Theo các hãng tin thế giới, mức giá dầu thô trên thị trường thế giới gần đây giảm sâu đến 25,8%, nhưng giá xăng A92 trong nước được điều chỉnh lần mới đây nhất (ngày 23.10), mới giảm được 12,8%.
Ngày 6.11, Phó TGĐ Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) - ông Trần Ngọc Năm - thừa nhận, giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, nhưng giá bán trong nước chưa giảm được là do các DN kinh doanh xăng dầu đang khá lúng túng khi áp dụng cơ chế.
“Nếu theo Nghị định 84 cũ về kinh doanh xăng dầu, DN phải tính giá bình quân 30 ngày mới được điều chỉnh tăng, giảm giá. Nhưng theo NĐ 83 mới (thay thế NĐ 84) có hiệu lực từ 1.11.2014, quy định khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá là 15 ngày/một lần và giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá thế giới 15 ngày sát với ngày tính giá. Vì vậy, phải chờ chỉ đạo của liên bộ Tài chính - Công Thương, DN mới thực hiện được.
Hiện trang web của Hiệp hội Xăng dầu VN (Vinpa) từ ngày 23.10 đến nay cũng ngừng không cập thông tin về giá cơ sở và chênh lệch giữa giá cơ sở và gía bán lẻ, bởi không biết phải tính giá xăng dầu thế giới bình quân theo nghị định nào, 84 hay 83.
Một quan chức Hiệp hội xăng dầu thừa nhận, vì còn mấy ngày của tháng 10, trong NĐ 83 có hiệu lực bắt đầu từ 1.11, nên theo quy định điều chỉnh giá tối thiểu 15 ngày/lần thì phải sau ngày 15.11, giá xăng dầu mới có thể điều chỉnh.
Cũng trong ngày 6.11, trả lời Lao Động về khả năng cho phép DN kinh doanh xăng dầu giảm giá trước thời điểm 15.11, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải - tái khẳng định: “Chắc chắn sẽ giảm sớm”. Tuy nhiên, thời điểm giảm là khi nào, và vì sao chưa thể tính ngay từ thời điểm giảm giá gần nhất (ngày 23.10) để tính lần điều chỉnh tiếp theo sau 15 ngày, thì ông Hải không tiết lộ.
Chỉ là nguỵ biện
Theo bà Nguyễn Thu Hằng – TGĐ TCty CP XNK Nông - Lâm - Thực phẩm VN, hiện nay các nhà phân phối và các nhà bán lẻ đã hình thành được một kênh phân phối khép kín. Các bên đều làm báo giá từ 6 tháng hoặc 1 năm, do vậy việc xăng dầu tăng hay giảm giá không ảnh hưởng vào hệ thống cung cấp này. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu giảm 8 lần và giá xăng giảm tới 3.300đ/lít nhưng mặt bằng giá cả hầu như không giảm. Đây là việc không sòng phẳng trong kinh doanh và khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Còn ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cho rằng cần phải sòng phẳng giữa các DN kinh doanh taxi, vì khi xăng tăng giá, một số DN taxi tăng giá nhưng một số DN vẫn giữ giá để giữ uy tín. Thống kê tháng 4.2012 giá taxi được điều chỉnh lên 11.500đ/km và đến tháng 6.2013 có điều chỉnh thêm một lần từ 11.500đ lến 12.000đ/km và từ đó đến nay nhiều hãng không tăng giá, do vậy khi xăng giảm giá họ không giảm giá cước taxi.
Cũng theo ông Bình, hiện giá taxi ở Hà Nội là thấp nhất so với mức ở Đà Nẵng và TPHCM (15.000đ/km). Khó khăn nhất vẫn là vận tải taxi cần phải tính toán là giảm và giảm bao nhiêu cho hợp lý, trong khi đó giảm giá taxi và vẫn tải hành khách cũng mất nhiều chi phí như in lại giá vé, chỉnh và kẹp lại chì đồng hồ, rồi xin phép cơ quan thuế…
Đáng chú ý, đứng trên góc độ người tiêu dùng, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, lập luận của các DN kinh doanh xăng dầu, tính từ thời điểm NĐ 83 có hiệu lực sau 15 ngày mới được điều chỉnh giá, chỉ là nguỵ biện. Hiện giá thế giới giảm tới 28%, nhưng giá trong nước mới giảm khoảng trên 10%. Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi trên 1.000 đ/lít.
Chỉ tính riêng mỗi ngày các DN kinh doanh xăng dầu cả nước bán ra 38 triệu lít xăng dầu, nếu trì hoãn giảm giá thì DN xăng dầu lãi biết bao nhiêu. Như vậy là không sòng phẳng với người tiêu dùng, TS Long khẳng định. Ông cũng cho rằng, Nghị định 83 mới hiện cho phép các DN kinh doanh xăng dầu tự điều chỉnh giá trong phạm vi từ 0-3% cũng là sai với quy định của luật giá. Với một thị trường có các DN chiếm vị trí thống lĩnh thị trường mà cho phép DN tự định giá (dù biên độ nhỏ) thì sẽ không có lợi cho người tiêu dùng.
Theo Laodong