điều này dẫn đến sự cạnh trạnh gay gắt giữa các nhà máy lọc dầu trong việc tiêu thụ sản phẩm lọc dầu, trong khi Chính phủ đã cam kết bao tiêu sản phẩm của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn", PVN bày tỏ lo ngại.
Ngoài ra, PVN cũng nêu ý kiến liên quan đến tính khả thi của dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội.
Cụ thể, về nguồn nguyên liệu dầu thô mặc dù dự án dự kiến sẽ sử dụng dầu thô nhập khẩu với phần lớn dầu thô sẽ được mua qua hợp đồng dài hạn, số còn lại mua qua hợp đồng ngắn hạn và Saudi Aramco là nhà cung cấp dầu thô nhưng theo PVN, báo cáo chưa nêu bất kỳ cam kết cung cấp dầu thô nào từ nhà cung cấp.
Theo đó PVN cho rằng, nguồn nguyên liệu dầu thô đề cập trong báo cáo của nhà đầu tư Thái Lan (PTT) mới chỉ dừng ở mức dự kiến nên nguồn nguyên liệu dầu thô cho nhà máy là chưa chắc chắn.
Báo cáo từ phía chủ đầu tư dự án cho thấy phương án cung cấp nhiên liệu cho nhà máy chưa xác định, mới đưa ra lựa chọn giữa phương án nhập LNG và sử dụng nhiên liệu sản xuất từ nhà máy.
"Vì vậy, cấu hình thiết kế của nhà máy, tính toán chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế của Dự án cũng chưa rõ ràng trong giai đoạn này", PVN cho biết.
PVN cũng thông tin, báo cáo chưa đề cập đến việc xử lý tro bay của phân xưởng cốc hỏa chậm. Trong khi tro bay tạo ra là chất thải độc hại chứa nhiều kim loại nickel và vanadi nên để xử lý cần đầu tư bãi chôn lấp tốn kém chi phí.
Ngoài ra, tính khả thi về cung cấp, vận chuyển lượng đá vôi cần để hấp phụ lưu huỳnh cũng chưa được tính đến trong khi đó nguồn cung cấp cách xa nhà máy.
Đồng thời trong khi nhà máy cần nguồn nước ngọt rất lớn, lên đến 300.000 m3/ngày nhưng báo cáo cũng chưa khảo sát, đánh giá khả năng cung cấp nguồn nước ngọt này cho nhà máy.