Về quê nhà làm lại từ đầu, sau 8 năm Phương đã có gia đình với một quán cà phê và sống lặng lẽ hòa nhã với tất cả mọi người. Hầu như rất ít người biết về quãng đời sóng gió lững lẫy một thời của Phương tại trời Âu, thủa mà khi nhắc đến Phương Leipzig, nhiều tay mafia gốc châu Á hoạt động ở châu Âu còn cảm thấy hoảng hồn về độ lì lợm.
Buôn người như buôn rau
Ngồi nhìn từng giọt cà phê rơi tại quán cà phê Điểm Hẹn trên đại lộ Hùng Vương, phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì, anh Nguyễn Thanh Phương (sinh năm 1974) chậm rãi kể về quãng đời tung hoành ở trời Âu của mình: Lúc đó tôi nghĩ mình oai lắm, nhưng bây giờ ngẫm lại mới thấy buồn, và tôi đã chọn cách sống lặng lẽ khi về Việt Nam, quên đi quá khứ của mình và làm lại cuộc đời.
Anh Phương kể năm 1990 lúc đó mới 17 tuổi anh bắt đầu đặt chân thành phố Leipzig thuộc Đông Đức, nơi có cộng đồng người Việt Nam sống đông đúc, theo con đường bảo lãnh của gia đình. Ngay lập tức Phương đã bị các đại ca người Việt đưa vào đời, vì thấy Phương bản lĩnh ít nói, lại lì lợm và có sự liều lĩnh, hăng máu của người mới lớn.
Chỉ hơn 2 năm sau khi đặt chân lên đất Đức, Phương đã được các đại ca giao chỉ huy một đám đàn em chuyên đi thu nợ và thanh toán những băng nhóm mafia gốc Á hoạt động trên khắp châu Âu. Chỉ một thời gian ngắn, Phương đã đứng đầu một nhóm giang hồ với hàng chục đàn em hoạt động làm ăn đa ngành nghề. Béo bở nhất vẫn là nghề vận chuyển người từ châu Á định cư ở châu Âu.
Đại gia nổi tiếng trời Âu một thời Nguyễn Thanh Phương |
Phương kể, mỗi năm bọn anh phải đón gần 30 chuyến “hàng” chở 1.000 người, chủ yếu là người Việt Nam, Trung Quốc và một số ít từ châu Phi về Đức, từ đây phân tán khắp châu Âu, vì Đức vừa là trung tâm vừa là cửa ngõ để vận chuyển đi các nước như Ba Lan - Áo, Pháp, Séc, Slovenia, ngay cả khi chạy sang Anh cũng chỉ mất 12 tiếng.
Thủ đoạn làm ăn của nhóm mafia do Phương chỉ huy là vô cùng tinh vi. Nếu là buôn người thì đường dây của Phương có các đại lý ở Trung Quốc và Việt Nam thực hiện gom “hàng”, đó là những người có nhu cầu sang châu Âu để làm ăn sinh sống. Nếu là người có tiền, nhân thân tốt thì được hướng dẫn xin đi du lịch ở Nga bằng máy bay. Sau đó tách đoàn thì được người của Phương ra đón rồi lại thuê máy bay tăng bo sang Đức. Còn nếu là thành phần xã hội đen trốn truy nã, hoặc có tì vết trong giới giang hồ không sống được ở Trung Quốc hay Việt Nam, muốn sang Đức, phải chịu khó ngồi tàu hỏa xuyên sang Nga, rồi cũng được người của Phương vớt về nằm tại Đức.
Khi những món hàng đã tới được Đức, Phương phân loại, ai có địa chỉ của người nhà tại nước nào thì Phương cho đàn em đưa đến tận nhà, tất nhiên bằng nhiều cách từ trốn vào thùng xe container đến mắc võng kẹp vào gầm xe tải chui qua cửa khẩu để đến đích; còn ai bơ vơ sẽ được nhóm buôn người này móc nối xin một xuất ở trại tị nạn tại Đức đợi cơ hội ra ngoài làm ăn.
Phương nói, ai cũng nghĩ chuyện buôn người là đơn giản lắm, nhưng để tạo ra những đường dây chuyển người vào châu Âu cũng khó như lên trời, phải thông thạo tất cả các cửa khẩu, đường sá ngóc ngách, nhưng quan trọng nhất vẫn là bắt tay được với cảnh sát ở những nước mình làm. Khó nhất là đưa người vào nước Anh vì cảnh sát ở đây cực kỳ chặt nếu không có sự giúp sức của mafia bản địa. Chính vì vậy khi có vận đơn vào Anh, Phương phải tự lái xe 12 tiếng trực tiếp đưa người từ Đức sang Anh.
