Ngày 6/11, Towers Watson Việt Nam, một công ty về tư vấn nhân sự đã công bố kết quả khảo sát lương và phúc lợi năm 2014. Theo đó, mức tăng lương trung bình năm 2014 là 9,6%, giảm so với mức 11,7% của năm 2013. Tỷ lệ nghỉ việc năm nay được báo cáo trung bình ở mức 12,7%.
Mức tăng lương trung bình dự kiến cho năm 2015 giảm nhẹ so với năm 2014, và chưa tính tới các yếu tốt lạm phát. Sau khi trừ đi mức lạm phát, mức tăng lương trung bình dự kiến năm 2015 là 3,1%, đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu mức tăng lương trong khu vực Đông Á.
Ngành dược phẩm có tỷ lệ tăng lương trung bình cao nhất là 11,2% đồng thời cũng là ngành có tỷ lệ nghỉ việc trung bình cao nhất 15,9% trong năm 2014. Ngành bảo hiểm có tỷ lệ tăng lương trung bình năm 2014 thấp nhất, ở mức 7,2%. Tỷ lệ nghỉ việc của ngành dịch vụ tài chính và ngành bảo hiểm thuộc nhóm cao nhất so với mặt bằng chung, trung bình năm nay ở mức 13,6% và 13,9%.
Khảo sát chi tiết về mức lương dành cho nhóm nhân viên mới tốt nghiệp cho thấy, mức lương không có thay đổi nhiều so với năm 2013, trong đó mức lương trả cho trình độ cao đẳng từ 3,8-5 triệu đồng/,tháng đại học 5-7 triệu đồng/tháng, thạc sĩ khoảng 8,1-12 triệu đồng/tháng. So với các nước trong khu vực, mức lương trả cho người mới tốt nghiệp của Việt Nam được đánh giá là thấp nhất, nhưng so với các nước lân cận như Philippines và Ấn Độ thì tương đương.
Hiện mức lương Việt Nam trả cho nhóm nhân viên cấp thấp đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Á. Đối với nhóm chuyên viên đứng thứ 2, chỉ cao hơn so với Myanmar. Còn với nhóm chuyên viên cao cấp, mức lương của Việt Nam trả cao hơn so với các nước như Myanmar, Campuchia, Philippines hay Ấn Độ.
Mức lương trả cho ngành tài chính cao hơn mức trung bình khoảng 30% so với các ngành khác và ngành sản xuất được trả lương thấp nhất. Mức lương tại TPHCM trả cao hơn so với Hà Nội và tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội thì cao hơn so với các tỉnh, thành lân cận.
Tỷ lệ tăng lương của Việt Nam nhìn chung có xu hướng giảm tuy nhiên, vẫn thuộc hàng tăng cao nhất trong khu vực. Trong bối cảnh hiện tại, chỉ các thị trường mới nổi đang nhận được luồng vốn đầu tư lớn như Myanmar mới tăng lương còn các nước khác hầu hết đều giảm hoặc không đổi.
Bình luận về kết quả khảo sát, bà Trang Vũ, Trưởng phòng Dịch vụ Dữ liệu của Towers Watson Việt Nam cho biết: “Mức tăng lương trung bình đạt ở mức 9,6% chủ yếu do ngành dược phẩm và sản xuất dẫn đầu ở mức cao. Đối với kế hoạch năm 2015, mức tăng lương dự kiến không thay đổi nhiều, giảm nhẹ 0,4 điểm phần tram so với năm 2014”.
Theo bà Trang, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, các công ty cần thận trọng cân nhắc việc hoạch định ngân sách cho năm tới. Việc xây dựng kế hoạch và chính sách lương thưởng khác biệt rõ rang giữa nhóm nhân viên có kỹ năng cao, nhóm nhân viên có tiềm năng và nhóm nhân viên làm việc hiệu suất trung bình là quan trọng hơn bao giờ hết nhằm tối ưu hoá ngân sách của công ty.
Towers Watson cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại châu Á Thái Bình Dương trong năm tới có chiều hướng gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng giảm, điều này sẽ làm tang áp lực lên lạm phát. Thách thức đối với doanh nghiệp là củng cố sự gắn kết của nhân viên, giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc và bảo đảm được tính cạnh tranh trong vòng xoáy tăng lương bù lạm phát.
“Tiền lương luôn là yếu tố hàng đầu để thu hút và giữ chân nhân viên có tay nghề cao. Do vậy, các doanh nghiệp cần thiết xây dựng một chính sách lương thưởng hiệu quả, cân bằng giữa nhu cầu và kỳ vọng của các bên”, Towers Watson nhận xét.
Theo Dân Trí