Để đưa được một người từ châu Á vào châu Âu băng của Phương thường thu từ 4.000 đến 7.000 euro nhưng không phải chuyến hàng nào trót lọt. Năm 1997 tại biên giới Cộng hòa Séc - Đức, Phương đã làm rơi một bé trai 7 tuổi người Việt xuống suối, 3 ngày sau mới tìm được xác, sự việc bị báo chí nước ngoài đồng loạt thông tin. Tuy không bị nhà chức trách sờ gáy nhưng Phương phải bấm bụng đền cho gia đình em bé xấu số 80.000 euro.
Nói về những hoạt động mafia của mình, Phương kể, ở nước ngoài dễ nhất là đi đòi nợ, cứ bắt con nợ vào rừng rồi đào một cái hố sẵn. Rừng châu Âu toàn thông, gió lúc nào cũng thổi vi vu lại vắng người, cứ trói con nợ trước một cái huyệt, cho khóc thoải mái không có ai đến mà cứu được. Nếu con nợ nào không chịu trả tiền hoặc gọi điện cho người nhà nhưng không mang tiền đến cứu, thì chỉ việc đẩy xuống hố và lấp đất từ từ cho tới khi nào trả tiền mới thôi.
Đánh đổi cả tuổi trẻ và tính mạng để có được những đồng tiền đen, rồi bị trắng tay, Phương quay lại Việt Trì, lấy vợ... Với Phương, quãng đời ở trời Tây giống như một cơn ác mộng, chẳng bao giờ mong lặp lại. |
Còn chuyện bắn nhau thì như cơm bữa, vài tuần lại xảy ra một cuộc đọ súng. Do sở hữu tới hơn 10 khẩu AK cộng thêm sự lì lợm không bao giờ bỏ chạy nên Phương cùng đám đàn em hơn 30 đứa luôn áp đảo các nhóm côn đồ mafia khác. Nhờ thế tài sản của Phương mỗi ngày một phình to sau các phi vụ làm ăn.
“Ăn cơm” nhà tù Tây
Nhưng đi đêm mãi cũng có ngày gặp ma. Trong một lần Phương phái đàn em là Dũng cu ti sang Hà Lan chở ma túy về Đức, mặc dù đã ngụy trang khá tinh vi bằng bình xăng 2 lớp nhưng vẫn bị cảnh sát Hà Lan tóm gọn. Không chịu được khổ, Dũng cu ti đã khai ra Phương chính là chủ 6kg ma túy ở trong bình xăng.
Cảnh sát Hà Lan đã phối hợp với cảnh sát Đức ập tới bắt Phương trên đường phố Leipzig, lúc đó Phương đang khoác AK cưa báng cùng 4 đàn em khác đi tới một hộp đêm để đập phá. Khám xét nhà Phương, cảnh sát thu thêm được hơn 1kg ma túy, 6 khẩu tiểu liên của Nga và hơn 400 nghìn euro tiền mặt. Đang như là ông hoàng của thế giới ngầm ở Leipzig, Phương bị bắt, các mối hàng cũng tranh thủ xù nợ luôn, Phương trở thành kẻ trắng tay trong phút chốc.
Sau khi củng cố các chứng cứ, tòa án Đức đã xử Phương 15 năm tù, mức án được coi là kịch khung đối với tội phạm ở nước này. Đánh giá sự nguy hiểm của Phương và để ngăn chặn, không cho Phương thông cung với các đồng bọn bên ngoài, nhà chức trách liên tục chuyển Phương đi khắp các nhà tù của nước Đức.
Nhớ lại quãng thời gian 6 năm lang bạt ở các nhà tù, Phương kể: Bây giờ mình vẫn nhớ chính xác là đã ở 22 nhà tù khắp nước Đức, có những nhà tù chỉ ở được 10 ngày. Tuy bị nhốt cách ly nhưng với cái bóng của ông trùm một thuở, tới nhà tù nào Phương cũng được các bạn tù tiếp đãi và lo lót cẩn thận. Nhà tù Phương ở lâu nhất là được 7 tháng.
Nói về quãng thời gian này Phương kể: Tuy đi tù nhưng họ đối xứ tương đối tốt. Mình là tội phạm nhưng ít bị đánh đập hay bức cung, ăn uống thì cũng ổn, chỉ bị giam cầm cách ly với xã hội bên ngoài. Tuy bị kết án 15 năm tù nhưng do gia đình đã thuê luật sư cãi và bảo lãnh nên Phương đã được xử lại và sau 6 năm bị giam cầm Phương đã được đưa về Việt Nam tháng 11.2006. Phương được bàn giao cho Bộ Công an Việt Nam với một lệnh cấm vĩnh viễn quay trở lại EU.
Đánh đổi cả tuổi trẻ và tính mạng để có được những đồng tiền đen, rồi bị trắng tay, Phương quay lại Việt Trì, Phú Thọ. Sau một năm thì lấy vợ, dựng một quán cà phê để kiếm sống qua ngày. Vợ Phương làm y tá trong Bệnh viện Việt Trì, có một con trai, một gái. Với Phương, quãng đời tung hoành ở trời Tây giống như một cơn ác mộng, chẳng bao giờ mong lặp lại.
Theo Dòng Đời